Phân loại thương tích và chấn thương. Mức độ thương tích của phần mềm phụ thuộc vào lực tác động lớn hay nhỏ của vật. Thương tích phần cứng là thương tích của xương giúp ta tìm hiểu nguyên nhân, cơ chế, hướng tác động và tư thế của nạn nhân bị vật tác động.
Mục lục bài viết
1. Đại cương về thương tích và chấn thương:
Chấn thương bao gồm mọi tổn thương do các vật từ bên ngoài tác động vào cơ thể. Hình thái tổn thương nặng nhẹ, nông, sâu phụ thuộc vào các vật tác động, trọng lượng và áp lực của vật ấy.
Thương tích do các vật gây nên là bằng chứng thực thể tồn tại khá lâu mà giám định viên Y pháp dựa vào để đánh giá mức độ tác hại đối với nạn nhân, giúp cho cơ quan pháp luật định mức án đúng đắn đối với hung thủ.
Bộ luật hình sự nước ta đã đề cập đến tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác với hai khía cạnh cố ý và vô ý được quy định như sau:
Điều 134: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.”
Điều 135: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người.”
Điều 137: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ:
Người nào trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Nếu hành vi phạm tội đó thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02-07 năm:
– Đối với 02 người trở lên, mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.
Theo đó, mức phạt cao nhất đối với tội này có thể lên tới 07 năm tù.
Điều 139: Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính;
1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
3. Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
2. Tổn thương cơ bản của thương tích và phân loại:
2.1. Thương tích phần mềm:
Mức độ thương tích của phần mềm phụ thuộc vào lực tác động lớn hay nhỏ của vật. Do đó tổn thương phần mềm có nhiều mức độ khác nhau.
Sây sát: tổn thương này có thể thấy ngoài da hay trong nội tạng dưới hình thức vết hoặc mảng sây sát là tổn thương làm mất một phần biểu bì da, thanh mạc hoặc vỏ bao các phủ tạng. Lúc đầu vết sây sát đỏ hồng rớm máu hoặc không, có màu hơi sẫm có vảy máu khô che phủ, nắn thấy cứng. Qua kính hiển vi thấy có động hồng cầu, phía trên phủ một lớp huyết tương(vảy). Từ 7 đến 12 ngày bong vảy.
Bầm máu: tổn thương này làm vỡ các mạch máu nhỏ, thường gặp ở dưới da hay trong các tạng. Đặc điểm của vết bầm máu là da vẫn phẳng nhưng có màu tím nhạt hay sẫm (Xem ảnh 5). Hiện diện của vết bầm máu chứng tỏ thương tích có từ khi còn sống. Tổn thương này cần phân biệt với vết hoen tử thi hoặc vết xuất huyết của một số bệnh về máu. Dựa vào sự đổi màu của bầm máu ta có thể ước đoán được thời gian gây nên thương tích (mảng bầm máu từ 1 cm trở lên):
Màu tím: thương tổn xảy ra khoảng một vài giờ.
Màu đen: thương tổn xảy ra khoảng 2 đến 3 ngày.
Màu xanh: thương tổn xảy ra khoảng 3 đến 6 ngày.
Màu xanh lá mạ: thương tổn xảy ra khoảng 7 đến 12 ngày.
Màu vàng: thương tổn xảy ra khoảng 12 đến 25 ngày.
Sau 25 ngày thương tích mất dấu vết. Quá trình thay màu sắc này do hiện tượng thoái hoá của huyết sắc tố.
Tụ máu: là thương tổn do dập vỡ các mạch máu cỡ nhỏ hoặc to. Do áp lực của vật cứng trên phần mềm làm vỡ mạch máu tràn vào tổ chức, tạo ra cục máu đông tại chỗ đó. Nếu thương tích ở ngoài da hoặc dưới thanh mạc, vùng tụ máu hơi lồi lên, màu tím. Tổn thương này gặp ở da, thanh mạc ống tiêu hóa, trong sọ, gan… đôi khi tổn thương này gây chết nhanh chóng, đặc biệt là ở trong sọ.
Vết thủng: tổn thương thủng là sự mất liên tục của tổ chức, gây ra bởi nhiều loại hung khí khác nhau. Đặc điểm của vết thương là một hình khe, hay lỗ thủng kèm theo đường hầm có tụ máu tổ chức bị tách ra không bị mất đi. Nếu thương tích ở bụng hoặc ở ngực, có thể kèm theo tổn thương nội tạng.
Vết đứt cắt: vết đứt cũng là tổn thương mất tính chất liên tục của tổ chức như vết thủng nhưng diện rộng hơn, tổ chức không bị mất đi. Đặc điểm của tổn thương này là: Mép vết đứt thẳng gọn, đôi khi nham nhở do hung khí cùn. Thường không có tụ máu ở mép vết đứt, trừ khi lưỡi hung khí quá cùn. Vết thương há miệng.
Vết chém hay băm bổ: thương tích do vật có diện rộng hoặc có trọng lượng lớn tác động với lực mạnh vào cơ thể: như dao rựa, dao phay, búa, rìu. Tổn thương có đặc điểm:
Vết thương dài, diện rộng, đáy hẹp độ sâu ít.
Mép vết thương có vết xước da
Nếu vết thương sâu, thường thấy phía đáy có những thớ cơ đứt dở dang hoặc có vết mẻ xương.
Nếu vật có lưỡi cùn, thương tích vừa có hình dạng vật chém (đứt) vừa có hình dáng vật tầy (tụ máu)
Giập nát: tổn thương này do lực đè ép gây ra, biểu hiện là vết rách da tụ máu, tụ máu phần mềm của tổ chức dưới da. Tổ chức cơ và các phủ tạng. Loại thương tích này thường do vật tầy gây nên, ngã cao, bị dày xéo, vùi lấp.
2.2. Thương tích phần cứng (Xương):
Những thương tích của xương nhiều khi có một ý nghĩa quan trọng, giúp ta tìm hiểu nguyên nhân, cơ chế, hướng tác động và tư thế của nạn nhân bị vật tác động. Các hình thái tổn thương của xương nói chung có thể gặp gồm:
Rạn xương: rạn xương là loại tổn thương thường gặp biểu hiện dưới nhiều hình dáng khác nhau:
Đường rạn đơn độc ngắn hoặc dài
Đường rạn toả nhánh, theo hình nan quạt hoặc hình mạng nhện (hay gặp ở chấn thương sọ não – phần hộp sọ).
Nhiều đường giập bắt chéo nhau.
Đường giập kèm theo vỡ xương.
Lún xương: gồm một hoặc nhiều mảnh xương vỡ và bị đẩy lõm xuống. Thường gặp trong chấn thương xương sọ (lún bản ngoài, lún cả bản trong).
Thủng xương: thủng xương là tổn thương làm xương mất tính chất liên tục. Thủng xương ít khi đơn độc có khi rạn xương và vỡ xương. Tổn thương do đạn hoặc các vật nhọn như tuốc-nơ-vit, mũi giáo mác…
Gãy xương: gãy xương là sự tách rời xương làm hai hoặc nhiều mảnh có khi còn dính vào nhau. Trong chấn thương học Y pháp người ta phân biệt gãy xương trực tiếp và gãy xương gián tiếp.
Gãy xương trực tiếp là loại xương gãy ngay dưới nơi lực của vật tác động trực tiếp vào.
Gãy xương gián tiếp: là hình thái, lực của vật tác động một nơi, xương gẫy nơi khác. Hình ảnh gãy xương này hay gặp khi bẻ, vặn hoặc khi đè mạnh lên xương.
Vỡ xương: xương bị áp lực mạnh làm rời ra thành nhiều mảnh thương tích này thường thấy ở tai nạn xe hỏa, xe điện.
Trật khớp: đầu xương bị đẩy ra khỏi ổ khớp (xương dài) mép khớp xương chờm lên nhau (xương sọ).