Phát triển đô thị là xu thế tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới trong kỷ nguyên hiện đại hóa, khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Hiện nay, các đô thị Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý phát triển đất nước, đặc biệt là khi nước ta đang phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vậy đặc điểm của đô thị nước ta hiện nay là?
Mục lục bài viết
1. Đặc điểm của đô thị nước ta hiện nay là?
A. Có nhiều loại khác nhau.
B. Đều có qui mô rất lớn.
C. Có cơ sở hạ tầng hiện đại.
D. Phân bố rất đồng đều.
Đáp án đúng: A.
Trả lời:
Đô thị nước ta có nhiều loại khác nhau (theo cách phân cấp hiện nay có 6 loại đô thị). Các đô thị phân bố không đồng đều, nhiều đô thị qui mô nhỏ, cơ sở hạ tầng còn hạn chế so với thế giới và khu vực.
2. Đặc điểm của đô thị hóa ở nước ta:
Một là, dân số tập trung vào các đô thị với tốc độ nhanh chóng.
Trên thế giới, dân số đô thị tăng lên rất nhanh. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 1920 chỉ có 266,4 triệu người dân đô thị, chiếm 14,3% tổng số dân nhưng đến năm 1960 đã tăng lên đến 760,3 triệu người và chiếm 25,4% tổng số dân; mức độ đô thị hóa trên thế giới năm 2000 là gần 50%, năm 2018 là 55% và đến năm 2050 sẽ đạt khoảng 62,5% với số dân khoảng 5.107 triệu người.
Tại Việt Nam, nhìn chung, các đô thị có số dân tăng trưởng trung bình, các đô thị nhỏ có số dân tăng trưởng chậm, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có số dân tăng trưởng nhanh. Chỉ tính trong hơn 10 năm gần đây, dân số Hà Nội tính đến tháng 4-2009 là 6.451.909 người và tháng 4-2019 là 8.053.663 người; dân số Thành phố Hồ Chí Minh tính đến tháng 4-2009 là 7.162.864 người và tính đến tháng 4-2019 là 8.993.082 người. Cả hai thành phố đều có mức tăng dân số khoảng 25% sau 10 năm so với năm 2009. Số lượng dân cư trên đây của hai thành phố chưa tính đến những người sinh hoạt và lao động không chính thức.
Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Năm 2019, mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 12% so với năm 2009. Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng là 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2. Năm 2009, mật độ dân số trung bình ở Hà Nội là 1.926 người/km2, ở Thành phố Hồ Chí Minh là 3.399 người/km2, cao gấp 7,4 lần và 13,1 lần so với mật độ dân số trung bình của cả nước là 259 người/km2. Có những quận ở Hà Nội có mật độ siêu cao, như quận Đống Đa là 38.896 người/km2, cao gấp 150 lần mật độ chung của cả nước.
Hai là, sự phát triển các đô thị đã tạo nên các vùng đô thị hóa cao độ.
Ở Việt Nam, hai vùng đô thị lớn được hình thành và phát triển là Vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
Vùng Thủ đô Hà Nội bao gồm thành phố Hà Nội và 9 tỉnh lân cận: Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7km2 (chiếm 7,3% diện tích tự nhiên toàn quốc), với dân số toàn vùng đến năm 2030 ước tính khoảng 21 – 23 triệu người, trong đó, dân số đô thị khoảng 11,5 – 13,8 triệu người, dân số nông thôn khoảng 9,2 – 9,5 triệu người; khoảng 12 - 13,2 triệu lao động; mức độ đô thị hóa đạt khoảng 55% – 60%.
Vùng Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh lân cận, là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai và Tiền Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404km2 (chiếm 9,2% diện tích tự nhiên toàn quốc), với dân số toàn vùng đến năm 2030 ước tính khoảng 24 – 25 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 18 – 19 triệu người, dân số nông thôn khoảng 6 – 7 triệu người; khoảng 18 – 19 triệu lao động; mức độ đô thị hóa khoảng 70% – 75%.
Ba là, quá trình tập trung hóa dân số vào các thành phố và các khu vực không giống nhau.
Theo Liên hợp quốc, năm 1920, có 5,8% dân số sống trong vùng đô thị ở các nước đang phát triển và 29,4% ở các nước phát triển. Năm 1960, tỷ lệ này tương ứng là 15,4% và 46%. Đến năm 2000, mức độ đô thị hóa ở các nước đang phát triển là 43% với dân số khoảng 2.080 triệu người và ở những nước phát triển là 83% với dân số khoảng 1.010 triệu người. Châu Phi năm 1920 chỉ có 4,8% dân số, Nam Á có 5,7% dân số sống ở đô thị, trong khi ở châu Âu là 34,7%, ở Bắc Mỹ là 41,4%. Đến năm 1960, tỷ lệ này ở châu Phi là 13,4%, ở Nam Á là 13,7%, ở châu Âu là 44,2% và ở Bắc Mỹ là 58%.
Tại Việt Nam, số lượng đô thị tăng nhanh và phân bố không đồng đều trên cả nước, chất lượng đô thị giữa các địa phương, vùng miền trong từng loại đô thị còn chênh lệch nhau rất lớn. Mức độ đô thị hóa cũng khác nhau nhiều giữa các vùng; ở vùng Đông Nam Bộ là trên 72%, trong khi ở vùng trung du và miền núi phía Bắc là dưới 22%. Quy mô đất đai của các đô thị cũng rất khác nhau, trong 25 đô thị lớn nhất nước ta, chỉ có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là khác biệt.
Bốn là, quá trình đô thị hóa làm thay đổi tương quan dân số thành thị và nông thôn.
Hiện nay, nhịp độ tăng dân số thành thị đã vượt nhịp độ tăng dân số nông thôn. Dân số nông thôn có xu hướng giảm đi do di cư vào thành phố với mong muốn tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn và có công ăn, việc làm tốt hơn, đặc biệt là tại các khu công nghiệp. Cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật đã tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hóa như là một hiện tượng toàn cầu. Điều đó dẫn đến những thay đổi sâu sắc cả về số lượng và chất lượng dân cư. Theo tổng kết của Liên hợp quốc, tỷ lệ dân số đô thị có xu hướng tăng dần trên toàn thế giới, kể cả các khu vực cũng như từng quốc gia. Có những nước đang phát triển, đặc biệt là một số nước đang phát triển ở khu vực Mỹ La-tinh, tỷ lệ này đạt rất cao, ví dụ: U-ru-goay là 95,2%, Ác-hen-ti-na là 91,6%, Chi-lê là 89,4%, Bra-xin là 85,4%.
Đô thị hóa ở Việt Nam chứa đựng đặc trưng sự gia tăng tốc độ cũng như gia tăng diện tích và dân số. Tuy nhiên, những đặc trưng này chủ yếu diễn ra tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tỷ lệ mở rộng khu vực đô thị của hai thành phố này là 3,8% và 4% hằng năm.
3. Tác động của quá trình đô thị hóa:
Tích cực
– Quá trình đô thị hóa là yếu tố làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng công nghiệp, dịch vụ và giảm nông nghiệp. Những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân cư tập trung đông, kinh tế phát triển vượt bậc, thị trường tiêu thụ và sản xuất hàng hóa cũng được mở rộng.
– Sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ ở các đô thị nhanh chóng thu hút lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao.
– Thị trường việc làm ở các đô thị rất lớn, mở ra nhiều cơ hội và góp phần tăng thu nhập cho người lao động.
– Hệ thống cơ sở hạ tầng tại các đô thị được chú trọng đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, nhờ đó mà chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.
– Tại các đô thị không chỉ có đội ngũ người lao động chất lượng cao mà còn sở hữu cơ sở hạ tầng phát triển, đây là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tiêu cực
– Dân cư tập trung quá đông dẫn đến thiếu hụt nhà ở nghiêm trọng tại các đô thị.
– Tỷ lệ thất nghiệp tại đô thị tăng cao, kể cả nhóm người lao động có học thức.
– Lượng nước thải, chất thải từ sinh hoạt quá lớn, không được xử lý đúng cách gây ra vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt.
– Dân cư tập trung đông đúc tại các khu đô thị, đặc biệt là những vùng của người lao động nghèo, điều kiện vệ sinh kém, nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân dẫn đến lây lan các bệnh truyền nhiễm.
– Giao thông ùn tắc vẫn luôn diễn ra hàng ngày tại các đô thị lớn. Lượng khí thải từ phương tiện giao thông gây ô nhiễm không khí trầm trọng, dẫn đến nhiều bệnh lý hô hấp.
– Các tệ nạn xã hội phát sinh tại các đô thị ngày càng tăng. Dân số động, tình trạng thất nghiệp và tỷ lệ nghèo đói gia tăng gây ra các vấn đề như bạo lực, ma túy, trộm cắp, cướp giật,… dẫn đến mất an ninh, trật tự khu vực.
THAM KHẢO THÊM: