Đặc điểm của quấy rối tình dục? Đặc điểm môi trường làm việc dễ dẫn đến quấy rối tình dục? Tác động tiêu cực của quấy rối tình dục tại nơi làm việc?
Mục lục bài viết
1. Đặc điểm của quấy rối tình dục:
Đặc điểm của quấy rối tình dục thể hiện thông qua những khía cạnh sau:
– Chủ thể: Chủ thể thực hiện hành vi quấy rối tình dục thường là cá nhân, không phân biệt giới tính, có thể là người mang giới tính nam hoặc người mang giới tính nữ hoặc người mang giới tính thứ ba LGBT . Tuy nhiên, xét dưới góc độ đặc thù giới tính, phụ nữ là đối tượng bị quấy rối tình dục nhiều hơn nam giới và gánh chịu hậu quả bất lợi nhiều hơn nam giới. Ví dụ, tại Canada, 51% phụ nữ đã được báo cáo cho rằng mình đã trải qua một lần bị quấy rối tình dục. Trong một nghiên cứu năm 2008 của AWARE Singapore đã chỉ ra rằng, 54,4% của 500 người được phỏng vấn trả lời rằng họ đã trải qua một lần bị quấy rối tình dục. Tác giả Kohlman (2004) đã chỉ ra rằng quấy rối tình dục không dành riêng cho các nghề do nam giới hay nữ giới thống trị. Ông nhận thấy rằng bất kể khi một giới tính chiếm ưu thế trong nghề nghiệp, tình trạng quấy rối tình dục vẫn phổ biến . Điều này cho thấy giới tính của nạn nhân không phải là quan hệ nhân quả. Tuy nhiên, Jahan (2013) đã chỉ ra rằng nhiều phụ nữ bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tại Việt Nam, dù chưa có thống kê và những số liệu chính thức về các vụ quấy rối tình dục song qua quan sát có thể nhận định rằng đại đa số nạn nhân của quấy rối tình dục là nữ giới.
– Hành vi quấy rối tình dục: Hành vi quấy rối tình dục được thực hiện bằng hành động thông qua các hình thức quấy rối tình dục bằng thể chất, lời nói, phi thể chất. Sẽ không có quấy rối tình dục bằng hành vi không hành động vì rất khó có thể nhận biết được mục đích quấy rối của người đó là xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác hay thoả mãn nhu cầu sinh lý của người đó. Vì thế, quấy rối tình dục phải là hành vị hành động.
– Địa điểm quấy rối: Hành vi quấy rối tình dục xảy ra tại nơi làm việc hoặc ở bất cứ đâu, có thể là trên các phương tiện giao thông như máy bay, tàu hoả, ô tô, xe buýt, trong thang máy, nơi làm việc, trong công viên, ngoài đường hoặc những nơi công cộng, trên không gian mạng liên quan đến công việc hoặc quan hệ lao động. Không gian mạng nói chung hay mạng xã hội nói riêng chính là “mảnh đất màu mỡ” của những kẻ quấy rối tình dục .
– Trái với ý chí mong muốn của người tiếp nhận: Hành vi bị coi là quấy rối tình dục khi đi ngược lại với ý chí mong muốn của nạn nhân, hay nói cách khác là nạn nhân kháng cự, không chấp nhận hành vi đó.
2. Đặc điểm môi trường làm việc dễ dẫn đến quấy rối tình dục:
Nhiều nghiên cứu cho thấy những môi trường làm việc như sau dễ dẫn đến quấy rối tình dục:
– Mất cân bằng giới: Phụ nữ làm việc trong môi trường mà nam giới nhiều hơn phụ nữ, lãnh đạo là nam giới thống trị và/hoặc công việc hoặc nghề nghiệp được coi là không điển hình thì thường xuyên gặp phải các vụ quấy rối tình dục hơn. Đặc biệt, môi trường công việc càng do nam giới thống trị, phụ nữ càng phải trải qua các hình thức quấy rối tình dục. Ví dụ, trong một nghiên cứu xem xét tác động của cân bằng giới tại nơi làm việc, Kabat–Farr và Cortina đã phân tích dữ liệu từ các nhân viên nữ của các tòa án liên bang. Khi so sánh những phụ nữ làm việc trong các nhóm làm việc cân bằng giới (tức là số lượng nam và nữ bằng nhau) với những người làm việc với hầu hết tất cả nam giới, các chuyên gia nhận thấy phụ nữ ở nhóm thứ hai có nguy cơ bị quấy rối giới cao hơn 1,68 lần.
– Thiếu vắng về nhận thức, các chính sách, quy định cứng rắn, quy định cấm của tổ chức: Tổ chức không nhận thức đúng đắn về các nguy cơ, rủi ro khi có khiếu nại về quấy rối tình dục, không nhận thức về cơ chế giải quyết khiếu nại một cách nghiêm túc và triệt để, không nhận thức về các chế tài trừng phạt nghiêm khắc. Vì không có các chính sách không khoan nhượng, không dung thứ, không có quy định, chế tài cứng rắn, cơ chế giải quyết khiếu nại, người lao động không được nhận thức đúng đắn về vấn đề này nên đây được coi là môi trường làm việc dễ dãi, không có sự kiểm soát, nguy cơ xảy ra quấy rối tình dục ngày càng gia tăng và kéo dài. Trong một cuộc khảo sát quốc gia gần đây với 615 nam giới đang đi làm, Patel, Griggs và Miller cho biết, hành vi quấy rối tình dục xảy ra phổ biến hơn “ở những người đàn ông nói công ty của họ không có hướng dẫn chống quấy rối, đường dây nóng để báo cáo hoặc trừng phạt đối với thủ phạm hoặc những người nói rằng người quản lý của họ không quan tâm”.
– Bối cảnh xã hội: Trong bối cảnh xã hội tồn tại quan điểm về phân biệt đối xử về giới tính thì xu hướng thích khám phá những điều mới lạ ở người khác giới, xem các video, clip về phân biệt giới tính dẫn đến kích thích sự tò mò là nguy cơ nảy sinh quấy rối tình dục. Về vấn đề này, Hitlan và cộng sự trong một nghiên cứu thực hiện vào năm 2009 nhận thấy rằng việc xem phim phân biệt giới tính làm tăng xu hướng thực hiện hành vi quấy rối giới tính của những người đàn ông , vì thế, phụ nữ là đối tượng có nhiều khả năng bị quấy rối trực tiếp nhiều hơn.
– Sự chênh lệch quyền lực trong tổ chức: Sự chênh lệch quyền lực đáng kể trong các tổ chức phân cấp là điều kiện dễ dẫn đến quấy rối tình dục. Người có vị trí thấp dễ bị người có vị trí cao trong tổ chức quấy rối tình dục. Quyền lực là công cụ để người có vị trí cao sử dụng để ép buộc, quấy rối cấp dưới của mình. Môi trường làm việc phân cấp, có khác biệt lớn về quyền lực có tỷ lệ quấy rối tình dục cao hơn so với các tổ chức có ít chênh lệch về quyền lực. Ví dụ, vào năm 2014, Quân đội Hàn Quốc đã bắt một Thiếu tướng họ Song, là chỉ huy sư đoàn bộ binh 17 ở Incheon. Vị Thiếu tướng này bị cáo buộc đã tấn công tình dục nữ sĩ quan vừa được điều đến sự đoàn, người mà đã từng bị tấn công tình dục ở đơn vị công tác trước . Hoặc ngày 07/12/2017, thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ Al Franken, 66 tuổi, đã phải tuyên bố sẽ từ chức sau khi bị cáo buộc về các hành vi quấy rối tình dục nhân viên của mình . Thậm chí Phó Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Justin Forsyth cũng đã phải từ chức sau khi xuất hiện các cáo buộc ông có hành vi không đúng đắn với các nữ nhân viên trong khoảng thời gian đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành tại tổ chức phi lợi nhuận Cứu trợ trẻ em (Save the Children) .
– Sử dụng đồ uống có cồn: Rượu là thức uống có cồn phổ biến trên thế giới. Nhiều người đàn ông tin rằng làm cho một phụ nữ say là một cách dễ dàng để tăng cơ hội quan hệ tình dục của họ. Trong vấn đề này, có một câu cách ngôn hay được trích dẫn của nhà thơ Ogden Nash, “Kẹo thì ngon, nhưng rượu thì nhanh hơn”.
Trong thực tế, rượu là loại thuốc cưỡng hiếp được sử dụng phổ biến nhất – khoảng một nửa số vụ tấn công tình dục là do nam giới đã uống rượu thực hiện. Mặt khác, khoảng một nửa tổng số nạn nhân bị tấn công tình dục báo cáo rằng họ đã uống rượu vào thời điểm bị tấn công, với ước tính dao động từ 30% đến 79%. Việc thủ phạm và nạn nhân uống rượu có xu hướng đồng thời xảy ra – các nghiên cứu cho thấy ở bất kỳ nơi nào từ 81% đến 97% các vụ tấn công tình dục liên quan đến rượu, cả nạn nhân và thủ phạm đều đã uống rượu. Theo báo cáo nghiên cứu của Viện nghiên cứu rượu (Institute of Alcohol Studies) của Anh năm 2014 chỉ ra rằng nguy cơ bị hiếp dâm cao gấp đôi đối với các cuộc tấn công liên quan đến người phạm tội uống rượu. Báo cáo về quấy rối tình dục trong ngành bảo tồn ở Việt Nam (WILDACT) năm 2020 cho thấy 47, 6% những người tham gia khảo sát về quấy rối tình dục nhận định là dễ xảy ra trường hợp bị quấy rối tình dục nhất là những bữa tiệc rượu có thể là trong quá trình đi thực địa, hội nghị, hội thảo, tập huấn.
3. Tác động tiêu cực của quấy rối tình dục tại nơi làm việc:
Nạn nhân của quấy rối tình dục thường có tâm lý và suy nghĩ rằng việc báo cáo, tố cáo hành vi quấy rối sẽ không mang lại kết quả gì vì lo lắng những bất lợi đến bản thân như định kiến xã hội, lo lắng không được giải quyết, sẽ bị người khác chế nhạo hoặc sợ bị trả thù. Đối với nhiều cá nhân, bị quấy rối tình dục là điều cấm kỵ theo tập tục truyền thống.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ làm việc trong doanh nghiệp đa số từng là nạn nhân của quấy rối tình dục. Ví dụ, ở Việt Nam, một nghiên cứu về quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy đa số nạn nhân bị quấy rối tình dục là nữ giới (tỉ lệ 78,2%) và ở độ tuổi từ 18 đến 30. Nam giới cũng có thể là nạn nhân nhưng tỷ lệ nạn nhân bị quấy rối tình dục là phụ nữ nhiều hơn nam. Những phụ nữ trẻ, hấp dẫn có tỷ lệ bị quấy rối tình dục cao hơn.
Nhìn rộng hơn, nạn nhân bị quấy rối tình dục thường là phụ nữ trẻ tuổi hoặc là phụ nữ đơn thân, bà mẹ đơn thân, người lao động mới được tuyển dụng, người phụ nữ có trình độ học vấn thấp, thường ở vị thế thấp, dưới quyền, trong tình trạng phụ thuộc vào người quấy rối . Ngoài ra, những nhóm nhân viên làm công việc hỗ trợ như thư ký thường trải qua việc bị quấy rối tình dục nhiều hơn những người có trình độ đào tạo cao hơn. Những phụ nữ là lao động nhập cư đến từ các thành phố khác cũng dễ trở thành đối tượng bị quấy rối tình dục trong môi trường lao động. Theo báo cáo của Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ đã phân tích dữ liệu về các cáo buộc quấy rối tình dục trong khu vực tư nhân được nộp cho Ủy ban Cơ hội việc làm Bình đẳng của Hoa Kỳ (EEOC) trong thập kỷ qua (2005–2015) chỉ ra những ngành có tỷ lệ quấy rối tình dục cao là: 14.24% trong ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú (accommodation and food service), tiếp theo là 13,44% trong ngành thương mại bán lẻ (retail trade), 11,72% trong sản xuất (manufacturing), 11.48% trong ngành chăm sóc sức khoẻ và trợ giúp xã hội.
Dưới áp lực của công việc, những nhân viên không hoàn thành công việc, nhiệm vụ, mắc lỗi, làm sai quy trình, quy định thì thường là yếu điểm để đồng nghiệp nam, người quản lý, người giám sát hoặc cấp trên gây ảnh hưởng và yêu cầu “trao đổi”, thỏa thuận về tình dục nhằm bỏ qua sai lầm trong công việc. Một nhân viên chia sẻ: “Tôi phải chăm sóc sếp của tôi về mặt tình dục dù biết rõ ràng rằng anh ta có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Nếu tôi không thực hiện, tôi có thể bị mất việc làm. Nếu điều này có thể giữ được công việc, tôi phải tiếp tục làm anh ta sung sướng về mặt tình dục” .
3.1. Tác động tiêu cực đối với nạn nhân:
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có những tác động, hậu quả tiêu cực theo nhiều cách thức khác nhau. Ở cấp độ cá nhân, nạn nhân của quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể phải trải qua những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tinh thần, sức khỏe, kinh tế, các mối quan hệ xã hội, cơ hội phát triển nghề nghiệp.
– Về mặt hình ảnh cá nhân, nạn nhân cảm thấy xấu hổ nếu sự việc được nhiều người biết, lo ngại về vấn đề kết hôn trong tương lai, gây mất tự tin vào chính bản thân, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, các mối quan hệ xã hội khác của họ.
– Về mặt sức khoẻ, người bị quấy rối tình dục trực tiếp bằng hành vi có tính thể chất như cưỡng dâm, hiếp dâm có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ mắc các bệnh xã hội như HIV/AIDS rất cao cũng như có thể bị vô sinh.
– Về công việc, ảnh hưởng đến các vấn đề như tâm lý người lao động, sự hài lòng về người quản lý, đồng nghiệp, hài lòng về công việc, năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc giảm sút, động lực trong công việc của họ sẽ mất đi, những căng thẳng, tình trạng tâm lý bất lợi (mất đi nhân phẩm, danh dự), cảm giác bất an, mất an toàn, sợ hãi luôn hiện diện trong tâm trí họ mỗi ngày thức giấc đến nơi làm việc. Đây có thể coi là một dấu mốc “sang chấn tâm lý” lớn về mặt tâm lý khi phẩm giá bị xúc phạm.
