Theo pháp luật hình sự Việt Nam, tù chung thân cũng được xếp vào loại hình phạt chính và được coi là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc đối với người phạm tội, chỉ sau tử hình. Vì thế, cuộc sống của những người tù chung thân trong trại giam cũng được nhiều người quan tâm.
Mục lục bài viết
1. Cuộc sống của những người tù chung thân:
1.1. Những hoạt động trong trại giam của phạm nhân tù chung thân:
Hoạt động của các phạm nhân bị kết án tù chung thân trong trại giam đã được pháp luật quy định một cách cụ thể. Đây được xem là một trong những bằng chứng để chứng minh cho quá trình cải tạo tốt của người tù chung thân. Nếu cải tạo tốt thì người chịu mức án tù chung thân có thể được giảm án xuống thành tù có thời hạn. Hiện nay căn cứ theo quy định tại Điều 1 của Thông tư 17/2020/TT-BCA ngày 18/2/2020 của Bộ Công an ban hành về nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, có ghi nhận, phạm nhân phải thực hiện đúng quy định về thời gian, thực hiện đúng quy định về hiệu lệnh, lễ tiết trong quá trình sinh hoạt và học tập, trong quá trình lao động và nghỉ ngơi, hoạt động văn hóa văn nghệ và thể dục thể thao, vui chơi giải trí trong phạm vi trại giam, phạm nhân phải có ý thức chấp hành đầy đủ và nghiêm chỉnh sự quản lý, kiểm tra và kiểm soát, trong quá trình điểm danh và kiểm diện hằng ngày theo quy định của pháp luật và nội quy của trại giam. Ngoài ra căn cứ theo quy định tại Điều 31 của Luật thi hành án hình sự năm 2019 thì:
– Phạm nhân được phổ biến pháp luật và giáo dục công dân, phạm nhân được học văn hóa và học nghề;
– Phạm nhân chưa biết chữ sẽ phải được học văn hóa để xóa mù chữ theo quy định của pháp luật;
– Phạm nhân là người nước ngoài sẽ được khuyến khích học tiếng Việt. Ngoài ra thì phạm nhân sẽ được bố trí 01 ngày trong tuần để tiến hành các hoạt động học tập và học nghề, trừ các ngày chủ nhật và lễ tết theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể nói, đời sống trong trại giam của người bị kết án tù chung thân có rất nhiều hoạt động đa dạng, bao gồm lao động và học văn hóa, các hoạt động học nghề và nghỉ ngơi, thể dục thể thao …
1.2. Chế độ lao động của phạm nhân tù chung thân:
Theo như phân tích ở trên thì việc tổ chức lao động cho phạm nhân được xem là biện pháp quản lý hiệu quả nhất, vừa mang tính giáo dục cải tạo vừa mang tính dạy nghề hoàn thiện tư cách đạo đức của phạm nhân, cải thiện chế độ ăn cũng như tạo thêm thu nhập cho phạm nhân, giúp cho họ tự tin hơn khi chấp hành án phạt tù, chứng minh sự cải tạo tốt của họ để được chuyển hóa từ hình phạt tù chung thân sang tù có thời hạn. Căn cứ theo quy định tại Điều 32 của Luật thi hành án hình sự năm 2019 đã quy định cụ thể về chế độ lao động của phạm nhân, trong đó có phạm nhân chịu án tù chung thân, cụ thể như sau:
– Được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi và sức khỏe, lao động đáp ứng với yêu cầu quản lý và giáo dục cũng như hòa nhập cộng đồng của các chủ thể, phạm nhân khi lao động phải được đặt dưới sự giám sát và quản lý của trại giam;
– Thời giờ lao động của phạm nhân cũng cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, tức là không quá 8 giờ trong ngày, và 5 ngày trong 1 tuần. những ngày này sẽ không tính các ngày nghỉ lễ vào chủ nhật. Tức là phạm nhân cũng sẽ được nghỉ ngày chủ nhật và nghỉ lễ tết theo quy định của pháp luật. Nếu trong trường hợp đột xuất hoặc theo thời vụ thì giám thị trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ tuy nhiên không được vượt quá tổng số giờ làm thêm trong ngày theo quy định của pháp luật về lao động. Mọi hành vi vi phạm của giám thị trại giam đều có thể bị xử lý tùy theo mức độ hậu quả xảy ra trên thực tế. Nếu như phạm nhân lao động thêm giờ hoặc lao động trong ngày nghỉ thì sẽ được nghỉ bù hoặc được bồi dưỡng bằng tiền và hiện vật sao cho tương xứng với sức lao động của họ;
– Trại giam nơi quản lý phạm nhân phải áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn và vệ sinh lao động cho phạm nhân. Bên cạnh đó thì đối với phạm nhân nữ sẽ được bố trí làm các công việc phù hợp với giới tính và sức khỏe, trại giam cũng không được bố trí làm các công việc không sử dụng lao động nữ theo quy định của pháp luật về lao động. Đồng thời thì những phạm nhân bị bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất và tinh thần, tùy thuộc vào mức độ và tính chất của bệnh tình theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh sẽ được miễn hoặc giảm thời giờ lao động;
– Bên cạnh đó thì phạm nhân nói chung và người tù chung thân nói riêng sẽ được nghỉ lao động khi rơi vào các trường hợp sau: Bị bệnh hoặc không đủ sức khỏe để lao động trên thực tế và được cơ sở ý tế xác nhận, đang điều trị tại cơ sở ý tế trại giam, có con dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ trong trại giam và bị bệnh và được cơ sở y tế khám chữa bệnh xác nhận.
2. Phạm nhân tù chung thân làm việc có được trả lương không?
Theo phân tích ở trên thì có thể thấy, khi phạm nhân chịu án tù chung thân sẽ được tổ chức lao động sao cho phù hợp với độ tuổi và sức khỏe đồng thời đáp ứng được yêu cầu về quản lý và giáo dục của trại giam. Căn cứ theo quy định tại Điều 34 của Luật thi hành án dân sự năm 2022 thì kết quả lao động của phạm nhân sau khi trừ đi các chi phí hợp lý sẽ được sử dụng như sau:
– Bổ sung mức ăn cho phạm nhân;
– Lập quỹ hòa nhập cộng đồng để chi hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù;
– Bổ sung vào quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam;
– Chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân, dùng vào mục đích nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù;
– Chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia lao động sản xuất và chi hỗ trợ cho phạm nhân bị tai nạn lao động.
Như vậy có thể nói, trong quá trình lao động thì phạm nhân vẫn sẽ được trả thù lao, phạm nhân có thể sử dụng số tiền lao động đó hoặc gửi trại giam quản lý giúp và được nhận lại sau khi có quyết định chuyển hóa hình phạt tử tù chung thân sang tù có thời hạn bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo điều luật nêu trên, thì phạm nhân được chi trả một phân công khi tham gia lao động và sẽ có tiền khi được khen thưởng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và phạm nhân được phép sử dụng số tiền này. Như vậy mặc dù đi tù là hình phạt cho những sai lầm mà phạm nhân đã gây ra nhưng để cho phạm nhân nhận ra và sửa chữa được những sai lầm đó cũng như tôn trọng công sức lao động thì pháp luật cũng có những chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho người lao động tham gia lao động trong trại giam và hưởng phần công lao do công sức lao động mà mình gây ra, hỗ trợ khi không may bị tai nạn lao động.
3. Phạm nhân tù chung thân có được ra tù không?
Trong quá trình các chủ thể bị kết án tù chung thân nhưng ăn năn hối cải về hành vì của mình và tích cực hướng thiện thì sẽ được nhà nước khoan hồng tạo điều kiện giảm án đề tái hoà nhập cộng đồng. Đối với người tù chung thân, sẽ được xét giảm hạn chấp hành án tù khi có nhiều tiến bộ, chấp hành tốt nội quy trong trại, tích cực học tập và lao động cải tạo, ngoài ra phải có ít nhất 04 năm liên tục liền kề thời điểm xét giảm thời hạn được xếp loại khá trở lên. bên cạnh đó căn cứ theo quy định tại Điều 63 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định:
– Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và nhận thấy có nhiều tiến bộ, các đối tượng này cũng đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt;
– Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 1/3 thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ và hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân;
– Một người có thể được giảm nhiều lần nhưng phải đảm bảo chấp hành được 1/2 mức hình phạt đã tuyên. Đối với người bị kết án tù chung thân thì lần đầu sẽ được giảm xuống 30 năm tù, và dù được làm nhiều lần nhưng phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm trên thực tế;
– Trong trường hợp người bị kết án về nhiều tội, trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án sẽ chỉ xem xét giảm xuống lần đầu 30 năm tù, sau khi đã chấp hành được 15 năm, mặc dù được giảm nhiều lần nhưng phải đảm bảo thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.
Do đó có thể nói, người tù chung thân không có nghĩa rằng phải ở trong tù suốt đời, nếu đáp ứng được các điều kiện thì vẫn sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Thi hành án hình sự năm 2019;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Thông tư 17/2020/TT-BCA, ngày 18/2/2020 của Bộ Công an ban hành về nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân.