Hàng năm ở nước ta diễn ra rất nhiều những sự kiên nổi bật và tiêu biểu. Bài viết sau đây sẽ gửi tới bạn đọc dàn ý bài văn Thuyết minh thuật lại một sự kiện chi tiết nhất. Mời các bạn cùng tham khảo
Mục lục bài viết
1. Dàn ý viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện:
A. Mở bài
Giới thiệu về sự kiện em muốn thuyết minh và ấn tượng của em với sự kiên đó
B. Thân bài
Tóm tắt diễn biến sự kiện theo trình tự thời gian:
– Thời gian, địa điểm diễn ra sự kiện ở đâu?
– Những ai có mặt tham gia sự kiện?
– Hoạt động chính nào diễn ra trong sự kiện? Hoạt động nào em thấy ấn tượng nhất
Diễn biến từng hoạt động ra sao? Có gì đặc sắc? Em ấn tượng hay thích hoạt động nào nhất?
– Ý nghĩa của sự kiện em thuyết minh
C. Kết bài
Khái quát ngắn gọn ý nghĩa của sự kiện và cảm nghĩ của em.
2. Bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện:
Ngày Tết cổ truyền là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của Việt Nam. Ngày Tết cổ truyền gọi là Tết Nguyên đán hay tết âm lịch và được coi là thời khắc quan trọng nhất của một năm. Thời gian bắt đầu vào ngày mùng 1 tháng 1 âm lịch của năm mới. Ở Việt Nam, mỗi dịp chuẩn bị đến Tết Nguyên đán thì mọi người dù làm việc hay đi học đều có lịch nghỉ lễ.
Chuẩn bị cho ngày Tết quan trọng của năm này thì mọi nhà thường sắm sửa rất nhiều đồ mới, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm cơm thờ cúng ông bà tổ tiên. Mâm cơm ngày Tết có lẽ là việc làm được chuẩn bị kỹ càng nhất ở mỗi địa phương, và ở mỗi nơi lại có những nét đặc sắc riêng. Điểm chung nhất không thể thiếu đó là gà luộc, giò, hành muối bánh chưng và các món mặn ăn chung với cơm, mâm cơm ngày Tết thịnh soạn và đặc sắc hơn. Mâm cơm cúng do các bà, các mẹ, các chị chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước ngày Tết. Do từng phong tục của mỗi nơi mà gia đình sẽ cúng ông bà tổ tiên vào thời khắc thiêng liêng nhất của một năm đó là lúc 12h đêm ngày 30 Tết hoặc vào tối ngày 30 trong mâm cơm sum họp gia đình sau đó sẽ cúng cả ngày mùng 1, 2, 3 Tết. Trên bàn thờ gia tiên ngoài mâm cơm cúng rất tươm tất còn có mâm ngũ quả, bánh kẹo, nước ngọt, bia lon, hoa tươi, cành đào. Hoa luôn có màu sắc rực rỡ để đem lại may mắn cho năm mới. Sở thích cắm cành đào cành mai trên bàn thờ gia tiên cũng là cách mà nhiều gia đình sử dụng. Đây là về phong tục thờ cúng. Ngày Tết cổ truyền còn có một phong tục thăm hỏi người lớn tuổi, người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm mỗi khi Tết đến xuân về. Khi đó người lớn sẽ lì xì cho trẻ con và người lớn tuổi cùng những lời chúc vào đầu năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý. Đây là nét đẹp văn hóa của người Việt, để thể hiện quan tâm, hy vọng có một cuộc sống đủ đầy và bình an cho mọi người. Những ngày Tết cổ truyền không thể thiếu các hoạt động được tổ chức xung quanh làng xóm như các trò chơi dân gian, những phiên chợ Tết, phiên chợ hoa. Mọi người đến đình, chùa để cầu mong một năm mới với hy vọng mới và niềm vui mới, sức khỏe, tài lộc. Đây là điều thể hiện sự tâm linh của người Việt. Từ người già đến người trẻ cùng nhau lên chùa để mong có một năm mới thuận lợi hơn. Và đó là những hình ảnh không thể nào quên của ngày Tết. Những người làm ăn xa quê hương, ngày Tết là cơ hội hiếm có để cùng ăn bữa cơm đoàn viên cùng gia đình. Cảnh gói bánh chưng, trông nồi luộc bánh chưng, cùng hát hò quây quần bên bếp lửa nóng hổi không khí rất vui. Những chiếc bánh chưng vuông vắn dưới bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, các chị chắc chắn là hình ảnh khó quên nhất trong tuổi thơ của mỗi người.
Những ngày Tết cổ truyền đã là biểu tượng văn hóa, ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt ta, là dịp để con cháu quây quần bên gia đình, đoàn tụ với người thân, hiếu kính với ông bà, cha mẹ và là nét đẹp văn hóa con người Việt.
3. Bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện hay nhất:
Tết Trung Thu là ngày Tết rất quen thuộc đối với người Việt Nam. Tết về mang theo không khí náo nức vui tươi trong những câu hát rước đèn, mang theo cái ấm áp của sự sum vầy, mang theo niềm tự hào về văn hóa dân tộc, vẻ đẹp của đất nước. Tết Trung Thu diễn ra vào ngày rằm tháng 8 (theo âm lịch) hàng năm, còn được gọi là Tết Thiếu Nhi hay Tết Trông Trăng
Nguồn gốc của Tết Trung Thu người xưa thường kể về câu chuyện Chú Cuội cung trăng hay về Hằng Nga. Dù bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ thì tết Trung Thu từ lâu đã đi sâu vào tiềm thức, trong hoạt động sinh hoạt văn hóa văn nghệ của người Việt Nam xưa và nay, trở thành một phong tục đẹp đẽ, đáng tự hào của dân tộc Việt. Tết Trung Thu rất đáng được mọi người mong chờ đặc biệt là trẻ con bởi nó có nhiều hoạt động vô cùng hấp dẫn. Nếu trước tết Nguyên Đán cổ truyền người ta chuẩn bị gói bánh, luộc bánh chưng, giã giò thì trước mấy ngày đến Tết Trung Thu, đi trên khắp đường phố, ngõ xóm đều có thể ngửi thấy mùi bánh nướng bánh dẻo, trang trí đường làng ngõ xóm, làm đèn kéo quân chuẩn bị cho Trung Thu. Mọi người nô nức làm bánh, mua bánh, tặng bánh cho nhau. Những chiếc bánh vuông vắn, ngọt vị khiến cho cái Tết càng trở nên ngọt ngào, ấm áp. Bên cạnh bánh trung thu, món quà người lớn thường tặng cho trẻ em là đồ chơi là những mặt nạ hay những chiếc đèn lồng, đèn kéo quân sáng rực, xinh xắn. Bên cạnh làm bánh thì nhà nhà đều làm đèn lồng để treo trước cửa nhà mình và hệ thống đèn nháy chạy dọc các đường phố đều được treo đèn lồng sáng rực. Không khí trước Tết trung thu đoàn viên xôn xao náo nức nhắc nhở mọi người ai ở phương xa cũng trở về gia đình để đón cái Tết thật ấm áp. Trong ngày Tết Trung Thu các hoạt động vui chơi rất sôi nổi. Trăng tròn lên cao, treo lơ lửng giữa đỉnh trời, tỏa ánh sáng dịu dàng mát rượi chan hòa khắp muôn nơi. Dưới ánh trăng rằm hôm 15, người ta bày cỗ, phá cỗ linh đình, nhảy múa trên nền nhạc, đốt pháo bông. Tiết mục luôn được mong chờ nhất là màn múa lân, mang đến niềm hân hoan cho những em nhỏ và niềm vui cho tấc cả mọi người. Tết Trung Thu có rất nhiều ý nghĩa, đó không chỉ là ngày đoàn viên, hội ngộ, ngày mà mọi người được quây quần sum vầy bên nhau bên mâm cơm, thưởng thức những chiếc bánh trung thu; ngày trẻ em được cùng nhau nô đùa thỏa thích được ăn bánh kẹo, được nhận nhiều đồ chơi mà còn là một nét vẽ không thể thiếu trong bức tranh văn hóa Việt. Tết trung thu đã đi vào trong những câu hát nằm lòng với mỗi thiếu nhi:
Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bươm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lam với đèn trắng trắng
Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu…
Bởi vậy mỗi lần mùa Trung Thu đến lại để lại trong lòng người những cảm xúc đáng nhớ. Ngày nay, xã hội càng phát triển, con người càng bận rộn chạy theo những giá trị vật chất mà đôi khi quên đi giá trị tinh thần bao đời nay. Tết trung thu đến là dịp quý giá để con người đoàn tụ, vẻ hân hoan, náo nức của Tết cũng chính là giữ được màu tươi trong bản sắc văn hóa của dân tộc, ai đi xa quê hương đều mong muốn được trở về quê trong những dịp Tết đến như thế này để được quây quần hạnh phúc bên cả gia đình.