Đặc điểm, vai trò của nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã. Vai trò của nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã.
Mục lục bài viết
1. Đặc điểm của nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã là hoạt động công. Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu đối với cán bộ, công chức cấp xã mà các hoạt động của họ đều phải chịu sự điều chỉnh/liên quan trực tiếp đến chính sách công. Các chỉ số thể hiện, các hoạt động nâng cao chất lượng của cán bộ, công chức cấp xã đều phải căn cứ trên cơ sở chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Từ quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, đặc biệt hoạt động đào tạo, bồi dưỡng còn cần sự hỗ trợ mạnh từ chính sách công, nhất là đối với cán bộ, công chức cấp xã. Như vậy, bản chất của nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã là hoạt động công.
Thứ hai, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã phải tương thích với sự phát triển của kinh tế – xã hội của địa phương. Cán bộ, công chức cấp xã truyền tải trực tiếp chính sách của Đảng và Nhà nước đến nhân dân; tác động trực tiếp đến hiệu quả thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước. Xuất phát từ việc cán bộ, công chức cấp xã là những người thường xuyên, liên tục làm việc trực tiếp với người dân, “bám địa bàn” triển khai thực hiện chính sách, pháp luật, nên họ chính là tác động trực tiếp đến tính khả thi của chính sách, pháp luật; rất nhiều bài học đã được rút ra liên quan đến vai trò của cán bộ, công chức trong triển khai chính sách, pháp luật. Chất lượng hoạt động của cán bộ, công chức quyết định đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực của địa phương. Cơ quan nhà nước là tổ chức công quyền đại diện cho cho toàn xã hội khai thác và sử dụng các nguồn lực của quốc gia, địa phương cho các mục tiêu khác nhau của từng thời kỳ phát triển, đồng thời là chủ thể trực tiếp thực hiện sự tác động mang tính chất toàn diện, bao trùm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước này lại được vận hành thông qua những con người cụ thể là đội ngũ cán bộ, công chức của Nhà nước. Do đó, khi công chức hoạt động có hiệu quả là chính là động lực trực tiếp làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được tăng cường về tính hiệu lực, hiệu quả, đồng nghĩa với việc các nguồn lực của quốc gia, địa phương sẽ được khai thác hợp lý, tiết kiệm cho các mục tiêu phát triển. Tóm lại, mục đích nâng cao chất lượng của cán bộ, công chức cấp xã là để phục vụ cho hoạt động hiệu lực, hiệu quả của cơ quan, đơn vị, các yếu tố kinh tế – xã hội luôn chi phối, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị và ngược lại, xét đến cùng, hoạt động nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã phải tương thích với sự phát triển của kinh tế – xã hội của địa phương để bảo đảm tính khả thi, phù hợp, ổn định.
Thứ ba, hoạt động nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã hướng tới đối tượng với những đặc điểm riêng biệt. Đối tượng được nâng cao chất lượng là những người trưởng thành về thể chất và trưởng thành về mặt xã hội, được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm giữ một chức vụ thường xuyên trong các công sở của Nhà nước (mà cụ thể ở đây là công sở cấp xã). Họ trưởng thành ở mặt xã hội còn biểu hiện ở giá trị sản phẩm lao động của họ được xã hội công nhận và bằng sức lao động của mình, họ đã nuôi sống được bản thân. Hơn nữa, sự trưởng thành về mặt xã hội còn thể hiện ở cuộc sống riêng tư của họ, họ là những người có đầy đủ điều kiện hành vi trước pháp luật. Thậm chí, đối với các cán bộ – những người đã có vị thế xã hội, họ đang giữ chức vụ hoặc trách nhiệm nhất định theo trình độ đào tạo và được xếp vào ngạch bậc tương ứng trong hệ thống hành chính. Đồng thời, cán bộ, công chức đều là người có ít/nhiều kinh nghiệm sống, được tích lũy tùy theo lĩnh vực mà họ hoạt động, nên hoạt động nâng cao chất lượng của cán bộ, công chức cấp xã không phải áp dụng đối với người chưa có kinh nghiệm/kiến thức gì.
2. Vai trò của nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã có tác dụng đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước hiện tại và tương lai. Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác, hội nhập và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống và biến đổi khí hậu, sự lan truyền dịch bệnh Covid-19 hoặc các dịch bệnh nguy hiểm khác có nguy cơ ngày càng tăng. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng quốc tế hóa nguồn nhân lực vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước nhanh và bền vững đang chuyển sang giai đoạn mới, cao hơn, ngày càng đi vào chiều sâu, khó khăn và phức tạp hơn. Tình hình đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến công tác cán bộ, công chức và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Hoạt động nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã bảo đảm sự đổi mới mạnh mẽ về công tác cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức cấp xã nói riêng, bảo đảm chất lượng cán bộ, công chức thích ứng tốt, phù hợp với sự thay đổi của tình hình trong nước và thế giới.
Thứ hai, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức giúp hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ, công chức cấp xã, bố trí và sử dụng đúng người vào đúng công việc. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là một bộ phận của nguồn nhân lực khu vực công – yếu tố cấu thành quan trọng của nguồn nhân lực xã hội mà những đóng góp của họ luôn có vai trò đặc biệt to lớn trong toàn bộ thành tựu phát triển chung về kinh tế – xã hội của quốc gia và địa phương (nơi họ công tác). Khẳng định vai trò của đội ngũ này trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Quan điểm này tiếp tục được nhấn mạnh trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII: cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng [30]. Việc sử dụng đúng người giúp tránh được những thiếu sót, sai lầm; phát huy được mặt mạnh, hạn chế được mặt yếu trong từng con người cán bộ, công chức cấp xã, bảo đảm hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Thứ ba, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã giúp hoàn thiện và cải thiện chất lượng của cán bộ, công chức cấp xã. Kiến thức, kỹ năng của cán bộ, công chức cấp xã phải được hoàn thiện không ngừng nghỉ, phải liên tục thì mới bảo đảm được hoạt động bình thường, thậm chí là cải thiện/nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức cấp xã công tác, hệ quả từ vấn đề này chính là sự hài lòng của người dân, người được “phục vụ”, chỉ số đánh giá sẽ ngày càng được cải thiện, nâng cao sự tín nhiệm của người dân đối với Đảng, với chính quyền các cấp.