Thông qua hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa và kiểm sát bản án, quyết định hình sự sơ thẩm của Tòa án, VKS thực hiện việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm khi phát hiện có vi phạm trong quá trình xét xử VAHS.
Mục lục bài viết
- 1 1. Đặc điểm kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự:
- 1.1 1.1. Kháng nghị phúc thẩm là quyền năng pháp lý đặc biệt và chỉ có Viện kiểm sát mới có quyền thực hiện:
- 1.2 1.2. Kháng nghị phúc thẩm là căn cứ pháp lý để Tòa án xét xử phúc thẩm và xác định giới hạn xét xử phúc thẩm của Tòa án:
- 1.3 1.3. Hệ quả của kháng nghị phúc thẩm là những phần của bản án, quyết định bị kháng nghị thì chưa có hiệu lực thi hành:
- 2 2. Ý nghĩa của việc quy định và thực hiện kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự:
1. Đặc điểm kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự:
1.1. Kháng nghị phúc thẩm là quyền năng pháp lý đặc biệt và chỉ có Viện kiểm sát mới có quyền thực hiện:
Toà án nhân dân là cơ quan xét xử có tính độc lập, nhưng hoạt động xét xử của Toà án chỉ có thể đạt hiệu quả cao và không có những sai phạm nghiêm trọng khi có sự giám sát của chủ thể khác trong đó có VKS. “Viện Kiểm sát nhân dân là một thiết chế rất đặc biệt trong bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa. Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp theo hiến định”, VKS là cơ quan duy nhất trong hệ thống các cơ quan tư pháp được Hiến pháp và pháp luật quy định có thẩm quyền tham gia vào tất cả các lĩnh vực tố tụng tư pháp và tham gia vào tất cả các giai đoạn tố tụng. Đây là điều kiện quan trọng bảo đảm cho VKS có khả năng giám sát toàn bộ quá trình tố tụng, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện quyền tư pháp, là cơ sở quan trọng để phát hiện vi phạm trong hoạt động tư pháp nói chung và trong hoạt động xét xử của Tòa án nói riêng.
Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các VAHS, VKSND có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Kháng nghị phúc thẩm là một hoạt động quan trọng của VKSND và chỉ VKS mới có quyền kháng nghị phúc thẩm. Đây là quyền năng pháp lý đặc biệt bởi lẽ VKS là cơ quan duy nhất được thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm để yêu cầu Toà án cấp trên xét xử lại vụ án ở cấp phúc thẩm. VKS kháng nghị phúc thẩm nhằm bảo đảm Toà án ra một bản án chính xác, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và cũng để bảo đảm cho quyết định truy tố của mình. Việc thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm đã thể hiện rõ chức năng của VKS, thể hiện vị trí, vai trò quan trọng của VKS trong tố tụng hình sự.
1.2. Kháng nghị phúc thẩm là căn cứ pháp lý để Tòa án xét xử phúc thẩm và xác định giới hạn xét xử phúc thẩm của Tòa án:
Nguyên tắc chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm (hai cấp xét xử) là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự nhằm bảo đảm cho quá trình tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Xét xử sơ thẩm là cấp xét xử thứ nhất trong hoạt động xét xử của Tòa án phát sinh trên cơ sở cáo trạng hoặc quyết định truy tố của VKS. Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, trên cơ sở phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan toàn bộ vụ án, HĐXX phải đưa ra được bản án, quyết định sơ thẩm đối với bị cáo. Xét xử phúc thẩm là cấp xét xử thứ hai, tuy nhiên, không phải tất cả các vụ án đều phải qua hai cấp xét xử mà chỉ tiến hành xét xử phúc thẩm khi có kháng cáo, kháng nghị đối với bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Như vậy, kháng nghị phúc thẩm là một trong những căn cứ pháp lý để Tòa án xét xử phúc thẩm vụ án. VKS chỉ thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm khi phát hiện bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật, khi đó Tòa án cấp trên phải mở phiên tòa xét xử phúc thẩm nhằm khắc phục những vi phạm, đảm bảo tính có căn cứ, đúng pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án.
Việc thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm của VKS không chỉ là căn cứ pháp lý quan trọng làm phát sinh thủ tục phúc thẩm hình sự mà còn “xác định phạm vi hoạt động cũng như quyền hạn của các chủ thể; phạm vi xét xử phúc thẩm và quyền hạn của Toà án cấp phúc thẩm ở giai đoạn tố tụng này”, là cơ sở để ghi nhận cũng như đảm bảo thực hiện nguyên tắc chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm (hai cấp xét xử), giúp giải quyết đúng đắn, kịp thời vụ án, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
1.3. Hệ quả của kháng nghị phúc thẩm là những phần của bản án, quyết định bị kháng nghị thì chưa có hiệu lực thi hành:
VKS có thể kháng nghị một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực. Hệ quả của việc kháng nghị là bản án, quyết định sơ thẩm hoặc những phần của bản án, quyết định có kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành. Trên cơ sở kháng nghị của VKS, “Toà án cấp phúc thẩm kiểm tra tính hợp pháp, tính phù hợp pháp luật tố tụng cũng như pháp luật về nội dung của Toà án cấp sơ thẩm khi xét xử vụ án; đồng thời kiểm tra tính có căn cứ, sự phù hợp của các kết luận của Toà án cấp sơ thẩm với các tình tiết khách quan của vụ án được chứng minh” nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục những vi phạm.
Mục đích của quyền kháng nghị phúc thẩm hình sự là nhằm khắc phục những sai lầm, vi phạm trong bản án, quyết định của Tòa án, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được đúng đắn, khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Do đó, việc chưa đưa ra thi hành bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định bị kháng nghị nhằm tránh những hậu quả khó khắc phục trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa hoặc hủy bản án, quyết định sơ thẩm.
2. Ý nghĩa của việc quy định và thực hiện kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự:
2.1. Ý nghĩa pháp lí:
Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm làm phát sinh và giới hạn việc thực hiện thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm là bảo đảm pháp lí cần thiết cho việc thực hiện đúng thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm – cấp xét xử thứ hai đồng thời là cấp xét xử cuối cùng. Kháng nghị phúc thẩm nhằm kiểm tra, phát hiện và khắc phục vi phạm của bản án sơ thẩm khi xét xử phúc thẩm, tránh được những sai sót, nâng cao trách nhiệm của Toà án cấp sơ thẩm trong việc giải quyết vụ án, bảo đảm mọi vi phạm trong hoạt động xét xử đều bị phát hiện kịp thời và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thông qua việc Toà án cấp phúc thẩm sửa hoặc huỷ bản án, quyết định sơ thẩm chính là hình thức hướng dẫn áp dụng pháp luật đối với Tòa án cấp sơ thẩm, bảo đảm tính việc thực hiện pháp luật một cách thống nhất góp phần nâng cao chất lượng xét xử và phòng ngừa vi phạm của Toà án các cấp. Bên cạnh đó, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm giúp chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ án, từ đó tìm ra giải pháp thích hợp để sửa chữa, khắc phục về lập pháp cũng như về việc hướng dẫn áp dụng pháp luật, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tố tụng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.
Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm còn có ý nghĩa pháp lý quan trọng khác là cơ sở để ghi nhận cũng như đảm bảo thực hiện nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự đó là “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm”. Theo đó, bản án, quyết định sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị và được xét xử ở cấp phúc thẩm, giúp kịp thời sửa chữa những vi phạm pháp luật của cấp sơ thẩm, nhằm đảm bảo tính đúng đắn, khách quan của hoạt động xét xử. Việc đảm bảo thực hiện nguyên tắc này thể hiện thái độ thận trọng của Nhà nước trong việc đưa ra phán quyết đối với bị cáo.
2.2. Ý nghĩa chính trị – xã hội:
“Tòa án phải là nơi thể hiện đầy đủ nền công lý, thể hiện chất lượng và uy tín của toàn bộ hệ thống tư pháp nước ta” [46, tr. 367], do đó, trong quá trình xét xử, VKS thực hiện chức năng, quyền hạn của mình để bảo đảm cho hoạt động xét xử của Toà án được thực hiện khách quan, toàn diện, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm, tạo niềm tin của nhân dân vào công lý, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và công dân, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm theo thủ tục phúc thẩm giúp kịp thời phát hiện những dấu hiệu vi phạm trong bản án của Tòa án bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, bảo đảm công bằng xã hội, nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức pháp luật và phòng ngừa tội phạm, củng cố lòng tin của nhân dân vào hoạt động xét xử của Toà án, nâng cao uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, thực hiện xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
“Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân” là một trong những nguyên tắc cơ bản của BLTTHS, đây cũng là mục tiêu nhất quán, xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Xét xử là hoạt động trung tâm có ý nghĩa quan trọng nhất của hoạt động tố tụng hình sự, thông qua hoạt động xét xử tại phiên tòa Hội đồng xét xử xem xét, đánh giá công khai, toàn diện các tài liệu chứng cứ của VAHS trên cơ sở đó ra bản án, quyết định xác định có hành vi phạm tội, hình phạt đối với người phạm tội và giải quyết các vấn đề liên quan trong VAHS. Những quyết định này của Tòa án tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân của bị cáo cũng như của những người tham gia tố tụng khác và mang ý nghĩa chính trị, xã hội rất sâu sắc. Thông qua hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa và kiểm sát bản án, quyết định hình sự sơ thẩm của Tòa án, VKS thực hiện việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm khi phát hiện có vi phạm trong quá trình xét xử VAHS làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân của những người tham gia tố tụng. Kháng nghị của VKS “là lá chắn quan trọng của tố tụng hình sự, là cơ chế để đảm bảo quyền con người không bị tước đoạt một cách tùy tiện và trái pháp luật trong xét xử”, giúp khẳng định quyền con người được tôn trọng, bảo vệ trong hoạt động tố tụng hình sự, đáp ứng các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Mặt khác, quy định về quyền kháng nghị phúc thẩm của VKS cũng khiến Tòa án cấp sơ thẩm cần thận trọng và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật khi tiến hành hoạt động xét xử.