Người làm chứng là một trong những chủ thể quan trọng trong những đương sự tham gia tố tụng. Đặc biệt lời khai của người làm chứng là nguồn chứng cứ để xem xét, thu thập về diễn biến vụ án. Do đó, việc nghiên cứu đặc điểm tâm lý cũng như những phương pháp tác động đến tâm lý người làm chứng giúp cho điều tra viên đạt được hiệu quả trong quá trình thu thập lời khai của họ.
Mục lục bài viết
1. Tầm quan trọng của người làm chứng trong giải quyết vụ án:
Lời khai của người làm chứng là một trong những thông tin quan trọng cần thu thập trong quá trình điều tra để có nguồn tin khác bên cạnh những chứng cứ hữu hình. Do đó, việc lấy lời khai của người làm chứng cần sử dụng nhiều những phương pháp tâm lý, quan sát, thông qua giao tiếp bằng lời nói và cử chỉ để Điều tra viên có thể thu thập được những thông tin đầy đủ, chính xác từ góc nhìn khách quan của người làm chứng về tình tiết vụ án đang điều tra.
Trong thực tiễn, tâm lý người làm chứng có ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp thông tin cho Điều tra viên hoặc cơ quan điều tra. Trường hợp người làm chứng có tâm lý tích cực, chủ động cung cấp sẽ rất hợp tác và có thể thu thập được nhiều thông tin hữu ích cho quá trình điều tra. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp người làm chứng không tích cực, trách né, từ chối việc cung cấp thông tin có thể dẫn đến việc thu thập thông tin chưa chính xác, làm sai lệch hướng điều tra.
Do đó, để người làm chứng tự nguyện, tích cực cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cần đòi hỏi Điều tra viên phải sử dụng kết hợp, linh hoạt nhiều phương pháp phù hợp trong quá trình lấy lời khai như: phương pháp thuyết phục, phương pháp đặt câu hỏi, phương pháp ám thị, …. Ngoài ra, Cơ quan điều tra cần quan sát đánh giá thông qua giao tiếp bằng lời nói (cách dùng từ, ngữ điệu, âm lượng,…) và ngôn ngữ cơ thể (cử chỉ, nét mặt, tay chân,…).
2. Những yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến lời khai của người làm chứng:
Người làm chứng có nghĩa vụ cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu chứng cứ có liên quan đến vụ án và khai báo trung thực. Tuy nhiên, trong quá trình nhớ lại và khai báo có nhiều yếu tố tác động đến việc cung cấp lời khai của người làm chứng như:
Thứ nhất, động cơ khai báo của người làm chứng là yếu tố bên trong con người nhằm thúc đẩy hoặc kìm hãm hoạt động cung cấp lời khai cho cơ quan điều tra.
Khi người làm chứng xuất phát từ ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm, đạo lý, tuân thủ pháp luật thì sẽ có tâm lý khai báo đúng đắn, sẵn sàng, chủ động cung cấp những thông tin về vụ án mà mình đã biết nhằm hỗ trợ việc điều tra của vụ án. Tuy nhiên, trong thực tế cũng có những nguyên nhân dẫn đến tâm lý người làm chứng sẽ từ chối khai báo, đứng ra làm chứng như: sợ bị trả thù; sợ cung cấp thông tin không chính xác sẽ bị truy cứu ngược lại; sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, công việc của bản thân; sợ phiền phức, tốn thời gian, công sức…
Thứ hai, năng lực trí nhớ của người làm chứng có ảnh hưởng quan trọng đến lời khai của họ. Bởi trí nhớ tốt, đầy đủ thì khả năng cung cấp lời khai của người làm chứng được chính xác cao hơn, cụ thể hơn và trình tự sự kiện được sắp xếp theo thứ tự. Ngược lại, khi trí nhớ người làm chứng không tốt thì có khả năng lời khai sẽ mơ hồ, bỏ sót tình tiết dẫn đến việc thu thập chứng cứ khó khăn hơn, có thể sai hướng điều tra.
