Tìm hiểu về người đang bị tạm giam? Quyền và nghĩa vụ của người đang bị tạm giam? Đang bị tạm giam có được ủy quyền cho người thân rút tiền?
Hiện nay, đối tượng đang bị tạm giam và đang bị cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra hành vi phạm tội. Nhiều bạn đọc còn thắc mắc rằng đang bị tạm giam có được ủy quyền cho người thân rút tiền không? Nếu có thì hồ sơ, thủ tục để người đang bị tạm giam ủy quyền cho người thân rút tiền bao gồm những loại giấy tờ và thủ tục gì?
Cơ sở pháp lý:
–
– Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015;
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến miễn phí: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Tìm hiểu về người đang bị tạm giam?
Tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự, căn cứ theo Khoản 2 Điều 3 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 thì người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 119, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định các trường hợp Tạm giam như sau:
Thứ nhất, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
Thứ hai, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:
– Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;
– Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;
– Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;
– Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;
– Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Thứ ba, Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
Thứ tư, Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
2. Quyền và nghĩa vụ của người đang tạm giam:
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 người đang bị tạm giam có quyền sau đây:
– Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;
– Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân;
– Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;
– Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;
– Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;
– Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;
– Được bồi thường thiệt hại theo quy định của
– Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;
– Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;
– Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam.
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, người đang bị tạm giam có nghĩa vụ phải chấp hành quyết định, yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
3. Đang bị tạm giam có được ủy quyền cho người thân rút tiền?
Căn cứ theo quy định nêu trên người đang bị tạm giam có quyền được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự. Để xác định người đang bị tạm giam có được ủy quyền cho người thân rút tiền hay không thì cần xem xét khoản tiền trong ngân hàng của người đang bị tạm giam có hay không liên quan đến hành vi phạm tội của người đang bị tạm giam. Do đó, ta có 2 trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất: Khoản tiền trong ngân hàng của người đang bị tạm giam có liên quan đến hành vi phạm tội của người đang bị tạm giam
Căn cứ theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì việc phong tỏa tài khoản chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.
Như vậy, trong trường hợp khoản tiền trong ngân hàng của người đang bị tạm giam có liên quan đến hành vi phạm tội của người đang bị tạm giam sẽ bị phong tỏa tài khoản và không thể ủy quyền cho người thân thực hiện việc rút tiền.
Trường hợp thứ hai: Khoản tiền trong ngân hàng của người đang bị tạm giam không liên quan đến hành vi phạm tội của người đang bị tạm giam thì người đang bị tạm giam có thể ủy quyền cho người thân để rút tiền. Cụ thể:
– Căn cứ theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015 về đại diên theo ủy quyền:
(1) Các cá nhân, pháp nhân có thể thực hiện ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
(2) Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
(3) Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
– Đồng thời căn cứ theo Khoản 3 Điều 19 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 về chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế quyền đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trong trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.
– Căn cứ theo Điều 44 Luật Công chứng năm 2014 quy định về địa điểm công chứng như sau:
(1) Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp tại Mục (2) dưới đây.
(2) Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Như vậy, đối với trường hợp khoản tiền trong ngân hàng của người đang bị tạm giam không liên quan đến hành vi phạm tội của người đang bị tạm giam thì người đó hoàn toàn có thể ủy quyền cho người thân để thực hiện việc rút tiền và thực hiện thủ tục ủy quyền khi được sự đồng ý của cơ quan thụ lý vụ án và lãnh đạo quản lý người đang bị tạm giam. Hiện nay, theo quy định pháp luật hiện hành, công chứng viên có thể đến trại giam nơi tạm giam của người này để thực hiện thủ tục ủy quyền.
Sau khi hoàn thành xong thủ tục ủy quyền và được công chứng. Người nhận ủy quyền của người đang bị tạm giam mang theo văn bản ủy quyền, giấy tờ tùy thân đến ngân hàng để rút tiền.