3.2. Tác động tiêu cực đối với người sử dụng lao động:
Nhận thức về nguy cơ, rủi ro, ảnh hưởng cũng như tác động tiêu cực của quấy rối tình dục tại nơi làm việc của nhiều NSDLĐ ở Việt Nam chưa được chú trọng, chưa thực sự quan tâm. Môi trường làm việc có quấy rối tình dục sẽ dẫn đến những khía cạnh tiêu cực đối với doanh nghiệp như việc sắp xếp, tổ chức, điều hành công việc, quan hệ lao động tại nơi làm việc, sự tham gia của người lao động, uy tín, danh tiếng của doanh nghiệp, năng suất lao động và nó không phù hợp với xu hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp.
– Hình ảnh, danh tiếng của doanh nghiệp: Vụ việc quấy rối tình dục được nhiều người biết, truyền thông vào cuộc, những vụ kiện tụng về việc này xảy ra thì niềm tin của doanh nghiệp trong mắt người lao động bị sụp đổ, tạo ra tiếng tăm về môi trường làm việc không an toàn, thù địch, mất ổn định tổ chức. Điều này càng gây khó khăn cho việc tuyển dụng. Sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có thể đối mặt với làn
– Mối quan hệ công việc, kinh doanh: Mối quan hệ công việc, kinh doanh của doanh nghiệp với các đối tác có trách nhiệm cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trước các yêu cầu khắt khe của tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người, đạo đức trong kinh doanh cũng như các cam kết phát triển bền vững theo các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
– Năng suất, hiệu quả công việc: về mặt kinh tế, năng suất lao động của các doanh nghiệp bị giảm sút vì quấy rối tình dục làm suy yếu nền móng mà dựa vào đó các mối quan hệ người lao động được vun đắp . người lao động có tâm lý lo lắng, cảm thấy bất an khi làm việc trong môi trường có quấy rối tình dục. Họ sẽ luôn trong tâm trạng phòng vệ, đề phòng đồng nghiệp khác hay người quản lý, vì thế sự chú tâm trong công việc không cao, dẫn đến ảnh hưởng đến hiệu quả, năng suất, chất lượng công việc. Nghiên cứu do Tổ chức CARE Quốc tế thực hiện vào năm 2015 tại Campuchia cho thấy quấy rối tình dục khiến ngành công nghiệp may mặc của nước này bị thiệt hại 89 triệu USD, tương đương 0,52% GDP của Campuchia.
– Sắp xếp, tổ chức nhân lực: Khi môi trường lao động có quấy rối tình dục, người quấy rối tình dục có thể là người quản lý, có chức vụ trong doanh nghiệp thì việc sắp xếp, tổ chức, thuyên chuyển, điều chuyển nhân lực sẽ gặp khó khăn, khó nhận được sự đồng thuận của người lao động bởi lẽ tâm lý người lao động sẽ lo sợ mình sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của quấy rối tình dục.
– Tỷ lệ nghỉ việc tăng: Môi trường làm việc không an toàn, đe dọa về thể chất sẽ làm gia tăng người lao động nghỉ việc, đặc biệt lao động nữ, lao động có trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng. người lao động nghỉ việc như là một cách thức để phòng ngừa hành vi xâm hại có thể xảy đến với bản thân họ. Với tỷ lệ nghỉ việc tăng cao, doanh nghiệp phải tuyển lại lao động thay thế cũng sẽ gây tốn kém tài chính khâu tuyển dụng, đào tạo.
3.3. Tác động đối với xã hội:
Hậu quả của quấy rối tình dục tại nơi làm việc cũng để lại những tác động lớn cho xã hội, cụ thể: (1) Tình trạng thất nghiệp gia tăng, chi trả trợ cấp thất nghiệp và chi phí đào tạo lại tăng theo; (2) Mất đi nguồn lực lao động, khả năng để tái hòa nhập của các nạn nhân hạn chế; (3) Gia tăng khối lượng công việc cho cán bộ công vụ và các chi phí pháp lý, tư pháp hình sự khi tiếp nhận và giải quyết vụ việc; (4) Khả năng tiếp cận của phụ nữ bị hạn chế đối với các công việc có địa vị cao và được trả lương cao; (5) Mất niềm tin vào hệ thống các cơ chế, chính sách bảo vệ an toàn cho người lao động tại nơi làm việc; (6) Làm suy yếu niềm tin của quốc tế đối với quốc gia thành viên trong việc tuân thủ các điều ước, cam kết quốc tế.