Dẫn chiếu pháp luật là khái niệm tương đối phổ biến trong hoạt động tư pháp. Vậy dẫn chiếu pháp luật là gì? Lấy ví dụ về dẫn chiếu pháp luật ra sao?
Mục lục bài viết
1. Khái niệm về dẫn chiếu pháp luật. Thực tiễn tiến hành dẫn chiếu pháp luật:
Dẫn chiếu pháp luật là hoạt động liên quan đến pháp lý được diễn ra khi cơ quan có thẩm quyền của nước này áp dụng quy phạm xung đột dẫn chiếu đến pháp luật nước khác, nhưng pháp luật nước khác lại quy định vấn đề phải được giải quyết theo pháp luật nước này hoặc được giải quyết theo pháp luật của một nước thứ ba. Xét trong khái niệm này, dẫn chiếu pháp luật nước thứ ba là trường hợp mà một quan hệ xã hội cần được điều chỉnh nhưng có xung đột pháp luật mà nước thứ nhất đã chỉ dẫn việc áp dụng pháp luật của nước thứ hai, nhưng nước thứ hai lại có quy phạm xung đột về việc chỉ dẫn áp dụng pháp luật của nước thứ ba thì phải áp dụng pháp luật của nước ấy.
Thực tế, dẫn chiếu pháp luật chính là dẫn chiếu ngược và dẫn chiếu đến của pháp luật.
Xét về bản chất, dẫn chiếu pháp luật chính là sự so sánh về quy phạm pháp luật, phương thức giải quyết cùng một vấn đề giữa pháp luật của các nước. Để dẫn chiếu pháp luật, giữa nước thực hiện dẫn chiếu và nước được dẫn chiếu phải có những điểm chung nhất định với nhau, đặc biệt là nội dung và hành vi vi phạm pháp luật.
Hiện nay, hoạt động dẫn chiếu pháp luật vẫn diễn ra tương đối phổ biến tại nước ta. Bởi xét trong bối cảnh nền kinh tế xã hội đang ngày càng có những bước chuyển biến mạnh mẽ như ngày nay, nhu cần giao thương, đối trọng giữa các nước ngày càng nhiều, số lượng người dân giữa các nước qua lại ngày càng lớn. Điều này đặt ra yêu cầu, câu hỏi về sự kết nối pháp luật giữa các nước, để khi có hành vi vi phạm xảy ra, sẽ đưa phương thức xử lý sao cho khách quan và phù hợp nhất.
Mỗi quốc gia đều có một hệ thống pháp luật riêng, dựa trên những đặc điểm và thuộc tính xã hội riêng biệt. Tuy nhiên, việc trao đổi, giao lưu pháp lý giữa các quốc gia vẫn được đảm bảo thực hiện và duy trì. Đây chính là biểu hiện rõ ràng nhất của thực tiễn dẫn chiếu pháp luật.
2. Nguyên nhân và hệ quả của dẫn chiếu pháp luật:
2.1. Nguyên nhân của dẫn chiếu pháp luật:
Theo nội dung đã phân tích ở trên, hiện nay, việc dẫn chiếu pháp luật diễn ra tương đối phổ biến, không chỉ tại Việt Nam mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việc dẫn chiếu pháp luật xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau đây:
– Dẫn chiếu pháp luật được thực hiện do sự khác nhau về quy định của các nước trong việc chọn luật áp dụng. Xét về nguyên tắc, quy phạm xung đột có hai bộ phận cấu thành, là phần phạm vi và phần hệ thuộc. Trong rất nhiều trường hợp, cùng một phạm vi, nhưng phần hệ thuộc giữa hệ thống pháp lý lại khác nhau. Điều này khiến xung đột pháp lý xảy ra. Lúc này, hiện tượng dẫn chiếu xuất hiện. Hay nói cách khác, hiện tượng dẫn chiếu xuất hiện khi một vấn đề pháp lý thuộc phần phạm vi của hai quy phạm xung đột của hai nước có phần hệ thuộc khác nhau. Đây là sự xung đột về nguyên tắc chọn luật áp dụng cho cùng một vấn đề pháp lý.
– Do hệ thuộc luật của các nước khác nhau. Lúc này, cùng một vấn đề pháp lý, nhưng cách giải quyết giữa pháp luật các nước lại có sự khác nhau (mâu thuẫn với nhau). Hay nói cách khác, các nước có cùng phạm vi vấn đề cho rằng hệ thống pháp luật của nước mình phù hợp hơn trong việc đưa ra phương thức giải quyết; hoặc hoặc cả hai nước đều từ chối áp dụng, cho rằng pháp luật của nước mình không có thẩm quyền áp dụng. Lúc này, xung đột xảy ra và cần dẫn chiếu pháp luật.
Trên đây là hai nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động dẫn chiếu pháp luật. Xét về bản chất chung nhất, dẫn chiếu pháp luật được diễn ra là do sự xung đột trong việc lựa chọn cung thức pháp lý áp dụng cho một phạm vi vấn đề. Đôi khi, các quốc gia sẽ “giành” việc áp dụng luật nước mình cho trường hợp cụ thể đó; song, cũng có tình huống, các quốc gia lại từ chối giải quyết, vì cho rằng nó không thuộc thẩm quyền giải quyết của ngước mình. Đây là tình trạng “tranh giành” và “đùn đẩy”. Khi các xung đột xảy ra, cơ quan chức năng có thẩm quyền của các nước buộc phải hướng đến phương cách dẫn chiếu pháp luật.
2.2. Hệ quả của dẫn chiếu pháp luật:
Dẫn chiếu pháp luật đem đến những hệ quả cơ bản sau đây:
– Hệ quả 1: Pháp luật của quốc gia không chấp nhận dẫn chiếu ngược và dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba.
Đối với việc giải quyết xung đột pháp lý giữa các quốc gia chung phạm vi vấn đề với nhau, một trong các quốc gia trong quan hệ xung đột cho rằng việc dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài ở đây phải là sự dẫn chiếu đến quy phạm pháp luật thực chất của nước ngoài. Tuy nhiên, về bản chất, đối với trường hợp này, về nguyên tắc, pháp luật được áp dụng ở đây sẽ là pháp luật của nước mà được pháp luật quốc gia này dẫn chiếu đến, và áp dụng các quy phạm pháp luật thực chất của nước đó để giải quyết quan hệ xã hội phát sinh. Tức nó sẽ phụ thuộc vào quy định pháp lý của quốc gia đó, xét xem trong quy định luật đưa ra, quốc gia đó quy định về việc dẫn chiếu như thế nào để đưa ra phương thức giải quyết. Hệ quả cho trường hợp này là một quốc gia không chấp nhận dẫn chiếu ngược và dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba, nhưng thực tế là sẽ pháp luật của nước mà được pháp luật quốc gia này dẫn chiếu đến.
– Hệ quả 2: Pháp luật của quốc gia chấp nhận dẫn chiếu ngược và dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba.
Đây là hệ quả trái ngược với hệ quả thứ nhất. Theo hệ quả này, nếu một quốc gia đó theo quan điểm thứ hai, cho rằng sự dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài phải là sự dẫn chiếu đến toàn bộ hệ thống pháp luật của nước đó (kể cả quy phạm luật thực chất, cả luật xung đột), thì pháp luật sẽ áp dụng là pháp luật của chính quốc gia mà được pháp luật của quốc gia kia dẫn chiếu ngược trở lại hoặc pháp luật của nước thứ ba. Xét theo hệ quả này, khi pháp luật của quốc gia chấp nhận dẫn chiếu ngược và dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba, pháp luật sẽ áp dụng là pháp luật của chính quốc gia mà được pháp luật của quốc gia kia dẫn chiếu ngược trở lại hoặc pháp luật của nước thứ ba.
3. Ví dụ về dẫn chiếu pháp luật:
Trong bối cảnh nền kinh tế xã hội ngày càng có những bước tiến nhảy vọt như ngày nay, nhu cầu giao thương, đối trọng giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng lớn. Lúc này, các quan hệ pháp lý giữa công dân Việt Nam, pháp luật Việt Nam với công dân nước ngoài, pháp luật nước ngoài dần có sự va chạm qua lại với nhau. Lúc này, xung đột rất dễ xảy ra.
Ta xét vào ví dụ thực tiễn liên quan đến dẫn chiếu pháp luật giữa Việt Nam với các quốc gia khác trong việc giải quyết các vấn đề dân sự.
Doanh nghiệp TNHH Minh B có vốn đầu tư 100% là của Việt Nam, chủ doanh nghiệp là người Việt Nam, và đăng ký hoạt động tại Mỹ, trụ sở doanh nghiệp nằm tại Anh. Đầu năm 2020, doanh nghiệp này xảy ra tình trạng trốn thuế, cùng các vấn đề liên quan đến vận hành doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng phá sản. Lúc này, câu hỏi được đặt ra, là vấn đề này được giải quyết theo pháp luật của nước nào?
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 của Việt Nam, thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân đó thành lập. Doanh nghiệp Minh B là doanh nghiệp nước ngoài và thành lập tại Mỹ. Vậy pháp luật Mỹ là pháp luật điều chỉnh năng lực pháp luật dân sự của doanh nghiệp B. Nhưng theo pháp luật Mỹ, vấn đề này được điều chỉnh bởi pháp luật nơi doanh nghiệp có trụ sở thực tiễn. Mà xét trong thực tế thì doanh nghiệp B có trụ sở tại Anh. Do đó, pháp luật Mỹ dẫn đến pháp luật Anh. Vậy hiện tượng dẫn chiếu đến pháp luật nước thứ ba có thể xảy ra ở Việt Nam.
Đây chính là ví dụ cơ bản nhất cho tình trạng xung đột giữa các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề. Đối với trường hợp xung đột này, dẫn chiếu pháp luật sẽ xảy đến, và các quốc gia sẽ xem xét, tìm ra hệ thống pháp luật điều chỉnh vấn đề sao cho toàn diện, khách quan và phù hợp nhất.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Bộ luật dân sự 2015.