Đặc điểm pháp lý của tội cướp giật tài sản Điều 171 BLHS 2015. Phân biệt tội cướp giật tài sản với tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS).
Mục lục bài viết
1. Các dấu hiệu định tội:
Tội cướp giật tài sản quy định tại Điều 171 BLHS 2015 (Sửa đổi bổ sung năm 2017), có các dấu hiệu pháp lý của bốn yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm:
1.1. Khách thể của tội cướp giật tài sản:
Khách thể của tội cướp giật tài sản cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể là quan hệ tài sản và tín mạng, sức khỏe, nhưng chủ yếu là quan hệ tài sản. Do đó BLHS năm 2015 khi quy định tội cướp giật tài sản đã đưa vào trong cấu thành dấu hiệu về thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ và coi đây là những tình tiết định khung hình phạt.
1.2. Mặt khách quan của tội cướp giật tài sản:
Điều 171 BLHS 2015 quy định tội cướp giật tài sản không mô tả hành vi khách quan của tội cướp giật tài sản nhưng căn cứ vào khái niệm, thực tiễn, các yếu tố cấu thành tội phạm thì người phạm tội cướp giật tài sản có hành vi đặc trưng là “Giật tài sản”, tức là giằng mạnh lấy tài sản về mình một cách nhanh chóng, qua đó chúng ta dễ nhận thấy được bản chất của hành vi phạm tội.
Hành vi chiếm đoạt ở tội cướp giật tài sản có hai dấu hiệu đặc trưng, đó là dấu hiệu công khai và dấu hiệu nhanh chóng.
Dấu hiệu công khai: Hành vi giật tài sản của người phạm tội được thực hiện một cách công khai, không có ý thức che dấu hành vi của mình đối với chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản và những người khác.
Dấu hiệu nhanh chóng: Hành vi giật tài sản một cách nhanh chóng đã tạo ra yếu tố bất ngờ đối với chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, làm cho những người này không có khả năng giữ được tài sản mà mình đang quản lý. Dấu hiệu này phản ánh phương thức thực hiện hành vi chiếm đoạt của người phạm Tội cướp giật tài sản một cách khẩn trương, vội vã.
Việc dùng vũ lực ở tội cướp và cướp giật tài sản khác nhau về phạm vi, mức độ và mục đích. Dấu hiệu chạy trốn là dấu hiệu của tội cướp giật tài sản nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc,
Về hậu quả phạm tội: Hậu quả của tội cướp giật tài sản trước hết là những thiệt hại về tài sản, ngoài ra còn có những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc những thiệt hại khác.
Về lý luận, thì tội cướp giật tài sản là tội phạm có cấu thành vật chất, tức là: cấu thành tội phạm mà mặt khách quan của nó được luật quy định bằng các dấu hiệu của hành vi phạm tội, cũng như cả các dấu hiệu của hậu quả phạm tội nữa (hậu quả nguy hiểm cho xã hội trong trường hợp này được coi là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm tương ứng), do đó, chỉ khi nào người phạm tội giật được tài sản thì tội phạm mới hoàn thành, khi tội phạm hoàn thành, hậu quả trên thực tế đã xảy ra qua sự biến đổi nhất định trong thực tế khách quan dưới dạng thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất. Nếu có hành vi giật nhưng chưa giật được tài sản thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
1.3. Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm (đồng thời là chủ thể của TNHS) khi có tổng hợp 05 dấu hiệu cần và đủ, bắt buộc và pháp luật hình sự quy định như sau: 1) Phải có năng lực TNHS; 2) phải đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; 3) người đó đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ, ở tội cướp giật tài sản là quan hệ sở hữu 4) Hành vi mà người đó thực hiện phải bị luật hình sự cấm; 5) Người đó phải có lỗi trong việc thực hiện hành vi phạm tội, ở tội cướp giật tài sản là lỗi cố ý trực tiếp.
1.4. Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội cướp giật tài sản được thực hiện do lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình, thực hiện hành vi đó một cách công khai và hoàn toàn không có ý định che giấu hành vi đó. Người phạm tội thấy trước khả năng xảy ra hậu quả và cố ý để hậu quả thực tế xảy ra là chiếm được tài sản từ người khác.
Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc cho nên người cố ý trực tiếp không những nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình mà ngay khi thực hiện hành vi cũng đã thấy trước được hậu quả của nó
Căn cứ vào mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội thì ở tội cướp giật tài sản, người phạm tội phải có động cơ tư lợi. Người phạm tội mong muốn chiếm hữu tài sản của người khác để phục vụ cho nhu cầu và lợi ích của bản thân.
2. Trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội cướp giật tài sản:
Khung 1: Cướp giật tài sản thuộc khoản 1 Điều 171 BLHS quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm tù.
Khung 2: Cướp giật tài sản thuộc khoản 2 Điều 171 BLHS, hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm tù áp dụng đối với các trường hợp phạm tội có tình tiết định khung tăng nặng sau: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Dùng thủ đoạn nguy hiểm; Hành hung để tẩu thoát; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; Phạm tội với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; i) Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3: Cướp giật tài sản thuộc khoản 3 Điều 171 BLHS, hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm tù áp dụng đối với các trường hợp phạm tội có tình tiết định khung tăng nặng sau:Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh
Khung 4: Cướp giật tài sản thuộc khoản 4 Điều 171 BLHS, hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù áp dụng đối với các trường hợp phạm tội có tình tiết định khung tăng nặng sau: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên:Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; Làm chết người; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
3. Phân biệt tội cướp giật tài sản với một số tội phạm khác:
3.1. Phân biệt tội cướp giật tài sản với tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS):
Tiêu chí | Tội cướp giật tài sản | Tội cướp tài sản |
Cơ sở pháp lý | Điều 171 Bộ luật Hình sự | Điều 168 Bộ luật Hình sự |
Mặt chủ quan | Lỗi: cố ý trực tiếp Mục đích: chiếm đoạt tài sản | Lỗi: cố ý trực tiếp Mục đích: chiếm đoạt tài sản |
Hành vi | Lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc có thể tự mình tạo ra những sơ hở để thực hiện hành vi công khai chiếm đoạt tài sản đang rồi nhanh chóng tẩu thoát. (Người phạm tội không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực cũng không làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự.)
| – Dùng vũ lực: là việc người phạm tội dùng các hành động như đấm, đá, trói, đâm, chém… nhằm trấn áp sự phản kháng, làm tê liệt ý chí của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Hậu quả của hành vi dùng vũ lực này có thể khiến cho nạn nhân bị thương tích, bị tổn hại sức khỏe hoặc bị chết ngoài ý muốn của người phạm tội. – Đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc: là hành vi dùng lời nói hoặc hành động nhằm đe dọa nạn nhân nếu không đáp ứng yêu cầu hoặc có ý định ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội. – Có hành vi khác làm cho người nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Các hành vi khác là những hành vi không phải dùng vũ lực và đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc, như: dùng thuốc mê, tê, thuốc ngủ… làm cho nạn nhân lâm vào trạng thái hôn mê, không còn khả năng chống cự. |
Khách thể | – Quyền sở hữu tài sản; (Có thể có hoặc không xâm phạm quyền được bảo vệ tính mạng sức khỏe). | – Quyền sở hữu tài sản; – Quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe. |
Mức phạt tối thiểu/tối đa | Không có quy định xử lý hình sự với người chuẩn bị phạm tội. – Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. – Mức phạt tối đa với tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. – Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. | Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. – Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. – Mức phạt tối đa với tội danh này là phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân – Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
3.2. Phân biệt tội cướp giật tài sản với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản:
Một là, điểm giống nhau giữa tội công nhiên chiếm đoạt tài sản và tội cướp giật tài sản
(i) Khách thể của tội phạm: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản và tội cướp giật tài sản đều xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
(ii) Mặt khách quan của tội phạm:
– Hành vi khách quan: Cả hai tội này đều có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai. Người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản ngay trước mắt chủ sở hoặc người đang trực tiếp quản lý tài sản; người phạm tội không có ý định che giấu hành vi phạm tội của mình
– Hậu quả: Cả hai tội phạm này đều gây thiệt hại về tài sản của người khác.
(iii) Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản và tội cướp tài sản là chủ thể thường. Bất kỳ người nào đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi đều có thể trở thành chủ thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản và tội cướp giật tài sản.
(iv) Mặt chủ quan của tội phạm: Người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản và tội cướp giật tài sản đều thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp và mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác.
(v) Hình phạt: Cả hai tội đều có 4 khung hình phạt khác nhau. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải chịu thêm hình phạt bổ sung với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Hai là, điểm khác nhau giữa tội công nhiên chiếm đoạt tài sản và tội cướp giật tài sản
Tội cướp giật tài sản và công nhiên chiếm đoạt tài sản tuy có nhiều điểm giống nhau trong cấu thành tội phạm nhưng hai tội danh này có những sự khác nhau cơ bản như sau:
(i) Về tội cướp giật tài sản
– Hành vi chiếm đoạt ở tội cướp giật tài sản phải có dấu hiệu nhanh chóng: Đó là lợi dụng sơ hở của chủ sở hữu, người trực tiếp quản lý tài sản (sơ hở này có thể sẵn có hoặc do người phạm tội chủ động tạo ra) nhanh chóng tiếp cận, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng lẩn tránh. Thủ đoạn nhanh chóng chiếm đoạt tài sản có thể diễn ra ở nhiều hình thức khác nhau, phụ thuộc vào đặc điểm của tài sản chiếm đoạt, vị trí, cách thức giữ tài sản cũng như những hoàn cảnh bên ngoài khác, hình thức này có thể là nhanh chóng giật lấy giành lấy và tẩu thoát…. Với thủ đoạn như vậy người phạm tội muốn chủ sở hữu, người trực tiếp quản lý tài sản không thể kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội của mình và không có ý định dùng bất cứ thủ đoạn nào khác để đối phó với chủ sở hữu, người trực tiếp quản lý tài sản.
– Chủ thể của tội cướp giật tài sản có thể là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu người phạm tội thuộc Khoản 2, 3, 4 Điều 171 Bộ luật Hình sự (trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng).
– Hình phạt: Tội cướp giật tài sản có 4 khung hình phạt tương ứng với 04 khoản như sau: Khung 1: phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; khung 2: phạt tù từ 03 năm đến 10 năm; khung 3: phạt tù từ 07 năm đến 15 năm; khung 4: phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
(ii) Về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
– Hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản phân biệt với hành vi của tội cướp giật tài sản ở chỗ người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh không có khả năng ngăn cản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Do vậy, người phạm tội không cần và không có ý định có bất cứ thủ đoạn nào khác để đối phó với chủ tài sản, người phạm tội không dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực hay uy hiếp tinh thần nhanh chóng hay nhanh chóng chiếm đoạt và lẩn tránh.
– Chủ thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Như vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không thể trở thành chủ thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản kể cả trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
– Hình phạt: Cũng như tội cướp giật tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản cũng có 4 khung hình phạt, tuy nhiên mức phạt ở các khung giữa hai tội này là khác nhau. Các khung hình phạt của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản như sau: Khung 1: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; khung 2: phạt tù từ 02 năm đến 07 năm; khung 3: phạt tù từ 07 năm đến 15 năm; khung 4: phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.