Đại diện theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự 2015. Quy định về đại diện theo pháp luật. Đại diện là gì? Các trường hợp đại diện? Hậu quả, phạm vi, thời hạn của đại diện theo pháp luật.
1. Đại diện là gì?
– Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015 (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2017), đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
– Người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.
2. Các trường hợp đại diện theo pháp luật
– Đại diện theo pháp luật của cá nhân
Đại diện theo pháp luật của cá nhân được quy định tại Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015:
+ Trường hợp con chưa thành niên thì cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật.
+ Đối với người được giám hộ thì người giám hộ là người đại diện theo pháp luật. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
+ Đại diện theo pháp luật là người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại 2 trường hợp trên.
+ Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật là người được Tòa án chỉ định.
– Đại diện theo pháp luật của pháp nhân
Đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự 2015, gồm:
+ Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ
+ Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật
+ Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật Dân sự 2015.
3. Hậu quả pháp lý của hành vi đại diện theo pháp luật:
– Người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với người thứ ba phải phù hợp với phạm vi đại diện. Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.
– Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện.
– Trường hợp người đại diện theo pháp luật biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối.
Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
4. Thời hạn đại diện theo pháp luật
Đại diện theo pháp luật chấm dứt khi:
– Người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục
– Người được đại diện là cá nhân chết
– Người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại
– Có các căn cứ khác theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
5. Phạm vi đại diện
– Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!