Đại diện là gì? Quy định về đại diện theo pháp luật trong vụ việc dân sự? Đại diện theo ủy quyền trong vụ việc dân sự? Một số trường hợp không được làm người đại diện? Quy định về việc Tòa án chỉ định người đại diện trong tố tụng dân sự?
Đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền đều tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Vậy, các quy định pháp luật về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt đại diện có giống nhau không?
Luật sư tư vấn luật về đại diện trong các vụ việc dân sự: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Đại diện là gì?
“Điều 134. Đại diện
1. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.
3. Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.’
- Người đại diện: cá nhân hoặc pháp nhân.
- Nội dung đại diện: nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác để xác lập, thực hiện giao dịch hoặc để thay mặt đại diện giải quyết các vấn đề có liên quan khi người được đại diện không có/ không đủ khả năng/ có nhu cầu cử người đại diện.
- Một số giao dịch có liên quan đến mối quan hệ nhân thân của người được đại diện thì sẽ không được đại diện mà sẽ do chính người đó xác lập, thực hiện.
- Trường hợp pháp luật có quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với loại giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.
Căn cứ xác lập quyền đại diện như sau: Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).
Quyền nghĩa vụ của người đại diện được quy định tại Điều 86
‘Điều 86. Quyền, nghĩa vụ của người đại diện
1. Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự trong phạm vi mà mình đại diện.
2. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền.’
2. Quy định về đại diện theo pháp luật trong vụ việc dân sự
Đại diện theo pháp luật là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự theo quy định của pháp luật.
– Cơ sở pháp lý:
Đại diện theo pháp luật: Căn cứ theo Điều 85
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.
– Phạm vi đại diện:
Đại diện theo pháp luật: Không bị hạn chế trong các loại việc.
– Đối tượng đại diện:
Đại diện theo pháp luật: Cha, mẹ, người giám hộ. Người đứng đầu pháp nhân, chủ hộ, tổ hợp tác, cá nhân, tổ chức khởi kiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
- Có hai trường hợp là đại diện theo pháp luật của cá nhân và đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
– Đại diện theo pháp luật của cá nhân:
1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
– Đại diện theo pháp luật của pháp nhân:
1. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:
a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;
b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;
c) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
2. Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này.
Đại diện theo pháp luật của pháp nhân xảy ra ở một trong các trường hợp sau:
+ Tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm; tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền.
Trường hợp nhiều người lao động có cùng yêu cầu đối với người sử dụng lao động, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án.
+ Cá nhân đại diện công ty đứng ra ký kết các văn bản giấy tờ nhân danh công ty, ví dụ ký kết các
3. Đại diện theo ủy quyền trong vụ việc dân sự
– Khái niệm:
Đại diện theo ủy quyền là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự theo sự ủy quyền của người được đại diện.
– Cơ sở pháp lý:
Đại diện theo ủy quyền: Tham gia tố tụng trên cơ sở ủy quyền của người được đại diện trong nội dung và phạm vi được ủy quyền.
– Phạm vi đại diện:
Đại diện theo ủy quyền: Bị hạn chế theo nội dung và phạm vi được ủy quyền.
– Đối tượng đại diện:
Đại diện theo uỷ quyền: Cá nhân hoặc pháp nhân được đương sự ủy quyền để đại diện đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, hoặc thay mặt để xác lập, thực hiện một số công việc nhân danh người ủy quyền.
4. Một số trường hợp không được làm người đại diện
Tại Điều 87
‘Điều 87. Những trường hợp không được làm người đại diện
1. Những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật:
a) Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;
b) Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
3. Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.’
Vậy, có thể hiểu những trường hợp không được làm người đại diện như sau:
– Nếu người đại diện và người được đại diện cùng là đương sự trong cùng một vụ việc mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện.
– Nếu người đại diện đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.
– Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.
5. Chỉ định người đại diện trong tố tụng dân sự
Có hai trường hợp chỉ định người đại diện trong tố tụng dân sự, cụ thể như sau:
– Khi tiến hành tố tụng dân sự, nếu có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp không được làm người đại diện thì Tòa án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng.
– Đối với vụ việc lao động mà có đương sự thuộc trường hợp quy định tại khoản trên đây hoặc người lao động là người chưa thành niên mà không có người đại diện và Tòa án cũng không chỉ định được người đại diện theo quy định tại khoản trên đây thì Tòa án chỉ định tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động đó.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Kết luận: Việc đại diện theo pháp luật, đại diện theo ủy quyền hoặc chỉ định người đại diện trong tố tụng dân sự được thực hiện theo các quy định nêu trên. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện. Người đại diện có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện. Trường hợp người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối.