Trong các loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tội dâm ô người dưới 16 tuổi là tội phạm mà người phạm tội mặc dù không thực hiện hành vi giao cấu nhưng vẫn xâm phạm đến quyền được tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người bị xâm hại.
Mục lục bài viết
1. Tội dâm ô người dưới 16 tuổi là gì?
Để có cách nhìn toàn diện về những vấn đề lý luận và thực tiễn về quyết định hình phạt đối với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi cần thiết phải nghiên cứu để nắm bắt được khái niệm và đặc điểm của loại tội phạm này.
Để có một định nghĩa khoa học về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi cần làm rõ khái niệm dâm ô nói chung. Về khái niệm này có những quan niệm khác nhau như:
“Dâm ô là hành vi sinh hoạt tình dục dưới các dạng khác nhau nhưng không phải ở dạng hành vi giao cấu”;
Dâm ô “là hành vi có đặc điểm thỏa mãn hoặc khêu gợi, kích thích nhu cầu tình dục nhưng không phải là hành vi giao cấu cũng như hành vi không phải là hành vi quan hệ tình dục khác”;
hoặc “Dâm ô là hành vi có tính chất loạn dâm dục nhằm thỏa mãn dục vọng của mình nhưng không có ý định giao cấu với người khác.
LHS Việt Nam trong các lần pháp điển hóa năm 1999 và 2015 không đưa ra định nghĩa pháp lý với sự mô tả rõ về hành vi dâm ô và tội phạm dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, nhưng khi nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của TANDTC thì có những hướng dẫn về hành vi dâm ô, ví dụ như Hướng dẫn số 329-HS2 ngày 11/05/1967: “Dâm ô tức là hành vi bỉ ổi đối với người khác, tuy không phải là hành vi giao cấu nhưng cũng nhằm thỏa mãn tình dục của mình hoặc khêu gợi bản năng tình dục người đó”; và gần đây TANDTC tại Nghị quyết số 06/2019 hướng dẫn: “Hành vi dâm ô là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục”.
Theo quan niệm của các tác giả trên và cả trong hướng dẫn của TANDTC thì dâm ô là một dạng hành vi xâm hại tình dục, nhưng các hành vi này chỉ dừng lại ở việc tác động trực tiếp ở bên ngoài cơ thể của nạn nhân mà không có sự giao cấu hoặc không có mục đích giao cấu với nạn nhân. Đây là các hành vi sử dụng trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một công cụ nhằm thỏa mãn hoặc khêu gợi nhu cầu tình dục của chính bản thân người phạm tội hoặc khêu gợi bản năng tình dục của người khác nhưng không phải là hành vi “giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác”.
Để làm rõ hơn khái niệm dâm ô và tội phạm dâm ô đối với người dưới 16 tuổi cần thiết phân biệt nó với các hành vi quấy rối tình dục.
Quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận….
“Quấy rối tình dục bao gồm bất kỳ hành vi nào mang tính bản chất tình dục hoặc gợi dục của một người, như bằng lời nói, không bằng lời nói, thị giác, cử chỉ và hành động nhằm vào một người khác mà người đó không mong muốn hoặc thấy khó chịu tại các địa điểm khác nhau”.
Như vậy, hành vi dâm ô là một dạng của hành vi lạm dụng tình dục và cũng là một dạng của các hành vi quấy rối tình dục.
Trên cơ sở các nhận thức về hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nêu trên, có thể đưa ra định nghĩa về tội này như sau:
“Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong LHS do người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện một cách cố ý xâm phạm trực tiếp hoặc gián tiếp vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục, không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác.”
2. Đặc điểm của tội phạm dâm ô người dưới 16 tuổi:
Để có quan niệm đúng đắn về tội phạm dâm ô đối với trẻ em cần phải chỉ ra được các đặc điểm chủ yếu thể hiện bản chất của loại tội phạm này. Nghiên cứu cho thấy tội phạm này có những đặc điểm như sau:
Thứ nhất, tội phạm xâm phạm nhân phẩm, danh dự của người dưới 16 tuổi mà cụ thể là xâm phạm quyền tự do tình dục của người dưới 16 tuổi.
Thứ hai, nạn nhân (đối tượng tác động) của tội phạm chỉ là các em dưới 16 tuổi. Các em trong lứa tuổi này bị dâm ô có thể đồng tình, tự nguyện hoặc bị cưỡng ép thực hiện hành vi dâm ô với người phạm tội.
Thứ ba, người phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi chỉ giới hạn là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Họ có thể là nam, nữ hoặc là người lưỡng tính.
Thứ tư, người phạm tội thực hiện hành vi dâm ô một cách cố ý, sử dụng mọi thủ đoạn có tính chất dâm dục đối với người dưới 16 tuổi để thoả mãn dục vọng của mình nhưng không có mục đích thực hiện hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân.
3. Dấu hiệu pháp lý của tội dâm ô người dưới 16 tuổi:
Theo Điều 146 BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là trường hợp “người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác”.
3.1. Khách thể của tội phạm:
Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi xâm phạm đến quyền được bảo vệ về thân thể, nhân phẩm, danh dự và sự phát triển bình thường về tâm sinh lý của trẻ em và trước hệt tội phạm xâm hại đến tự do tình dục của người dưới 16 tuổi.
Đối tượng tác động của tội phạm này là người dưới 16 tuổi.
3.2. Về mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi khách quan phạm tội là hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Theo hướng dẫn của của Hội đồng thẩm phán TANDTC tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 thì: “3. Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục”
Hành vi phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi chỉ được giới hạn ở các hành vi tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục.
Để làm rõ hơn, khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 06/2019 của TANDTC chỉ ra những hành vi cụ thể được coi là hành vi dâm ô, bị xử lý hình sự, đó là:
a) Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;
b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi…) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
c) Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
d) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;
đ) Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy… của người dưới 16 tuổi).
Tội phạm này có cấu thành hình thức, chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong những hành vi nêu trên thì coi là tội phạm hoàn thành, không cần hậu quả xảy ra.
3.3. Dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm này là bất cứ ai có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt từ đủ 18 tuổi trở lên.
3.4. Dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm:
Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là tội được thực hiện bằng lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội cần phải xác định được. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội nêu trên nhưng không nhằm thực hiện hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác thì thỏa mãn mặt chủ quan của tội phạm này. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi nêu trên những với mục đích giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác thì sẽ bị xử phạt về những tội phạm tình dục khác.
Về ý thức chủ quan không cần đòi hỏi người phạm tội biết rõ nạn nhân là người dưới 16 tuổi.