Thực tế rất nhiều đối tượng thực hiện hành vi vi phạm và bị kết án phạt tù tuy nhiên lại đang có khoản vay nợ với người cho vay. Như vậy, vô hình chung tạo ra vướng mắc trong việc thanh toán nợ thuộc trách nhiệm của người phạm tội kia. Rất nhiều người thắc mắc rằng đã bị phạt đi tù thì có phải trả nợ cho bị hại nữa không?
Mục lục bài viết
1. Đã bị phạt đi tù thì có phải trả nợ cho bị hại nữa không?
Theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định công dân Việt Nam khi đi tù sẽ bị tước một hoặc một số quyền của công dân, cụ thể như sau:
Nếu công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc những tội phạm khác theo quy định của Bộ luật hình sự thì sẽ bị tước một hoặc một số quyền công dân, cụ thể là:
– Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước.
– Quyền được làm việc trong cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo đó, thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01-05 năm tính từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật khi người bị kết án được hưởng án treo.
Do đó, hiện nay chưa có quy định nào hạn chế quyền và nghĩa vụ khác của công dân đang chịu án phạt tù.
Đồng thời, căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định trách nhiệm trả nợ của một cá nhân như sau:
– Nếu vay tài sản là tiền: đảm bảo khi đến hạn phải trả đầy đủ cho bên cho vay.
– Nếu vay tài sản là vật: đảm bảo đến hạn phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng (ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác).
– Nếu như bên vay không thể trả tài sản bằng vật thì có thể được quyền thanh toán bằng tiền theo trị giá của vật đã được vay tại thời điểm trả nợ.
Do vậy, từ các quy định trên có thể thấy cá nhân đi vay khi đến hạn phải đảm bảo trả nợ đúng hạn kể cả khi ở tù.
Trường hợp nếu như người cho vay đang đi tù không trả được hoặc không trả đủ số nợ khi đến hạn thì người đó phải có trách nhiệm:
+ Trường hợp vay không có lãi: Bên cho vay có quyền yêu cầu trả lãi trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả nếu không có thỏa thuận khác.
+ Trường hợp vay có thỏa thuận lãi: Bên vay trả lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng thời hạn vay mà đến hạn chưa trả hoặc trả lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả…
2. Đã đi tù rồi ở tù có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không?
Bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự được hiểu là trách nhiệm dân sự của cá nhân được giải quyết trong vụ án hình sự để nhằm bắt buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải có sự khắc phục hậu quả để bù đắp lại những tổn thất cho người bị hại.
Về trách nhiệm bồi thường dân sự, theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015, căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm:
– Phải có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác.
– Có gây ra thiệt hại.
Hiện nay, trong văn bản của luật không quy định định cứng một mức tiền bồi thường thiệt hại nào cả vì mỗi trường hợp thiệt hại sẽ khác nhau. Tại Điều 589, Điều 590, Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về căn cứ để xác minh thiệt hại, cụ thể như sau:
Một là, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm:
– Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
– Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
– Khoản lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
Hai là, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm:
– Các khoản chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.
– Khoản thu nhập thực tế bị mất đi trong thời gian điều trị cho đến khi phục hồi sức khỏe để quay trở lại làm việc.
– Trường hợp nằm viện có người chăm sóc thì tính cả khoản lương bị thiệt hại hoặc bị giảm sút của người chăm sóc nạn nhân trong thời gian điều trị đó.
Ba là, thiệt hại cho tính mạng bị xâm phạm:
Bên cạnh khoản tính chi phí bị thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm thì có thêm các khoản sau:
– Chi phí hợp lý cho việc mai táng.
– Nếu như người bị thiệt hại có trách nhiệm đang cấp dưỡng cho đối tượng khác trong gia đình thì phải chi trả khoản tiền cấp dưỡng.
Lưu ý:
– Người gây ra thiệt hại sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc xuất phát hoàn toàn từ bên bị thiệt hại.
Trường hợp nếu như người đi tù không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì phải xem xét như sau:
+ Nếu người đi tù không có khả năng bồi thường thiệt hại: xác minh xem người đó có thuộc đối tượng được miễn bồi thường thiệt hại không.
Trường hợp đối tượng không thuộc diện miễn bồi thường thiệt hại: cơ quan thi hành án sẽ thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án nhằm mục đích xem xét người phạm tội có tài sản nào khác hay không hay có nguồn công việc nào để tạo ra thu nhập hay không.
Nếu như phát hiện người phạm tội còn tài sản khác mà không tự nguyện thực hiện bồi thường thì sẽ cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của người đó.
Nếu như người phạm tội không còn tài sản nào khác, cũng không thể khai thác được tài sản của người đó thì sẽ:
+ Tiến hành xác minh điều kiện thi hành án ít nhất 06 tháng một lần.
+ Thông báo lại cho người được bồi thường nếu sau hai lần xác minh mà bị cáo vẫn chưa có điều kiện thi hành án.
+ Việc xác minh tiếp tục được thực hiện sau khi có các thông tin mới của bị cáo.
Như vậy, có thể thấy đi tù và bồi thường thiệt hại là hai trách nhiệm riêng biệt của người phạm tội trong vụ án hình sự, do đó dù có đi tù thì người phạm tội vẫn phải chịu bồi thường thiệt hại nếu như phát sinh thiệt hại.
3. Ở tù trả nợ như thế nào?
Theo như những phân tích trên thì người nào đang chấp hành hình phạt từ vẫn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn trả nợ. Tuy nhiên, ở trong tù cũng sẽ hạn chế việc trả nợ. Theo đó, người đang chấp hành án tù sẽ trả nợ theo những cách như sau:
(1) Hoãn trả nợ khi đang ở tù:
Căn cứ Điều 354 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định việc hoãn thực hiện trả nợ như sau:
– Nếu như không thể thực hiện được nghĩa vụ trả nợ một cách đúng hạn: bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền được biết, sau đó đề nghị được hoãn việc trả nợ lại.
– Nếu như bên vay không thông báo cho bên cho vay được biết thì bên vay có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định.
Như vậy, khi đi tù và người vay không thể trả được nợ thì người vay phải thông báo cho bên cho vay được biết và đề xuất việc hoãn trả nợ.
(2) Trường hợp không hoãn được thì có thể ủy quyền cho người thân hoặc bạn bè hoặc người khác trả nợ thay:
Căn cứ Điều 283 Bộ luật dân sự có quy định bên có nghĩa vụ khi được bên có quyền đồng ý sẽ được ủy quyền cho người thứ ba khác thay mình thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên vẫn phải chịu trách nhiệm với người có quyền.
Như vậy, trường hợp do đi tù bị hạn chế về việc trả nợ thì người này có thể ủy quyền cho người thân, bạn bè hoặc người thứ ba khác thay mình trả nợ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Bộ luật dân sự năm 2015.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
THAM KHẢO THÊM: