Tình hình tội phạm diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp gây hoang mang cho dư luận. Trong số đó phải kể đến hành vi cưỡng đoạt tài sản của người khác. Vậy cưỡng đoạt tài sản là gì? Tội cưỡng đoạt tài sản theo Bộ luật hình sự được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Cưỡng đoạt tài sản là gì?
Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Tội cưỡng đoạt tài sản cũng là một trong những tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu của công dân đã được quy định cụ thể tại Điều 170 Bộ luật hình sự Việt Nam.
Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Hành vi khách quan của Điều 170 được thực hiện bằng một trong hai loại hành vi: có hành vi khách quan “đe doạ sẽ dùng vũ lực…” là hành vi doạ sẽ gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng trong tương lai nếu không thoả mãn yêu cầu chiếm đoạt của người phạm tội. Khác với tội “Cướp tài sản” đe doạ “dùng vũ lực ngay tức khắc” thì tội “Cưỡng đoạt tài sản” là đe doạ “sẽ dùng vũ lực” tức là dùng vũ lực trong tương lai, có khoảng cách về thời gian. Sự đe doạ này không có tính nguy hiểm như tội cướp.
Người bị đe doạ còn có điều kiện để chống cự lại, có thời gian để báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xử lý trước khi hành vi chiếm đoạt xảy ra. Hành vi khác uy hiếp về mặt tinh thần người quản lý tài sản. Doạ tố cáo về hành vi phạm pháp hoặc tố cáo về vấn đề đời tư. Tội phạm hoàn thành khi tội phạm thực hiện một trong hai hành vi trên. Đây là điểm khác nhau cơ bản của hành vi đe dọa dùng vũ lực trong tội cưỡng đoạt tài sản với hành vi đe dọa dùng dùng ngay tức khắc vũ lực trong tội cướp tài sản. Trong tội cướp tài sản, người bị đe dọa không có sự lựa chọn, bị tê liệt ý chí và tê liệt sự phản kháng, họ sẽ bị tấn công “tức khắc” bằng vũ lực nếu không thỏa mãn yêu cầu của người phạm tội.
Khách thể của tội phạm: Tội cưỡng đoạt tài sản trực tiếp xâm hại đến 2 quan hệ xã hội là quan hệ nhân thân, đó là quan hệ về tính mạng, sức khoẻ con người và quan hệ tài sản, hậu quả của tội phạm là thiệt hại do hành vi khách quan phạm tội gây ra cho quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của luật hình sự. Trong tội cưỡng đoạt tài sản, hậu quả nguy hiểm cho xã hội trực tiếp là những thiệt hại về vật chất và con người.
Chủ thể: chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi luật định và đã thực hiện hành vi phạm tội cụ thể, ở đây chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt chủ quan của tội phạm: được đặc trưng bởi 2 dấu hiệu:
+ Lỗi cố ý trực tiếp
+ Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc. Mục đích chiếm đoạt tài sản luôn phải xuất hiện trước hoặc muộn nhất là đồng thời với thời điểm thực hiện hành vi khách quan.
Tội “Cưỡng đoạt tài sản” là nhóm tội có cấu thành hình thức. Tức là khi người phạm tội có hành vi mà điều luật mô tả thì tội phạm đã hoàn thành. Tội này có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù.
Về các khung hình phạt.
Theo khoản 1 đó là khung hình phạt cơn bản sẽ là từ 01 năm tới 05 năm tù. Như vậy, một người đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thực hiện hành vi trong điều kiện thông thường thì sẽ bị áp dụng mức phạt tù từ một năm đến năm năm.
Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất Khoản 2 Điều 170 Bộ luật hình sự. Phạm tội trong các trường hợp sau sẽ bị phạt tù từ 03 năm tới 10 năm. Các tình tiết tăng nặng bao gồm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; gây hậu quả nghiêm trọng.
Tương tự khung hình phạt tăng nặng thứ ba ứng với các tình tiết tăng nặng được quy định tại khoản 3 điều này.
Cuối cùng là khung hình phạt cao nhất trong đó có mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù được quy định tại khoản 4 của điều luật.
2. Tố cáo bạn gái cưỡng đoạt tài sản:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư, rất xin lỗi vì đã làm phiền luật sư. Em có vấn đề này mong nhận được sự tư vấn từ luật sư. Em tên Nam, sống tại Tp.HCM, Em và bạn gái quen nhau được hơn 5 tháng, lúc đầu tình cảm tốt đẹp nhưng một thời gian sau thì không còn yên ổn vì mỗi lần nói chuyện chỉ có tiền tiền và tiền khiến em rất mệt mỏi và căng thẳng. Chưa kể là mỗi lần nói chuyện thì lăng mạ em, chửi em là thằng chó này chó kia, chửi cả gia đình em, nói thật thì không thể ai mà chấp nhận người bạn gái như vậy.
Dạo gần đây đòi em mua nhẫn và mua vàng cho đeo nhưng vì em đi làm không về kịp nên không đưa đi mua được, thế là quát mắng, la chửi thậm tệ. Đòi em phải chuyển khoản nếu không sẽ đến chỗ làm của em và quậy. Vì không muốn ảnh hưởng chỗ làm nên em chạy vay mượn được 7 triệu và đưa. Rồi sau đó nói là muốn đi khám bệnh, đòi em đưa tiền tiếp, đòi 2 triệu và liên tục như vậy. Bắt em phải chuyển tiền hằng tháng cho đến khi đủ 200 triệu. Em rất áp lực, em mong luật sư tư vấn gíup em có cách nào để giải quyết được không? Em xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo như nội dung bạn trình bày bạn cần phải làm rõ vấn đề sau:
+ Lý do bạn chấp thuận theo yêu cầu của bạn gái bạn là gì? Có mang tính chất uy hiếp tinh thần bạn hay không? Nếu có bạn cần bảo đảm là có căn cứ chứng minh.
+ Những lần đưa tiền bạn cần phải có căn cứ về đưa số tiền đó và có dùng lời lẽ thô bạo, yêu cầu chấp hành.
Nếu như đảm bảo được những nội dung trên, theo quy định của
Như vậy, nếu bạn gái bạn dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần ví dụ như dọa tiết lộ bí mật, dọa sẽ không làm một việc mà bạn cần làm…, khi đó bạn sẽ làm đơn tố cáo lên cơ quan công an về hành vi cưỡng đoạt tài sản của bạn gái bạn.
3. Quy định về tội cưỡng đoạt tài sản theo pháp luật hình sự:
Tóm tắt câu hỏi:
Em đang làm việc tại một công ty nước ngoài. Em làm thủ quỹ của công ty có một lần vì đang thiếu nợ người ta em đã phải lấy một ít tiền trong quỹ của công ty, nhưng ngay sau đó em đã trả lại. Tuy nhiên, việc em lấy tiền đó bị một đồng nghiệp của em phát hiện. Cô này không báo với thủ trưởng mà dùng cái đó để uy hiếp em, yêu cầu hàng tháng em phải đưa tiền cho cô ta. Sự việc diễn ra được ba tháng, ngày nào cô ta cũng gọi điện nhắc nhở em làm em không thể chịu đựng được. Giờ em phải làm thế nào thưa luật sư?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự đã có quy định cụ thể về tội cưỡng đoạt tài sản. Theo như bạn nói, đồng nghiệp của bạn hiện nay đang có hành vi là sử dụng điểm yếu của bạn là lỗi của bạn trong khi thực hiện nhiệm vụ để tiến hành uy hiếp tinh thần của bạn, ép buộc bạn đưa tiền, tài sản cho cô ta. Đây là hành vi được ghi nhận rõ tại cấu thành tội phạm của tội cưỡng đoạt tài sản tại Điều 170 Bộ luật hình sự. Bạn có thể thông báo và yêu cầu với bên cơ quan công an vào việc để họ có thể khởi tố vụ án, truy tố trách nhiệm hình sự đối với đồng nghiệp của bạn theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đối với vấn đề bạn có hành vi lấy tiền của cơ quan để thực hiện việc riêng, đây là một hành vi gian dối trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy bạn đã có hành vi khắc phục bằng cách trả tiền lại ngay sau đó nhưng bạn vẫn có lỗi khi thực hiện hành vi này. Do đó, bạn cần thông báo với cơ quan nơi bạn làm việc, căn cứ vào tính chất của vụ việc mà bạn thực hiện bạn phải chấp nhận các hình thức xử lí kỉ luật theo đúng quy định tại điều lệ của công ty.
4. Hành vi cưỡng đoạt tài sản khi mua bán xe máy:
Tóm tắt câu hỏi:
Bạn gái của e trước đây có làm dịch vụ cho 1 nhà nghỉ và suýt bị lừa làm gái bán dâm, sau đó bạn gái e có mua lại 1 chiếc xe máy của người chủ đó với giá 25 triệu và đã thanh toán đầy đủ (có cả giấy tờ mua bán) nhưng bây giờ lại nói là bạn gái e vẫn còn nợ 10 triệu và dọa sẽ cho xã hội đen đến đòi nợ. Vậy cho e hỏi e phải làm như thế nào ? Và nếu người đó bị xử phạt thì xử như thế nào ạ?
Luật sư tư vấn:
Bạn gái bạn mua bán xe máy với chủ nhà nghỉ và có giấy tờ mua bán thì theo
“Điều 428. Hợp đồng mua bán tài sản
Hợp đồng mua bán tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán.”
Và Điều 449 Bộ luật dân sự 2015 quy định về mua bán quyền tài sản như sau:
“Điều 449. Mua bán quyền tài sản
1. Trong trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, còn bên mua phải trả tiền cho bên bán.
2. Trong trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả.
3. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản là thời điểm bên mua nhận được giấy tờ xác nhận về quyền sở hữu đối với quyền về tài sản đó hoặc từ thời điểm đăng ký việc chuyển quyền sở hữu, nếu pháp luật có quy định.”
Như vậy, bạn gái bạn đã thanh toán đầy đủ thì xác lập chuyển quyền sở hữu với tài sản là chiếc xe máy là hoàn toàn hợp pháp, việc chủ nhà nghỉ nói em bạn vẫn nợ 10 triệu mà không có ghi trong hợp đồng, không có giấy tờ vay mượn thì việc đòi nợ là không đúng pháp luật.
Việc chủ nhà nghỉ dọa sẽ cho xã hội đen đến đòi nợ 10 triệu mà không có căn cứ pháp luật thì có thể bị xử lý theo Điều 170 Bộ luật hình sự.
Theo đó, nếu chủ nhà nghỉ tiếp tục đe dọa tinh thần, dùng vũ lực đòi 10 triệu thì bạn gái bạn có thể đến cơ quan công an địa phương trình báo sự việc để giải quyết.
5. Căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự tội cưỡng đoạt tài sản:
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi luật sư. Em có một vấn đề mong các luật sư giúp đỡ em đó là em có anh trai có tiền án vào tù vì sử dụng ma túy năm 2012. Năm 2013 được ra tù, từ đó tới nay vẫn không hề thay đổi, tiếp tục sử dụng ma túy còn sợ hơn lúc chưa vào tù. Đã nhiều lần gia đình em theo sự tự nguyện của anh ấy cai nghiện tại nhà song không được, gia đình em cũng viết đơn trình báo với xã, công an xã, cũng đã gọi vào giáo dục,.
Nhưng sự việc không thay đổi đặc biệt càng trầm trọng hơn, anh ấy thường xuyên về nhà cưỡng chế hành hung bố mẹ, lấy dao de dọa chúng tôi để lấy tài sản trong gia đình đem đi sử dụng ma túy, mỗi ngày lấy tài sản ít nhất có giá tri từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng bán để sử dụng ma túy. Qua đây em kính mong văn phòng luật cho em một số kinh nghiệm để em tháo gỡ khó khăn cho gia đình của mình? Em xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Đối với người có hành vi sử dụng ma túy sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ bị xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp cai nghiện tại nơi cư trú hoặc tại cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Như bạn trình bày, anh trai bạn có hành vi thường xuyên về nhà cưỡng chế hành hung bố mẹ, lấy dao đe dọa gia đình bạn để lấy tài sản trong gia đình đem đi bán kiếm tiền sử dụng ma túy, thì anh bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015.
Để đảm bảo quyền lợi cho gia đình bạn, gia đình bạn có quyền làm đơn tố cáo tới Cơ quan công an cấp huyện nơi anh trai bạn đang sinh sống để giải quyết.