Thứ ba, mối quan hệ của người làm chứng đối với các đương sự của vụ án. Trường hợp người làm chứng có mối quan hệ cá nhân quen biết, thân thiết, tốt đẹp hoặc có thiện cảm với người bị hại, bị can, bị cáo thì sẽ có thể có tâm lý bao che hoặc chỉ cung cấp những thông tin có lợi, đưa những ý kiến đánh giá tốt của bản thân khi cung cấp lời khai. Ngược lại, trường hợp người làm chứng có mối quan hệ ghen ghét, thù địch với đối tượng vụ án thì có khả năng cung cấp những tình tiết tăng nặng, nghiêm trọng hoá vấn đề hơn.
Thứ tư, trạng thái tâm lý của người làm chứng trong quá trình cung cấp lời khai. Khi người làm chứng chủ động, bình tĩnh tường thuật lại sự việc thì người làm chứng có khả năng nhớ lại đầy đủ sự việc, sắp xếp được câu từ, trình tự đúng trật tự,… Còn khi sự việc đột ngột hoặc người làm chứng sợ hãi, có ảnh hưởng xấu đến tâm lý thì khi khai báo người làm chứng thường hay quên, trình tự lộn xộn, thiếu logic, mơ hồ, do dự,…
Thứ năm, khoảng thời gian từ khi sự việc xảy ra đến khi khai báo với cơ quan điều tra. Khi khoảng thời gian này càng xa thì khả năng quên của người làm chứng càng cao. Do đó, Cơ quan điều tra cần nhanh chóng trong công tác thu thập lời khai của người làm chứng để tránh bỏ sót, sai lệch tình tiết vụ án.
Thứ sáu, thái độ và trình độ chuyên môn của người lấy lời khai. Ví dụ: người làm chứng khai báo thông tin lộn xộn, thì Điều tra viên cần sử dụng những phương pháp tâm lý phù hợp như đặt câu hỏi, gợi nhớ lại những tình tiết để đạt được kết quả việc lấy lời khai.
3. Một số giai đoạn trong tâm lý người làm chứng khi cung cấp lời khai:
Tâm lý người làm chứng dưới góc độ cung cấp lời khai thường được thể hiện qua các giai đoạn như sau:
– Giai đoạn cảm giác: Dựa trên cảm giác, con người có hình ảnh phản ánh về những sự vật hiện tượng khi nó tác động trực tiếp vào giác quan của mình. Do đó, nếu từ ban đầu dựa trên những cảm giác không đúng thì hình ảnh về sự vật có thể bị sai lệch, từ đó cũng dẫn đến sự không chính xác về sự tri giác của vật. Như vậy, ta có thể kiểm tra tính đúng đắn của tri giác thông qua cảm giác.
– Giai đoạn tri giác: Khi nhân chứng tri giác diễn biến vụ án thì không chỉ nhận thức về mỗi chủ thể có liên quan mà còn có sự liên kết với hành vi của họ và kết hợp thêm cả hành vi của bản thân. Điều này giúp nhân chứng có thể ghi nhớ trình tự, tái hiện lại tình tiết vụ án.
– Giai đoạn ghi nhớ: Đây là giai đoạn người làm chứng sẽ lưu lại những ấn tượng, thông tin về sự việc vào trong trí nhớ của mình. Phụ thuộc vào những yếu tố như: sự quan tâm của người làm chứng, thời gian, trí nhớ,… sẽ ảnh hưởng đến sự ghi nhớ của người làm chứng.
– Giai đoạn người làm chứng tiếp xúc trực tiếp với cơ quan điều tra: đây là giai đoạn người làm chứng và cơ quan điều tra giao tiếp hai chiều. Mục đích của giai đoạn này là thiết lập tâm lý của người làm chứng, tạo được ấn tượng tốt hoặc không tốt về mối quan hệ giao tiếp giữa hai bên và điều này có ảnh hưởng đến thái độ tích cực hay không khi cung cấp thông tin của người làm chứng.
– Giai đoạn tái hiện dưới tác động của điều tra viên: giai đoạn này là giai đoạn có sự tác động hỗ trợ từ Điều tra viên, giúp người làm chứng tái hiện được những thông tin chưa nhớ ra.
THAM KHẢO THÊM: