Trên thực tế, trong quá trình tham gia giao thông đường bộ, gặp không ít trường hợp cảnh sát giao thông thực hiện sai quy định của pháp luật. Vậy trong trách nhiệm và quyền hạn của mình, cảnh sát giao thông có được rút chìa khóa xe của người vi phạm hay không?
Mục lục bài viết
1. CSGT có được rút chìa khóa xe của người vi phạm không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, có quy định cụ thể về nhiệm vụ của cảnh sát giao thông trong quá trình tuần tra, kiểm soát. Cụ thể như sau:
– Tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, tuân thủ mệnh lệnh của chủ thể có thẩm quyền, kế hoạch kiểm tra và kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm;
– Tuần tra, kiểm soát, xử lý đối với các hành vi vi phạm, nhằm mục đích đảm bảo an ninh trật tự an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi đến đường, địa bàn đã được phân công;
– Phát hiện và ngăn ngừa kịp thời các hành vi vi phạm, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật;
– Phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về công trình đường bộ, hành lang an toàn giao thông đường bộ;
– Điều tra và giải quyết tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật;
– Trực tiếp phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng công an nhân dân, đấu tranh phòng chống tội phạm, đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến đường giao thông. Tham gia vào hoạt động phòng chống khủng bố, biểu tình gây rối trật tự công cộng, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, cứu hộ trên các tuyến đường giao thông đường bộ;
– Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự an toàn giao thông đường bộ, chấp hành đầy đủ pháp luật về giao thông đường bộ;
– Phát hiện các sai sót, bất cập, thiếu sót trong quá trình quản lý nhà nước về an ninh trật tự an toàn giao thông đường bộ, từ đó báo cáo và đưa ra đề xuất lên cơ quan có thẩm quyền, kiến nghị các biện pháp khắc phục kịp thời;
– Thực hiện các nhiệm vụ khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể nói, theo điều luật phân tích nêu trên, cảnh sát giao thông sẽ có trách nhiệm và nghĩa vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, trong trách nhiệm và quyền hạn của cảnh sát giao thông được quy định cụ thể tại Điều 7 của Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, pháp luật không có quy định về việc cảnh sát giao thông có quyền rút chìa khóa xe của người vi phạm giao thông.
Theo đó thì có thể nói, cảnh sát giao thông sẽ không được phép rút chìa khóa xe của người vi phạm giao thông trong quá trình tuần tra, xử phạt vi phạm hành chính.
2. Rút chìa khóa xe có được coi là biện pháp ngăn chặn không?
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Để có thể đưa ra kết luận về việc, hành vi rút chìa khóa xe của cảnh sát giao thông có được coi là biện pháp ngăn chặn hay không thì cần phải tìm hiểu quy định của pháp luật về các biện pháp ngăn chặn trong xử lý vi phạm hành chính. Căn cứ theo quy định tại Điều 119 của Văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022 có quy định về các biện pháp ngăn chặn. Theo đó, trong trường hợp cần thiết, nhằm mục đích ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm hành chính, hoặc nhằm mục đích để đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính có thể diễn ra hiệu quả, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp sau đây theo thủ tục hành chính:
– Tạm giữ người;
– Tạm giữ tang vật, tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính, tạm giữ giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề;
– Áp giải người có hành vi vi phạm hành chính;
– Khám người đối với người có hành vi vi phạm hành chính;
– Khám các phương tiện vận tải, đồ vật đối với các phương tiện thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
– Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
– Quản lý đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian thực hiện thủ tục trục suất người nước ngoài đối với nước;
– Giao cho các gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính trong thời gian thực hiện thủ tục áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người đó;
– Truy tìm đối tượng cần phải chấp hành quyết định đưa vào các cơ sở giáo dục, các trường giáo dưỡng bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp các đối tượng đó bỏ trốn.
Như vậy có thể nói, trên đây là toàn bộ các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên trong các biện pháp đó, không có hành vi “rút chìa khóa xe”. Theo đó, rút chìa khóa xe của người vi phạm không thuộc trách nhiệm và quyền hạn của cảnh sát giao thông, đồng thời đây cũng không được coi là biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Vì vậy có thể nói, cảnh sát giao thông hoàn toàn không có quyền rút chìa khóa xe của người có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ. Trong trường hợp cảnh sát giao thông thực hiện hành vi rút chìa khóa xe, người vi phạm cần phải nhận biết đó là hành vi không thuộc quyền hạn của cảnh sát giao thông. Người vi phạm trong trường hợp này có thể khiếu nại đối với hành vi đó của cảnh sát giao thông.
3. Cần phải làm gì khi bị CSGT rút chìa khóa xe?
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Văn bản hợp nhất luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022 có quy định về vấn đề khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong quá trình xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể như sau:
– Các cá nhân và tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính hoàn toàn có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định hành chính theo quy định của pháp luật;
– Các cá nhân cũng có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của chủ thể có thẩm quyền trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
– Trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện, nếu nhận thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, bị khởi kiện có thể sẽ gây ra hậu quả khó khăn trên thực tế, thì người giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết đơn khởi kiện cần phải ra quyết định tạm đình chỉ quá trình thi hành đối với các quyết định đó theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể nói, khi bị cảnh sát giao thông rút chìa khóa xe, người dân hoàn toàn có quyền khiếu nại về hành vi đó của cảnh sát giao thông. Người dân có thể nộp đơn khiếu nại lên Trưởng cơ quan nơi cảnh sát đó công tác. Có thể thực hiện theo nhiều hình thức khiếu nại khác nhau. Khiếu nại có thể được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp. Cụ thể như sau:
– Trong trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại, đơn khiếu nại đó cần phải được lập phù hợp với quy định của pháp luật. Trong đơn khiếu nại cần phải phản ánh một số nội dung cơ bản như: Ghi rõ ngày tháng năm thực hiện thủ tục khiếu nại, tên của người khiếu nại, địa chỉ của người khiếu nại, tên của người bị khiếu nại, địa chỉ của người bị khiếu nại, địa chỉ của các cơ quan hoặc tổ chức bị khiếu nại, nội dung khiếu nại, lý do khiếu nại, các loại giấy tờ và tài liệu có liên quan đến nội dung khiếu nại, yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại cần phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ;
– Trong trường hợp người khiếu nại đến trực tiếp khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền, thì người tiếp nhận khiếu nại cần phải hướng dẫn cho người đó viết đơn khiếu nại, hoặc người tiếp nhận xét trực tiếp ghi lại vụ việc khiếu nại bằng văn bản, sau đó yêu cầu người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản đó để xác nhận, trong nội dung văn bản cũng cần phải bao gồm các nội dung như trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 20/VBHN-VPQH 2022 Luật xử lý vi phạm hành chính;
– Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.