Khi một cá nhân hoặc tổ chức mua xe ô tô và tham gia giao thông trên đường bộ thì vấn đề đăng kiểm xe ô tô hay còn gọi là kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ô tô là vấn đề bắt buộc chủ xe phải thực hiện. Vậy đăng kiểm xe ô tô là gì?
Mục lục bài viết
1. Đăng kiểm xe ô tô là gì?
Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quy định như sau: Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới (sau đây gọi tắt là kiểm định) là việc kiểm tra, đánh giá lần đầu và định kỳ tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định.
Như vậy, đăng kiểm xe ô tô là cách gọi phổ biến của người dân còn theo quy định của pháp luật thì đăng kiểm xe ô tô đó chính là việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới hay còn gọi là kiểm định. Theo quy định tại khoản 18 Điều 3
Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Theo đó, xe cơ giới bao gồm có xe ô tô, xe máy kéo,…..
Như vậy, đăng kiểm xe ô tô là vấn đề bắt buộc khi cá nhân, tổ chức sử dụng xe ô tô. Đăng kiểm xe ô tô hay còn gọi là kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ô tô chính là việc chủ xe thực hiện việc kiểm tra, đánh giá lần đầu và định kỳ đối với tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn và quy chuẩn, quy định theo quy định của pháp luật.
2. Hồ sơ thủ tục đăng kiểm xe ô tô lần đầu:
Khi đi thực hiện đăng kiểm xe ô tô lần đầu, chủ xe chuẩn bị trước các loại giấy tờ sau:
– Giấy tờ bản chính về đăng ký xe như bản chính Giấy đăng ký xe hoặc giấy biên nhận giữ bản chính giấy đăng ký xe mà đang thế chấp tại tổ chức tín dụng hoặc giấy hẹn cấp Giấy đăng ký xe
– Bản sao của phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp ở trong nước (trừ xe ô tô thanh lý)
– Bản chính giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ô tô cải tạo đối với trường hợp xe ô tô mới cải tạo.
Sau khi đã chuẩn bị xong những giấy tờ trên, chủ xe ô tô đưa xe ô tô đến đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định và lập hồ sơ phương tiện. Khi đến đơn vị đăng kiểm, chủ xe ô tô sẽ phải:
– Xuất trình giấy tờ bản chính về đăng ký xe (như bản chính Giấy đăng ký xe hoặc giấy biên nhận giữ bản chính giấy đăng ký xe mà đang thế chấp tại tổ chức tín dụng hoặc giấy hẹn cấp Giấy đăng ký xe)
– Nộp các loại giấy tờ bản sao của phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp ở trong nước; bản chính giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ô tô cải tạo đối với trường hợp xe ô tô mới cải tạo.
– Cung cấp tất cả các thông tin về tên đăng nhập, mật khẩu truy cập và tên địa chỉ trang thông tin điện tử quản lý của thiết bị giám sát hành trình và camera đối với xe ô tô thuộc đối tượng bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình và camera
– Chủ xe phải khai báo về việc kinh doanh vận tải vào tờ phiếu theo dõi hồ sơ.
3. Thời hạn đăng kiểm xe ô tô:
Theo quy định của pháp luật thì chu kỳ kiểm định đối với xe ô tô sẽ được xác định dựa trên loại phương tiện, cụ thể như sau:
– Đối với xe ô tô chở người đến 09 chỗ nhưng không kinh doanh vận tải:
+ Xe ô tô sản xuất đến 07 năm: chu kỳ kiểm định đầu là 30 tháng; chu kỳ định kỳ là 18 tháng.
+ Xe ô tô sản xuất trên 07 năm đến 12 năm: chu kỳ kiểm định định kỳ là 12 tháng.
+ Xe ô tô sản xuất trên 12 năm: chu kỳ kiểm định định kỳ là 06 tháng.
– Đối với xe ô tô chở người đến 09 chỗ nhưng có kinh doanh vận tải:
+ Xe ô tô sản xuất đến 05 năm: chu kỳ kiểm định đầu là 24 tháng; chu kỳ kiểm định định kỳ là 12 tháng.
+ Xe ô tô sản xuất trên 05 năm: chu kỳ kiểm định định kỳ là 06 tháng
+ Xe ô tô có có cải tạo: Chu kỳ kiểm định đầu là 12 tháng; chu kỳ kiểm định định kỳ là 06 tháng.
– Đối với xe ô tô chở người mà trên 09 chỗ:
+ Đối với xe ô tô không cải tạo: Chu kỳ kiểm định đầu là 18 tháng; chu kỳ kiểm định định kỳ là 06 tháng.
+ Đối với xe ô tô có cải tạo: chu kỳ kiểm định đầu là 12 tháng; chu kỳ kiểm định định kỳ là 06 tháng.
– Đối với xe ô tô tải các loại, xe ô tô chuyên dùng, xe ô tô đầu kéo, xe rơ mooc, sơmi rơ mooc:
+ Đối với xe tô tải các loại, xe ô tô chuyên dùng, xe ô tô đầu kéo đã sản xuất đến 07 năm: chu kỳ kiểm định đầu là 24 tháng; chu kỳ kiểm định định kỳ là 12 tháng.
+ Xe ô tô tải các loại, xe ô tô chuyên dùng, xe ô tô đầu kéo đã sản xuất trên 07 năm: chu kỳ kiểm định định kỳ là 06 tháng.
+ Xe ô tô có cải tạo: chu kỳ kiểm định đầu là 12 tháng; chu kỳ kiểm định định kỳ là 06 tháng.
– Đối với các loại xe ô tô khác: chu kỳ kiểm định định kỳ là 03 tháng đối với các loại xe ô tô sau:
+ Xe ô tô chở người mà trên 09 chỗ đã được sản xuất từ 15 năm trở lên
+ Xe ô tô tải các loại, xe ô tô đầu kéo đã được sản xuất từ 20 năm trở lên
+ Xe tô tải đã được cải tạo chuyển đổi công năng từ xe ô tô chở người đã sản xuất từ 15 năm trở lên.
4. Lệ phí đăng kiểm xe ô tô mới nhất?
Tại Thông tư 55/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 238/2016/TT-BTC quy định giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật có quy định về mức giá đăng kiểm xe ô tô có hiệu lực từ ngày 08/10/2022, cụ thể như sau:
– Đối với xe ô tô tải mà có khối lượng hàng chuyên chở được cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn, đối với xe ô tô đầu kéo mà có khối lượng kéo theo được cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn và đối với các loại xe ô tô chuyên dùng: có mức giá dịch vụ đăng kiềm là 570.000 đồng.
– Đối với xe ô tô tải mà có khối lượng hàng chuyên chở được cho phép khi tham gia giao thông trên 7 tấn đến 20 tấn, đối với xe ô tô đầu kéo mà có khối lượng kéo theo được cho phép tham gia giao thông đến 20 tấn và đối với các loại máy kéo: có mức giá dịch vụ đăng kiềm là 360.000 đồng.
– Đối với xe ô tô tải mà có khối lượng hàng chuyên chở được cho phép tham gia giao thông trên 2 tấn đến 7 tấn: có mức giá dịch vụ đăng kiềm là 330.000 đồng
– Đối với xe ô tô tải mà có khối lượng hàng chuyên chở được cho phép tham gia giao thông đến 2 tấn: có mức giá dịch vụ đăng kiềm là 290.000 đồng
– Đối với xe rơ moóc, sơ mi rơ moóc: có mức giá dịch vụ đăng kiềm là 190.000 đồng
– Đối với xe ô tô chở người mà trên 40 ghế (tính cả lái xe), xe buýt: có mức giá dịch vụ đăng kiềm là 360.000 đồng
– Đối với xe ô tô chở người từ 25 đến 40 ghế (tính cả lái xe): có mức giá dịch vụ đăng kiềm là 330.000 đồng
– Đối với xe ô tô chở người từ 10 ghế đến 24 ghế (tính cả lái xe): có mức giá dịch vụ đăng kiềm là 290.000 đồng
– Đối với xe ô tô chở người mà dưới 10 chỗ ngồi, đối với xe ô tô cứu thương: có mức giá dịch vụ đăng kiềm là 250.000 đồng
– Đối với xe ba bánh và đối với các loại phương tiện vận chuyển tương tự: có mức giá dịch vụ đăng kiềm là 110.000 đồng
Ngoài ra, chủ xe ô tô phải nộp khoản lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm ô tô. Tại Thông tư 36/2022/TT-BTC sửa đổi Thông tư 199/2016/TT-BTC quy định quản lý phí cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật giao thông vận tải quy định như sau:
– Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (giấy chứng nhận đăng kiểm) cấp cho các loại xe ô tô là 40.000 đồng
– Giấy chứng nhận cấp cho xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi: 90.000 đồng.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật Giao thông đường bộ 2008;
– Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;
– Thông tư 36/2022/TT-BTC sửa đổi Thông tư 199/2016/TT-BTC quy định quản lý phí cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật giao thông vận tải.