Tại sao phải sử dụng biện pháp cưỡng chế hành chính thuế? Cưỡng chế hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản?
Quản lý thuế là một hoạt động vô cùng quan trọng của nhà nước. Nó đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ thuế của các chủ thể trong xã hội được thực hiện đúng và đủ. Một trong các khía cạnh quan trọng của quản lý thuế đó chính là cưỡng chế hành chính thuế. Có nhiều biện pháp cưỡng chế hành chính thuế khác nhau, và cưỡng chế hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản là biện pháp được các cơ quan quản lý lựa chọn áp dụng đầu tiên. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp thông tin về biện pháp này.
Luật sư
* Cơ sở pháp lý:
– Luật Quản lý thuế năm 2019;
– Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
Mục lục bài viết
1. Tại sao phải sử dụng biện pháp cưỡng chế hành chính thuế?
Nợ là một thuật ngữ được dùng để nói đến một nghĩa vụ của một chủ thể (con nợ hay người mắc nợ) phải thực hiện hoặc sẽ phải thực hiện trong hiện tại hoặc trong tương lai đối với một chủ thể khác (chủ nợ), Khái niệm “nợ” chủ yếu được sử dụng để nói các nghĩa vụ tài sản mà một bên chủ thể phải thực hiện trong các giao dịch dân sự, thương mại như quan hệ vay, mượn tài sản, mua, bán,…
Nợ thuế nếu hiểu theo nghĩa rộng là nghĩa vụ tài chính phải thực hiện của tổ chức, cá nhân đối với nhà nước. Theo nghĩa hẹp, nợ thuế là số tiền màn người có nghĩa vụ nộp thuế phải nộp trong kỳ tính thuế mà đã quá thời hạn phải nộp thuế mà chưa nộp hoặc nộp còn thiếu số tiền thuế phải nộp trong kỳ tính thuế.
Như vậy, tổng kết chung thì có thể hiểu nợ thuế là những khoản tiền của thể nhân hoặc pháp nhân, thuộc đối tượng phải nộp thuế theo quy định của pháp luật, chưa hộp hoặc chưa nộp đủ vào Ngân sách Nhà nước sau khi đã hết hạn nộp thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp thuế.
Trong quá tình quản lý thuế, việc xảy ra nợ thuế là điều không thể tránh khỏi, đó có thể do pháp luật thuế cho phép người nộp thuế được nợ thuế trong những thời hạn nhất định, cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác, các nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, mà người nộp thuế chưa nộp số thuế phải nộp trong thời hạn quy định của pháp luật. Điều này đặt ra yêu cầu để đảm bảo thu đủ số tiền phải nộp của người nộp thuế vào ngân sách Nhà nước thì phải làm tốt công tác quản lý nợ thuế.
Cưỡng chế thuế là việc cơ quan quản lý thuế và các cơ quan bảo vệ pháp luật áp dụng các biện pháp buộc người nộp thuế phải thực hiện nghĩa vụ. Trong quá trình quản lý nợ thuế cũng có thể xảy ra trường hợp người nộp thuế cố tình không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Khi đó, cơ quan thuế sẽ ban hành các quyết định hành chính thuế yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Nếu người nộp thuế không tuân thủ các quyết định hành chính thuế này thì cần tổ chức cưỡng chế thuế, buộc người nộp thuế thi hành các quyết định hành chính thuế theo quy định của pháp luật.
2. Cưỡng chế hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản:
Cưỡng chế hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản là một trong các biện pháp cưỡng chế hành chính thuế được cơ quan nhà nước, chủ thể có thẩm quyền áp dụng. Đây là biện pháp áp dụng đối với đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế có tiền gửi trong tài khoản. Các tài khoản này có thể tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng,… (Khoản 1 Điều 31 Nghị định 126/2020/NĐ- CP).
2.1. Đối tượng áp dụng biện pháp cưỡng chế:
Đối tượng áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản được quy định tại Khoản 1 của Nghị định 126/2020/NĐ- CP. Các đối tượng bị áp dụng biện pháp này bao gồm:
– Người nộp thuế thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 124 Luật Quản lý thuế(điểm a), bao gồm:
+ Người nộp thuế có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định.
+ Người nộp thuế có tiền thuế nợ khi hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế.
+ Người nộp thuế có tiền thuế nợ có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.
+ Người nộp thuế không chấp hành
Đây là những trường hợp người nộp thuế vi phạm nghĩa vụ nộp thuế. Bao gồm những trường hợp không nộp thuế khi đã quá thời hạn nộp rất lâu (quá 90 ngày) hay quá thời hạn gia hạn; hoặc người nộp thuế trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế bằng cách phát tán tài sản, bỏ trốn; không chấp hành quyết định xử phạt. Có thể thấy rằng, trong những trường hợp này, người nộp thuế biết mình có nghĩa vụ phải nộp thuế, nộp vi phạm đối với nhà nước, biết được việc mình không thực hiện (hoặc không thực hiện đúng nghĩa vụ) là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ đó. Do đó, cần thiết phải cưỡng chế đối với những đối tượng này.
– Chủ thể thứ hai bị áp dụng biện pháp cưỡng chế này là tổ chức tín dụng, khi mà tổ chức tín dụng không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế. Việc áp dụng biện pháp này cũng tương tự như đối với các thể nhân vi phạm mà không chấp hành quyết định xử phạt. Tổ chức tín dụng chắc chắn có tài khoản tại Kho bạc, hoặc ngân hàng thương mại,… nên việc cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản là hoàn toàn hợp lý.
– Thứ ba là “Tổ chức bảo lãnh nộp tiền thuế cho người nộp thuế: Quá thời hạn quy định 90 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp tiền thuế nợ theo văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý thuế mà người nộp thuế chưa nộp đủ vào ngân sách nhà nước thì bên bảo lãnh bị cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế.” (điểm c). Quy định này xuất phát từ quan hệ bảo lãnh giữa bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh. Về nguyên tắc, bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không có, không đủ khả năng để thực hiện đúng nghĩa vụ. Trong trường hợp này, bên được bảo lãnh nộp thuế không thực hiện đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh sẽ phải thực hiện thay, nếu không tự giác thực hiện sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.
– Thứ tư là kho bạc nhà nước không thực hiện việc trích chuyển từ tài khoản củ người nộp thuế bị cưỡng chế mở tại kho bạc nhà nước để nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cơ quan thuế (điểm d). Quy định này thể hiện rằng việc Kho bạc nhà nước cấp huyện, cấp tỉnh không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình thì cũng sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.
– Tổ chức, cá nhân có liên quan không chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế của cơ quan có thẩm quyền (điểm đ). Quy định này áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức không phải là người nộp thuế, cũng không bảo là người bảo lãnh, kho bạc nhưng đó lại là những chủ thể bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế mà không nghiêm túc chấp hành thì cũng sẽ bị áp dụng biện pháp này.
Tuy nhiên, những chủ thể là chủ dư án ODA, chủ tài khoản nguồn vốn ODA và vay ưu đãi tại kho bạc, tổ chức tín dụng là tổ chức, cá nhân có liên quan không chấp hành các quyết định xử phạt sẽ không bị áp dụng biện pháp này.
2.2. Căn cứ ban hành quyết định cưỡng chế:
Tại Khoản 2 Điều 31 của Nghị định 126/2020/NĐ- CP quy định căn cứ ban hành quyết định cưỡng chế như sau:
“2. Căn cứ ban hành quyết định cưỡng chế là một trong các thông tin sau đây:
a) Thông tin về tài khoản của người nộp thuế tại cơ sở dữ liệu quản lý thuế hoặc dữ liệu của tổ chức, cá nhân có liên quan.
b) Thông tin về số tài khoản, số tiền hiện có trong tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế do kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng cung cấp theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế trong trường hợp cơ sở dữ liệu tại cơ quan quản lý thuế không đầy đủ.
Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật những thông tin về tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế.”
Có một trong hai loại thông tin trên là cơ quan thuế có thể ban hành quyết định cưỡng chế, bởi lẽ khi biết được thông tin về tài khoản, cơ quan quản lý thuế có thể biết được người nộp thuế có khả năng nộp thuế hay không, nếu có khả năng thì cơ quan sẽ thực hiện cưỡng chế trích tiền trực tiếp từ tài khoản của người có nghĩa vụ chuyển vào ngân sách nhà nước.
Một nghĩa vụ quan trọng của cơ quan quản lý ở đây đó chính là bảo mật thông tin về tài khoản của người bị cưỡng chế. Điều này là vô cùng cần thiết, tránh trường hợp để lộ thông tin, bị ăn cắp tài khoản, tiền trong tài khoản, thông tin cá nhân của người bị cưỡng chế.
2.3. Quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản:
Quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản được áp dụng theo mẫu Mẫu số 01/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ- CP. Quyết định cần phải đáp ứng những thông tin cơ bản được quy định tại Khoản 3 Điều 31 của Nghị định 126/2020/NĐ- CP.
Chủ thể có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản là Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh. Những chủ thể ban hành quyết định cưỡng chế đối với các quyết định hành chính mà chính họ đã ban hành.
Quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản phải đảm bảo việc ban hành tại đúng thời điểm quy định tại điểm b, Khoản 3 Điều 31 của Nghị định 126/2020/NĐ- CP. Các quyết định này sẽ được gửi cho người bị cưỡng chế, nơi người bị cưỡng chế có tài khoản.