Công văn 978/BYT-BH được Bộ Y tế ban hành ngày 25/02/2016 nhằm hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Thông tư 40/2015/TT-BYT về quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Mục lục bài viết
- 1 1. Tóm tắt nội dung Công văn 978/BYT-BH ngày 25/02/2016:
- 2 2. Thuộc tính văn bản Công văn 978/BYT-BH ngày 25/02/2016:
- 3 3. Công văn 978/BYT-BH ngày 25/02/2016 có còn hiệu lực không?
- 4 4. Các văn bản có liên quan đến Công văn 978/BYT-BH ngày 25/02/2016:
- 5 5. Toàn văn nội dung Công văn 978/BYT-BH ngày 25/02/2016 của Bộ Y tế:
1. Tóm tắt nội dung Công văn 978/BYT-BH ngày 25/02/2016:
Mục đích của Công văn:
- Làm rõ các quy định: Công văn này nhằm giải đáp các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai
Thông tư 40/2015/TT-BYT . - Hướng dẫn thực hiện: Cung cấp hướng dẫn chi tiết cho các cơ sở y tế, bảo hiểm y tế và người dân trong việc thực hiện các quy định về đăng ký và chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
- Đảm bảo quyền lợi người bệnh: Đảm bảo người bệnh được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế một cách đầy đủ và thuận tiện.
Nội dung chính của Công văn:
- Hướng dẫn về tuyến của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Công văn này xác định rõ tuyến của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để người bệnh lựa chọn phù hợp.
- Quy trình đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu: Công văn hướng dẫn chi tiết quy trình đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại các cơ sở y tế.
- Quy trình chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh: Công văn hướng dẫn quy trình chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi bệnh nhân cần được điều trị ở tuyến cao hơn.
- Giải quyết các vấn đề phát sinh: Công văn cũng đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Ý nghĩa của Công văn:
- Tạo sự thống nhất trong thực hiện: Công văn giúp các cơ sở y tế, bảo hiểm y tế thực hiện thống nhất các quy định về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ: Việc thực hiện đúng quy định sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
- Bảo vệ quyền lợi người bệnh: Người bệnh sẽ được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế một cách đầy đủ và thuận tiện hơn.
Tóm lại: Công văn 978/BYT-BH được Bộ Y tế ban hành ngày 25/02/2016 nhằm hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Thông tư 40/2015/TT-BYT về quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
2. Thuộc tính văn bản Công văn 978/BYT-BH ngày 25/02/2016:
Số hiệu: | 978/BYT-BH |
Nơi ban hành: | Bộ Y tế |
Ngày ban hành: | 25/02/2016 |
Người ký: | Nguyễn Thị Xuyên |
Loại văn bản: | Công văn |
Ngày hiệu lực: | 25/02/2016 |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
3. Công văn 978/BYT-BH ngày 25/02/2016 có còn hiệu lực không?
Công văn 978/BYT-BH được Bộ Y tế ban hành ngày 25/02/2016, có hiệu lực từ ngày 25/02/2016. Hiện văn bản vẫn đang có hiệu lực thi hành.
4. Các văn bản có liên quan đến Công văn 978/BYT-BH ngày 25/02/2016:
Công văn 511/BHXH-CSYT năm 2016 chuẩn bị triển khai Thông tư liên tịch 37/2015/TTTT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
Công văn 10426/BYT-KCB năm 2015 về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, chuyển tuyến trong khám, chữa bệnh và đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu do Bộ Y tế ban hành
Công văn 2991/BHXH-NVGĐ1 năm 2015 về nội dung đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ ngày 01/01/2016 do Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội ban hành
Thông tư 40/2015/TT-BYT quy định đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
5. Toàn văn nội dung Công văn 978/BYT-BH ngày 25/02/2016 của Bộ Y tế:
BỘ Y TẾ ——- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 978/BYT-BH V/v hướng dẫn triển khai việc thực hiện | Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2016 |
Kính gửi:
– Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế;
– Y tế các Bộ, Ngành.
Để thống nhất thực hiện Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (sau đây viết tắt là Thông tư 40/2015/TT-BYT) và đảm bảo quyền lợi đối với người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khi khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế hướng dẫn triển khai việc thực hiện Thông tư 40/2015/TT-BYT về tuyến của một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng Giấy hẹn khám lại như sau:
I. Về tuyến của một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Áp dụng quy định tại Thông tư 40/2015/TT-BYT, căn cứ thực tế tình hình tổ chức hệ thống các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và đề nghị của Cục Quân y, Bộ Quốc phòng tại Công văn số 93/QY-ĐT ngày 13/01/2016, Bộ Y tế hướng dẫn về tuyến của một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT như sau:
1. Phòng chẩn trị y học cổ truyền là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tương đương với “Phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân độc lập” quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư 40/2015/TT-BYT là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã và tương đương.
