Đa văn hóa là một hiện tượng xã hội có từ thuở xa xưa. Khi có các nền văn hóa tiếp xúc và tiếp biến với nhau thì sẽ xảy ra hiện tượng đa văn hóa. Nhưng đa văn hóa trở thành một lý thuyết, thậm chí một cương lĩnh cho hành động thì phải đến xã hội hiện nay của chúng ta. Hãy cùng tìm hiểu về đa văn hóa và chủ nghĩa đa văn hóa trong bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Đa văn hóa là gì?
Đa dạng văn hóa thường để chỉ về sự cùng tồn tại của nhiều nền văn hóa, dạng thức văn hóa và cách biểu đạt văn hóa ở nhiều vùng khác nhau ở một vùng nói riêng hoặc trên thế giới nói chung.
2. Ý nghĩa của đa dạng văn hóa:
Đa dạng văn hóa là đặc trưng của xã hội loài người, bởi thế nó là điều kiện cần thiết cho phát triển, thậm chí cho sự sinh tồn của con người. Đa dạng văn hóa là khởi nguồn của bản sắc, của đổi mới và sáng tạo, giúp liên kết mọi người trên thế giới. Nó là động lực thúc đẩy phát triển, không chỉ tăng trưởng kinh tế, mà còn làm phong phú hơn cuộc sống trí tuệ, tình cảm, đạo đức và tinh thần.
Đa dạng văn hoá có ý nghĩa đối với các lĩnh vực:
Kinh tế: Đa dạng văn hóa là nguồn lực cho nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.
‐ Du lịch, sản xuất hàng thủ công và các ngành công nghiệp văn hóa khác phụ thuộc phần lớn vào sức sáng tạo và tài sản văn hóa của người dân địa phương. Những nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế này chỉ được phát huy khi bảo tồn đa dạng văn hóa được đầu tư một cách đầy đủ.
‐ Các ngành công nghiệp văn hóa và du lịch: tạo công ăn việc làm và thu nhập qua các di sản, qua việc tham quan, bán hàng thủ công và các sản phẩm văn hóa khác.
‐ Sinh kế truyền thống: giữ gìn kiến thức địa phương, tạo công ăn việc làm; phương cách đa dạng từ sản xuất hàng thủ công, nông nghiệp, quản lý nguồn tài nguyên…
Xã hội: Đa dạng văn hoá là phương tiện hiệu quả đề thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và chống lại các định kiến. Điều này hết sức cần thiết đối với ổn định xã hội.
‐ Gắn kết xã hội: Văn hoá là nguồn hy vọng, cho phép con người có được ý thức sâu sắc về cảm giác thuộc về cộng đồng.
‐ Vốn xã hội: Bảo vệ các hình thức khác biệt của văn hoá và quá trình hình thành các hình thức này sẽ góp phần tăng cường vốn xã hội của cộng đồng và đem lại cảm giác làm chủ và niềm tin vào các tổ chức công cộng
An ninh quốc phòng: Đa dạng văn hoá là phương tiện thúc đẩy và bảo đảm an ninh chính trị cũng như toàn vẹn lãnh thổ
‐ Mỗi nhóm tộc người đều có người lãnh đạo tinh thần (già làng). Thông qua những người lãnh đạo tinh thần, sử dụng văn hóa và ngôn ngữ của từng nhóm tộc người và địa phương chính là phương thức hữu hiệu đề đảm bảo an ninh chính trị.
‐ Do đặc điểm cư trú của nhiều nhóm dân tộc sống ở biên giới, vùng núi cao nên chính sự đa dạng trong lối sống sinh kế và văn hóa giúp bảo vệ an ninh, quốc phòng, giữ đất đai lãnh thổ….
‐ Giúp các cán bộ người dân tộc dễ tiếp cận với đồng bào mình; gắn kết cộng đồng, tăng cường đại đoàn kết dân tộc
Môi trường: đa dạng văn hoá giúp bảo vệ cảnh quan môi trường. Điều này xuất phát từ việc mỗi dân tộc có quan niệm thế giới quan riêng. Khi những nét văn hoá này được bảo tồn, nó góp phần bảo tồn rừng và cảnh quan thiên nhiên.
VD: người dân tộc có niềm tin là rừng thiêng, do đó phải cấm người lạ, người trong bản vào phá. Điều này giúp bảo tồn được rừng, cảnh quan môi trường tự nhiên.
‐ Đa dạng văn hoá là phương tiện để có những phương thức tổ chức khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên theo từng nhóm dân tộc, giúp sử dụng các nguồn tài nguyên một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất, tận dụng tài nguyên của từng dân tộc.
‐ Đa dạng văn hoá góp phần bảo tồn rừng.
Ví dụ người Dao, Mường có nhiều bài thuốc hay lấy từ rừng. Nếu bảo tồn được những bài thuốc đó, một mặt bà con sẽ cơ hội tăng thu nhập, mặt khác rừng cũng được bảo tồn, bởi chỉ khi những cây to trong rừng còn thì những cây lá thuốc mọc bên dưới mới sống được.
3. Chủ nghĩa đa văn hóa là gì?
Chủ nghĩa đa văn hóa đề cập đến sự tồn tại của một số truyền thống văn hóa trong một quốc gia thường được coi là có mối liên hệ về mặt văn hóa với các nhóm dân tộc bản địa và phi bản địa. Điều này có thể xảy ra khi một khu vực được tạo ra hoặc mở rộng do sự hợp nhất của hai hoặc nhiều khu vực có nền văn hóa khác nhau (ví dụ: Canada thuộc Pháp và Canada thuộc Anh) hoặc do nhập cư từ các khu vực pháp lý khác nhau trên thế giới (ví dụ: Hoa Kỳ, Úc, Canada, Brazil, Anh, NewZealand…. và nhiều quốc gia khác).
4. Cơ sở thực tiễn của chủ nghĩa đa văn hóa:
Gần nửa thế kỷ qua, chính sách văn hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra mục tiêu thúc đẩy sự khoan dung và tôn trọng bản sắc văn hóa của các cộng đồng thiểu số. Những chính sách này được thực hiện thông qua các biện pháp như hỗ trợ các hiệp hội cộng đồng và các hoạt động văn hóa của họ, khuyến khích các hình ảnh tích cực trên các phương tiện truyền thông, hoàn thiện các dịch vụ công cộng nhằm đáp ứng những khác biệt văn hóa trong xã hội. Xu hướng xuất hiện và phát triển những chính sách như vậy đã phản ánh tinh thần tự do, dân chủ, và khát vọng khẳng định bản sắc của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng trong thế giới ngày nay. Trong các tài liệu hữu quan, khi bàn về xu hướng nói trên, người ta thường định danh bằng thuật ngữ “chủ nghĩa đa văn hóa” (Multiculturalism).
Chủ nghĩa đa văn hóa xuất hiện trong bối cảnh đa dạng văn hóa đương đại và mang dấu ấn đặc biệt của đạo đức thực dụng xã hội phương Tây. Đó là khả năng phản ứng một cách nhanh chóng trước những biến đổi của môi trường xung quanh, khả năng xây dựng những quan niệm lý luận thích ứng với những thách thức của xã hội. Trong vòng vài thập kỷ trở lại đây, xét trong tổng thể và xét từ góc độ thực tiễn, có thể coi sự nảy sinh và phát triển chủ nghĩa đa văn hóa ở các quốc gia phương Tây như một phản ứng hợp lý trước tình trạng gia tăng tính đa dạng văn hóa trong xã hội. Nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh chủ nghĩa đa văn hóa là khác nhau ở mỗi quốc gia do có những đặc thù riêng; và nội dung của chính sách đa văn hóa của mỗi nước cũng chứa đựng nhiều điểm khác biệt.
Những nhân tố được xác định làm phát sinh chủ nghĩa đa văn hóa là phong trào dân chủ xã hội vào những năm 1970 ở phương Tây; sự gia tăng di cư và nhập cư vào các nước phát triển; sự gia tăng nhu cầu khẳng định “cái tôi”/“bản sắc” ở cấp độ cá thể và cộng đồng trong một thế giới đang bị toàn cầu hóa bởi các chuẩn mực chung.
5. Cơ sở lí thuyết của chủ nghĩa đa văn hóa:
Xét trên phương diện lý thuyết, chủ nghĩa đa văn hóa kế thừa nền tảng lý luận của chủ nghĩa tự do cổ điển và chủ nghĩa cộng đồng.
Cội nguồn thứ nhất: chủ nghĩa tự do cổ điển.
Chủ nghĩa tự do cổ điển đề ra hai nguyên tắc cơ bản: Quyền con người và chế độ dân chủ. Nhân vật điển hình của chủ nghĩa tự do cổ điển là J.J. Rousseau với tác phẩm nổi tiếng Bàn về khế ước xã hội. Trong tác phẩm này, J.J. Rousseau viết: “Người ta sinh ra tự do, nhưng rồi đâu đâu con người cũng phải sống trong xiềng xích”. Để thoát khỏi xiềng xích và đạt được bình đẳng thực sự, Rousseau đặt vấn đề cần phải có một khế ước (contrat) hay một công ước (pacte) xã hội khi con người thoát ra khỏi trạng thái tự nhiên như các động vật khác để trở thành con người trong xã hội dân sự.
Tinh thần cơ bản nhất của khế ước xã hội được kết tập vào điều khoản quan trọng nhất là: mỗi thành viên từ bỏ một phần quyền riêng của mình để gộp lại thành một khối quyền lực chung (quyền lực công cộng). Khi khối quyền lực chung này được hình thành thông qua khế ước xã hội như vậy cũng có nghĩa là một nền chính trị dân chủ ra đời.
Sau đó, dưới sự điều hành của khối quyền lực chung ấy, các cá nhân vẫn được tự do, tuy nhiên, bây giờ tự do của cá nhân này sẽ không phương hại đến tự do của cá nhân khác. Ai ai cũng như vậy cả, không ngoại trừ một người nào. Cho nên sẽ không ai thiệt thòi khi tham gia khế ước xã hội.
Xét đến cùng, mặc dù kế thừa chủ nghĩa tự do cổ điển song chủ nghĩa đa văn hóa là học thuyết thiên về nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do cá nhân được sống một cuộc sống của chính mình, cho dù phần lớn xã hội không tán đồng với cách sống đó. Cũng theo logic này, lối sống thiểu số, sự khác biệt…nên được chấp nhận hơn là bác bỏ. Có thể ngầm hiểu là, đối với một xã hội tự do, người dân không buộc phải sống theo những giá trị mà họ không muốn hay bị cấm sống theo những giá trị mà họ yêu thích.
Cội nguồn thứ hai – Chủ nghĩa cộng đồng:
Luận điểm chung của chủ nghĩa cộng đồng là: Cá nhân khó hoặc thậm chí không thể tồn tại được, đặc biệt trong xã hội hiện đại, nếu không liên hệ với một cộng đồng nào đó. Hơn nữa, mỗi cá nhân còn tồn tại cùng lúc trong nhiều cộng đồng khác nhau, ví dụ vừa là thành viên của một đại gia đình, vừa là dân cư của một tổ dân phố và nhân viên một tập đoàn, một cộng đồng văn hóa… Việc tham dự hoặc thuộc về cộng đồng nào đó sẽ quy định bản sắc của cá nhân ấy. Bởi vậy, mất đi cộng đồng tùy thuộc, cá nhân cũng mất đi bản sắc của mình.
Nhưng nếu nghiên cứu kỹ chúng ta có thể thấy sự vay mượn, chắp vá trong triết lý của chủ nghĩa đa văn hóa. Chủ nghĩa này không có một cơ sở lý thuyết nhất quán. Chính vì thế, chủ nghĩa đa văn hóa đã dao động trước sự lựa chọn cái chung hay cái riêng để giải quyết vấn đề đa dạng văn hóa. Và cuối cùng, nó đã lựa chọn cái riêng mà không quan tâm thỏa đáng đến cái chung, không đặt cái riêng trong quan hệ biện chứng dẫn đến cái chung.
Tuy nhiên, cần phải nhận thấy rằng, mặc dù “chắp vá” song việc nhấn mạnh đến cái cá biệt, đặc thù và khác biệt của chủ nghĩa đa văn hóa cũng nhận được sự ủng hộ từ phía các phong trào đấu tranh giành độc lập ở các nước thuộc địa. “Bình đẳng giữa những khác biệt” được phát triển thành “bình đẳng giữa các dân tộc” và “quyền tự quyết dân tộc”.
Tóm lại, một mặt chủ nghĩa đa văn hóa dựa trên cơ sở của chủ nghĩa tự do để khẳng định quyền tự do cá nhân được sống cuộc sống của chính mình, các lối sống thiểu số hay sự khác biệt nên được chấp nhận hơn là bác bỏ; mặt khác bắt nguồn từ những khiếm khuyết của chủ nghĩa tự do, đồng thời dựa trên cơ sở của chủ nghĩa cộng đồng, chủ nghĩa đa văn hóa cho rằng có một mối liên hệ sâu sắc giữa bản sắc cá nhân và cộng đồng văn hóa mà họ thụ hưởng, từ đó khẳng định quyền của các nhóm văn hóa.
Xét về bản chất, chủ nghĩa đa văn hóa là phản ứng chống lại thuyết đồng hóa văn hóa khi thuyết này cho rằng khối đoàn kết dân tộc chỉ có thể có được khi tất cả mọi người chấp nhận một nền văn hóa thống trị. Trái lại, chủ nghĩa đa văn hóa cổ vũ các nhà nước thực hiện quyền bình đẳng cho các cộng đồng văn hóa, đề nghị các nhà nước tôn trọng, thậm chí thừa nhận những khác biệt văn hóa, hoặc đi xa hơn nữa, ban hành các đạo luật bảo hộ những khác biệt văn hóa đó.
6. Hệ quả của chủ nghĩa đa văn hóa:
Là một lý thuyết không có người sáng lập, nhưng từ khi xuất hiện, chủ nghĩa đa văn hóa lại có những ảnh hưởng sâu rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới như Canada, Australia, Mỹ và châu Âu. Những giá trị tích cực của chủ nghĩa đa văn hóa là không thể phủ nhận như:
– Đã góp phần lớn lao trong tiến trình đi tới sự bình đẳng hơn giữa các cộng đồng người.
– Thúc đẩy sự hòa hợp dân tộc.
– Đánh giá phê bình về mặt quy phạm đối với những chỉnh hợp về thể chế trong khu vực công vốn bị coi là làm tổn hại hay tước đoạt quyền của tộc người thiểu số văn hóa.
– Thôi thúc các cộng đồng thiểu số thể hiện và khẳng định bản sắc của mình.
Tuy nhiên, ngoài những ảnh hưởng tích cực, chủ nghĩa đa văn hóa cũng mang lại không ít những ảnh hưởng tiêu cực ngoài mong muốn như:
– Khi khuyến khích các cộng đồng văn hóa khẳng định bản sắc của mình, chủ nghĩa đa văn hóa vô hình chung đã tạo ra một môi trường thuận lợi để chủ nghĩa cực đoan về dân tộc, tôn giáo có điều kiện phát triển.
– Chủ nghĩa đa văn hóa bị coi là sự hủy diệt tinh thần dân tộc, hay một số nhà nghiên cứu coi chủ nghĩa đa văn hóa là mối nguy hiểm thực sự làm gia tăng sự phản kháng và lòng căm thù.
Hiện nay, chủ nghĩa đa văn hóa đang gặp phải sự phản đối mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Âu. Nhiều người cho rằng chủ nghĩa đa văn hóa không còn hữu dụng nữa và cần thay thế bằng một lý thuyết khác mang tên chủ nghĩa hậu đa văn hóa (hay chủ nghĩa liên văn hóa). Nhưng chủ nghĩa đa văn hóa vẫn đang trong quá trình hình thành và thử nghiệm. Bất cứ một lý thuyết nào cũng đều có những khiếm khuyết nhất định, chỉ có thời gian và thực tiễn mới có thể bù đắp được.