Trên thực tế, rất nhiều người dân nghĩ rằng chỉ khi nào mình tham gia giao thông có hành vi vi phạm thì mới bị yêu cầu dừng xe để kiểm tra và xử lý. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, cảnh sát giao thông vẫn có quyền được yêu cầu dừng xe kể cả khi người tham gia giao thông không có hành vi vi phạm nào.
Mục lục bài viết
1. CSGT có được dừng xe dù không vi phạm gì không?
Căn cứ khoản 1 Điều 16 Thông tư số 32/2023/TT-BCA quy định nếu cảnh sát giao thông trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật khác thì được phép dừng xe của người tham gia giao thông để kiểm tra và xử lý. Hoặc trong trường hợp cảnh sát giao thông nhận được tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện.
Tuy nhiên, bên cạnh việc người tham giao thông có hành vi vi phạm thì cảnh sát giao thông cũng được quyền yêu cầu dừng xe trong các trường hợp sau:
– Cảnh sát giao thông thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội hay kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội đã được ban hành.
– Cảnh sát giao thông thực hiện trên cơ sở có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng về dừng phương tiện để bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các vi phạm khác.
Như vậy, theo quy định trên thì cảnh sát giao thông vẫn được yêu cầu dừng xe khi người tham gia giao thông không có vi phạm pháp luật về giao thông.
Lưu ý là cảnh sát giao thông được yêu cầu dừng xe để kiểm tra dù người tham gia giao thông không có lỗi nhưng nếu muốn xử phạt thì phải chứng minh được lỗi vi phạm của người tham gia giao thông
Khi dừng xe của người tham gia giao thông, cảnh sát giao thông sẽ được kiểm tra các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông; kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện; kiểm soát việc chấp hành quy định về an toàn vận tải và kiểm soát các nội dung khác có liên quan theo quy định.
2. Các yêu cầu trong hoạt động dừng, kiểm soát phương tiện giao thông:
Căn cứ khoản 2 Điều 16 Thông tư số 32/2023/TT-BCA quy định việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông phải đảm bảo điều kiện sau:
– Đảm bảo an toàn, đúng quy định pháp luật và tuyệt đối không được gây cản trở đến hoạt động giao thông.
– Phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) khi đã dừng phương tiện giao thông.
Trong trường hợp dừng, kiểm soát phương tiện giao thông tại một điểm trên đường giao thông, các yêu cầu tại Trạm cảnh sát giao thông được đặt ra như sau:
– Ở phần đường, làn đường sát lề đường hoặc vỉa hè phải có rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng dọc theo chiều đường để hình thành khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định.
– Tại các khu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông: tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Đảm bảo các yếu tố: diện tích đủ để lắp đặt các phương tiện, thiết bị nghiệp vụ; bố trí cán bộ cảnh sát giao thông để hướng dẫn, điều hòa giao thông.
Trong trường hợp dừng, kiểm soát phương tiện giao thông trên đường cao tốc thì phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
– Chỉ được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm khi kiểm soát tại một điểm ở các vị trí sau: Khu vực Trạm thu phí, điểm đầu, điểm cuối đường cao tốc.
– Chỉ được dừng phương tiện giao thông vào làn dừng phương tiện khẩn cấp để kiểm soát, xử lý vi phạm trong khi tuần tra, kiểm soát cơ động trong trường hợp:
+ Phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông tức thời.
+ Phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm.
+ Phòng, chống thiên tai, cháy nổ.
+ Cứu nạn, cứu hộ; tin báo, tố giác, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường cao tốc.
+ Phát hiện phương tiện giao thông dừng, đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc.
– Lưu ý là phải đặt các biển báo số 245a “Đi chậm” hoặc biển báo số 245b về phía trước Tổ Cảnh sát giao thông theo hướng phương tiện giao thông cần kiểm soát đi tới.
3. Khi yêu cầu người vi phạm dừng xe không được, cảnh sát giao thông có được đuổi theo?
Căn cứ Điều 87 Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH 2019 Luật giao thông đường bộ quy định về việc tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ bao gồm:
– Theo quy định, cảnh sát giao thông đường bộ sẽ tiến hành tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
– Khi phát hiện có hành vi vi phạm, cảnh sát giao thông được quyền xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
– Phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.
Chi tiết về quyền hạn của cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát được quy định tại Điều 8 Thông tư số 65/2020/TT-BCA, bao gồm:
– Trên cơ sở quy định của Luật giao thông đường bộ sẽ được quyền dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
– Được quyền kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật.
– Được quyền kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.
– Đối với các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác sẽ được quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý.
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, các nhân khác phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện khi rơi vào trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra.
– Khi có tình huống ách tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác với mục đích để bảo đảm an ninh sẽ được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông.
– Được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Theo các quy định trên, được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Do đó, thực tế Cảnh sát giao thông có quyền rượt đuổi người vi phạm quy định về an toàn giao thông nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật như đảm bảo an toàn, không làm cản trở đến hoạt động giao thông chung,…
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH 2019 Luật giao thông đường bộ.
Thông tư số 32/2023/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông.
THAM KHẢO THÊM: