Có rất nhiều các doanh nghiệp đang sản xuất và phát triển rất lớn mạnh, bên cạnh những doanh nghiệp lớn hay các khu công nghiệp lớn thì phải kể đến các cụm công nghiệp cũng đang phát triển mạnh mẽ từng ngày.
Mục lục bài viết
1. Cụm công nghiệp là gì?
Cụm công nghiệp là nơi sản xuất, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, được đầu tư xây dựng nhằm thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 68/2017/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 15/07/2017).
Cụm công nghiệp có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 10 ha. Riêng đối với cụm công nghiệp ở các huyện miền núi và cụm công nghiệp làng nghề có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 5 ha.
Qua khái niệm ta có thể thấy: Cụm công nghiệp có đặc điểm cơ bản là nơi sản xuất kinh doanh với quy mô vừa và nhỏ thực hiện các dịch vụ cho sản xuất của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở ranh giới địa lý xác định, tại đây không có khu người dân sinh sống và chịu sự quản lý của nhà nước chính quyền địa phương.
Cụm công nghiệp là một loại hình kinh doanh nhỏ lẻ của khu công nghiệp. Đây là một khu sản xuất kinh doanh nhỏ với chủ yếu là các nhà máy nhỏ lẻ với các nhà đầu tư góp vốn chung.
Lĩnh vực, ngành, nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp được pháp luật quy định:
– Các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm trong làng nghề, khu dân cư, đô thị và các cơ sở sản xuất khác cần di dời vào cụm công nghiệp
– Sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn
– Sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển do Chính phủ ban hành
– Sản xuất các sản phẩm tiêu dùng, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, lao động ở địa phương
– Các ngành, nghề, sản phẩm có thể mạnh của địa phương, vùng và các lĩnh vực, ngành, nghề khác phù hợp quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương
– Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.
Điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp
– Cần phải có chủ đầu tư để có thể xây dựng các cơ sở hạ tầng cho một cụm công nghiệp.
– Phải có khả năng sau 1 năm lấp đầy doanh nghiệp hơn 30% .
– Những người có tư cách pháp lý như hợp tác xã doanh nghiệp, có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Doanh nghiệp, hợp tác xã có tư cách pháp lý, có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật;
– Trong trường hợp địa bàn cấp huyện đã thành lập cụm công nghiệp thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các cụm công nghiệp nhỏ hơn 50 ha.
2. Nội dung quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp:
– Ban hành, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, pháp luật, cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn quy phạm kỹ thuật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
– Cấp, điều chỉnh, thu hồi các loại giấy phép, chứng nhận liên quan đến đầu tư, kinh doanh cụm công nghiệp; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu, hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công cộng, tiện ích về cụm công nghiệp.
– Tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
-Thanh tra, kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu tư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm và vấn đề phát sinh về cụm công nghiệp.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên cả nước; phân công trách nhiệm, quyền hạn cụ thể từng bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan liên quan; ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về cụm công nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trong từng giai đoạn do ngân sách trung ương đảm bảo; chỉ đạo xử lý, giải quyết các vi phạm, vấn đề vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ngoài phạm vi quyền hạn, trách nhiệm nêu tại Nghị định 68/2017/NĐ-CP thì còn có trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và quản lý theo lãnh thổ đối với cụm công nghiệp; kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; hướng dẫn, phân cấp hoặc ủy quyền cho Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này và của pháp luật liên quan.
3. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp:
Về quyền:
– Được sử dụng, gia hạn sử dụng đất theo quy định của
– Sử dụng có trả tiền các công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng và các dịch vụ khác theo quy định.
– Ứng vốn hoặc góp vốn để xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật theo thỏa thuận với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng.
– Được hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc tuyển dụng, đào tạo lao động phục vụ yêu cầu sản xuất, kinh doanh.
– Được hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các thủ tục đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.
– Hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này và của pháp luật.
Về nghĩa vụ:
– Sử dụng đất, triển khai dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng nội dung hợp đồng kinh tế với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nội dung Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có); trường hợp quá thời hạn quy định phải báo cáo chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cơ quan có thẩm quyền gia hạn theo quy định.
– Thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh, đầu tư, tài chính, kế toán, kiểm toán, thống kê, bảo hiểm, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ, an ninh trật tự, nộp các khoản tiền sử dụng hạ tầng, dịch vụ công cộng, tiện ích khác theo thỏa thuận.
– Tham gia tích cực vào việc thu hút lao động, giải quyết việc làm tại địa phương, ưu tiên lao động thuộc diện chính sách, hộ gia đình bị thu hồi đất để xây dựng cụm công nghiệp.
-Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
4. Trình tự thành lập, mở rộng cụm công nghiệp:
Doanh nghiệp, hợp tác xã có văn bản đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật có văn bản đề nghị kèm theo Báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Trong thời gian 5 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật lập 8 bộ hồ sơ thành lập, mở rộng cụm công nghiệp (trong đó ít nhất có 2 bộ hồ sơ gốc), gửi Sở Công Thương để chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thẩm định.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, Sở Công Thương hoàn thành thẩm định, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh việc thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.
Trường hợp hồ sơ, nội dung Báo cáo thành lập, mở rộng cụm công nghiệp không đáp ứng yêu cầu, Sở Công Thương có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Thời hạn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được 1 bộ hồ sơ thành lập, mở rộng cụm công nghiệp và báo cáo thẩm định của Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc không quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp. Quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp được gửi Bộ Công Thương 1 bản.
Trường hợp cụm công nghiệp thành lập, mở rộng có điều chỉnh diện tích lớn hơn 5 ha so với quy hoạch đã được thỏa thuận thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản thống nhất với Bộ Công Thương trước khi phê duyệt.
Một số đặc điểm của cụm công nghiệp:
- Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chung của cụm công nghiệp bao gồm hệ thống các công trình giao thông nội bộ, vỉa hè, cây xanh, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn, cấp điện, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc nội bộ, nhà điều hành, bảo vệ và các công trình khác phục vụ hoạt động của cụm công nghiệp.
- Tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; các cá nhân và hộ gia đình (đối với cụm công nghiệp làng nghề) có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Diện tích đất công nghiệp là diện tích đất của cụm công nghiệp có thể cho doanh nghiệp thuê, thuê lại để thực hiện sản xuất, kinh doanh, được xác định trong quy hoạch chi tiết do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Diện tích xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chung của cụm công nghiệp là phần diện tích đất của cụm công nghiệp dành cho xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chung, được xác định trong quy hoạch chi tiết do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Tỷ lệ lấp đầy của cụm công nghiệp là tỷ lệ % của diện tích đất công nghiệp đã cho các tổ chức, cá nhân thuê, thuê lại để sản xuất, kinh doanh trên tổng diện tích đất công nghiệp của cụm công nghiệp.
- Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp là hệ thống các mục tiêu, định hướng, giải pháp và các cơ chế chính sách phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh trong từng thời kỳ nhất định nhằm phân bố, phát triển mạng lưới các cụm công nghiệp hợp lý trên cơ sở sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên của địa phương.
Kết luận: Các khu cụm công nghiệp hình thành và phát triển tạo cơ hội và giải quyết vấn đề việc làm cho rất nhiều người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo tiền đề cho các khu công nghiệp phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó tăng tính cạnh tranh trên thị trường góp phần phát triển kinh tế nước nhà. Với rất nhiều các cụm công nghiệp vừa và nhỏ đang mọc lên rất nhiều giúp cho nước ta trở thành một nước công nghiệp hóa hiện đại hóa.