2. Nhà hộ sinh, Nhà hộ sinh khu vực, Phòng khám chuyên khoa tư nhân là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tương đương với “Phòng khám đa khoa; Phòng khám đa khoa khu vực” quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư 40/2015/TT-BYT là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện và tương đương.
3. Bệnh viện chuyên khoa tư nhân tương đương hạng III, tương đương hạng IV hoặc chưa xếp hạng tương đương là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tương đương với “Bệnh viện đa khoa tư nhân tương đương hạng III, tương đương hạng IV hoặc chưa được xếp hạng tương đương” quy định tại Khoản 5 Điều 4 Thông tư 40/2015/TT-BYT là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện và tương đương.
4. Bệnh viện chuyên khoa tư nhân tương đương hạng I, tương đương hạng II là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tương đương với “Bệnh viện đa khoa tư nhân tương đương hạng I, tương đương hạng II” quy định tại Khoản 5 Điều 5 Thông tư số 40/2015/TT-BYT là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh và tương đương.
5. Bệnh viện chuyên khoa và Trung tâm chuyên khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (không có Phòng khám đa khoa) là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tương đương với “Bệnh viện chuyên khoa, Viện chuyên khoa, Trung tâm chuyên khoa, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Phòng khám đa khoa” quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư 40/2015/TT-BYT là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh và tương đương.
6. Bệnh viện chuyên khoa và Viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế (không có Phòng khám đa khoa) là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tương đương với “Bệnh viện chuyên khoa, Viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế có Phòng khám đa khoa” quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 40/2015/TT-BYT là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trung ương và tương đương.
7. Bệnh viện hạng I thuộc các Quân khu, Quân đoàn thuộc Bộ Quốc phòng là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh và tương đương.
8. Đối với Bệnh viện đa khoa khu vực trên địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: Tuyến của bệnh viện này được xác định theo Quyết định của Ủy ban nhân dân hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
II. Về sử dụng Giấy hẹn khám lại
Để đảm bảo việc sử dụng Giấy hẹn khám lại theo quy định của pháp luật, đồng thời phù hợp với thực tế, giảm phiền hà cho người bệnh có thẻ BHYT, thuận lợi cho hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời kiểm soát hiệu quả việc sử dụng quỹ BHYT, tránh lạm dụng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bệnh viện và viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các Bộ, Ngành chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện như sau:
1. Thống nhất thực hiện theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 28 Luật BHYT quy định “Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia BHYT phải có Giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Phổ biến đầy đủ nội dung Thông tư 40/2015/TT-BYT, bảo đảm tất cả công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiểu đầy đủ và chính xác thông tin được ghi trong giấy hẹn khám lại.
2. Thực hiện việc hẹn khám lại phù hợp với yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh; không lạm dụng, gây phiền hà cho người bệnh trong việc hẹn khám lại, đặc biệt là các trường hợp đã xác định rõ tuyến trước đã thực hiện được việc khám bệnh, chữa bệnh.
3. Về tổ chức thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
a) Để giảm thiểu thủ tục hành chính và thời gian chờ đợi của người bệnh, căn cứ vào quy mô hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Giám đốc bệnh viện có thể ủy quyền hoặc giao cho lãnh đạo các khoa, phòng chức năng đại diện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc ký và đóng dấu trên Giấy hẹn khám lại;
b) Giảm thiểu các trường hợp phải sử dụng Giấy hẹn khám lại như trường hợp người bệnh là người đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó, người bệnh đã có Giấy chuyển tuyến có giá trị đến hết năm dương lịch theo quy định tại Thông tư 40/2015/TT-BYT;
c) Đối với bệnh nhân nội trú, khi cấp Giấy ra viện, nếu cần khám lại thì cấp đồng thời Giấy hẹn khám lại;
d) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Đồng thời bố trí khu vực thực hiện các thủ tục hành chính phù hợp, thuận lợi cho người bệnh và chỉ đạo các khoa, phòng liên quan phối hợp với cán bộ giám định BHYT tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hướng dẫn, tổ chức thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị Sở Y tế, Bệnh viện và Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các Bộ, Ngành, các cơ quan, tổ chức báo cáo về Bộ Y tế (Vụ Bảo hiểm y tế) để xem xét, giải quyết./..
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Xuyên