Hợp tác quốc tế giữa các nước là xu thế mang tính tất yếu khách quan và công cụ pháp lý điều chỉnh có hiệu quả nhất quá trình hợp tác đó chính là điều ước quốc tế. Bài viết này sẽ tìm hiểu về Công ước Viên - một trong những điều ước quốc tế quan trọng và phổ biến nhất.
Mục lục bài viết
1. Công ước Viên là gì?
Công ước Viên (Vienna) là điều ước quốc tế mà các quốc gia, các chủ thể khác của luật quốc tế thỏa thuận ký kết với nhau về những vấn đề như điều ước quốc tế, mua bán hàng hóa quốc tế, ngoại giao, lãnh sự,… trong quá trình hợp tác phát triển của mình.
Công ước Viên trong tiếng Anh là “Vienna conventions”.
2. Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969:
2.1. Khái niệm:
Sự ra đời của Công ước Viên năm 1969 và Công ước Viên năm 1986 về luật điều ước quốc tế đã đặt nền móng, cơ sở xây dựng những quy phạm pháp luật liên quan đến quá trình ký kết, gia nhập thực hiện điều ước quốc tế thống nhất trên phạm vi toàn cầu.
Công ước Viên 1969 (Luật Điều ước quốc tế) là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật quốc tế bao gồm tổng thể các nguyên tắc và các quy phạm pháp luật quốc tế, điều chỉnh quan hệ ký kết và thực hiện điều ước quốc tế giữa các chủ thể luật quốc tế với nhau.
2.2. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh:
– Đối tượng điều chỉnh: bao gồm các quan hệ phát sinh trong hoạt động của các chủ thể luật quốc tế tham gia vào quá trình ký kết, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế.
– Phạm vi điều chỉnh: chỉ điều chỉnh hoạt động ký kết điều ước quốc tế giữa các quốc gia với nhau và giữa các quốc gia với các tổ chức quốc tế liên chính phủ hoặc giữa các tổ chức quốc tế liên chính phủ với nhau.
2.3. Các nguyên tắc:
Nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng trong quá trình ký kết điều ước quốc tế.
Một điều ước quốc tế được ký kết không trên cơ sở tự nguyện bình đẳng là hành động vi phạm pháp luật quốc tế, đi ngược lại với bản chất của điều ước quốc tế là sự thỏa thuận, thống nhất về mặt ý chí giữa các bên tham gia. Điều 52 Công ước Viên năm 1969 về luật điều ước quốc tế quy định: “Mọi điều ước mà việc ký kết đạt được bằng việc đe dọa hay sử dụng vũ lực trái với những nguyên tắc của pháp luật quốc tế… đều vô hiệu”.
Bên cạnh đó, việc ký kết điều ước quốc tế phải trên cơ sở bình đẳng, tức không phân biệt chế độ kinh tế giàu hay nghèo, mạnh hay yếu, không phân biệt chính trị, phải bình đẳng như nhau trong đàm phán, ký kết điều ước quốc tế.
Nguyên tắc điều ước quốc tế phải có nội dung phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế.
Một điều ước quốc tế chỉ được coi là nguồn của luật quốc tế khi nội dung điều ước quốc tế đó không được phép đi trái với các nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế hiện đại. Nếu một điều ước quốc tế có nội dung vi phạm một trong những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế thì điều ước quốc tế đó đương nhiên vô hiệu. Việc không thực hiện các cam kết quốc tế đó sẽ không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật quốc tế.
Nguyên tắc “Pacta sunt servanda”.
Tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế nói chung và luật điều ước quốc tế nói riêng. Theo tinh thần nguyên tắc, khi một điều ước quốc tế đã được ký kết phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, việc tận tâm thực hiện các cam kết đã thỏa thuận là một nghĩa vụ bắt buộc đối với các bên tham gia điều ước.
2.4. Chủ thể:
Các quốc gia: quốc gia là chủ thể cơ bản của luật quốc tế và việc tham gia ký kết điều ước quốc tế là một hoạt động sinh hoạt quốc tế quan trọng của quốc gia. Trong những trường hợp đặc biệt, quốc gia có thể ủy quyền cho quốc gia khác hay một tổ chức quốc tế khác thực hiện thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế thay mình.
Các tổ chức quốc tế liên chính phủ: đây là chủ thể đặc biệt của luật quốc tế. Tổ chức quốc tế có thể ký kết các điều ước quốc tế với các quốc gia, kể cả với quốc gia trong và ngoài thành viên tổ chức đó.
Các thực thể khác của luật quốc tế: dù Công ước Viên năm 1969 và Công ước Viên năm 1986 về luật điều ước quốc tế không đề cập các thực thể như các dân tộc đang đấu tranh nhằm thực hiện quyền tự quyết dân tộc, các vùng lãnh thổ như Hồng Kông, Ma Cao, Tòa thánh Vaticăng,… nhưng thực tế, các thực thể này cũng tham gia rộng rãi và tích cực vào nhiều mặt của đời sống quốc tế, kể cả ký kết các điều ước.
3. Các chế định pháp lý cơ bản của Công ước viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969:
Chế định ký kết điều ước quốc tế
– Thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế:
Theo Điều 6 Công ước Viên năm 1969: “Mọi quốc gia đều có tư cách để ký kết các điều ước”. Chính vì vậy, không ai có thể phù nhận hay tước bỏ quyền này của quốc gia trong sinh hoạt quốc tế. Vấn đề đặt ra là ai sẽ là người đại diện quốc gia để tham gia đàm phán, ký kết điều ước quốc tế. Theo Điều 7 Công ước Viên 1969 thì:
“Một người được coi là đại diện cho một quốc gia để thông qua hoặc để xác thực văn bản của một điều ước hay để tỏ sự đồng ý của quốc gia chịu sự ràng buộc của điều ước:
+ Nếu người đó xuất trình thư ủy quyền thích hợp; hoặc
+ Nếu chiểu theo thực tiễn của các quốc gia hữu quan hoặc theo những hoàn cảnh khác, những quốc gia này có ý định coi người đó là đại diện của quốc gia mình nhằm đạt được những mục đích nêu trên và không đòi hỏi phải xuất trình thư ủy quyền.”
Những cá nhân được xem là đại diện đương nhiên của quốc gia và không cần thư ủy nhiệm bao gồm:
+ Các Nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;
+ Các Trường đoàn ngoại giao trong việc thông qua văn bản của một điều ước giữa quốc gia cử và quốc gia nhận đại diện;
+ Những đại diện của các quốc gai được ủy quyền tại một hội nghị quốc tế hoặc tại một tổ chức quốc tế hoặc tại một cơ quan của tổ chức này trong việc thông qua văn bản của một điều ước quốc tế trong khuôn khổ hội nghị hay tổ chức đó.
– Trình tự, thủ tục ký kết:
+ Đàm phán: Theo cách giải thích thuật ngữ được sử dụng tại Điểm e Khoản 1 Điều 2 Công ước Viên 1969 thì đàm phán có thể thực hiện bằng 2 cách: cách 1 là các bên tham gia cùng nhau đàm phán, trực tiếp xây dựng văn bản điều ước quốc tế; cách 2 là các bên tiến hành đàm phán trên cơ sở dự thảo văn bản điều ước do các bên hay một bên soạn thảo.
+ Soạn thảo: trên cơ sở những vấn đề đã được các bên nhất trí, văn bản điều ước quốc tế sẽ được soạn thảo chính thức để các bên thông qua.
+ Thông qua văn bản: đây là thủ tục bắt buộc nằm trong quy trình ký kết điều ước quốc tế. Theo Công ước, văn bản của một điều ước được coi là xác thực và không thay đổi khi: theo thủ tục được quy định trong văn bản đó hoặc được các quốc gia tham gia soạn thảo điều ước đồng ý; nếu không có các thủ tục như thế thì bằng việc đại diện của các quốc gia đó ký, ký “ad referendum” hoặc ký tắt vào văn bản điều ước.
Chế định bảo lưu điều ước quốc tế
– Khái niệm: Bảo lưu dùng để chỉ một tuyên bố đơn phương, bất kể cách viết hoặc tên gọi như thế nào của một quốc gia đưa ra khi ký kết, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập một điều ước, nhằm qua đó loại bỏ hoặc sửa đổi hiệu lực pháp lý của một số quy định của điều ước trong việc áp dụng đối với quốc gia đó.
– Điều kiện: Khi ký, phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập một điều ước, một quốc gia có thể đề ra một bảo lưu, trừ khi:
+ Điều ước đó ngăn cấm việc bảo lưu;
+ Điều ước đó quy định rằng chỉ có thể có những bảo lưu cụ thể, trong số đó không có bảo lưu đã đề cập nói trên;
+ Bảo lưu không phù hợp với đối tượng và mục đích của điều ước, ngoài những trường hợp ghi ở 2 Điểm trên
– Thủ tục:
+ Trường hợp điều ước quốc tế quy định rõ điều Khoản nào được bảo lưu thì việc bảo lưu đối với điều Khoản đó không cần sự đồng ý rõ ràng và riêng biệt từ phía các quốc gia ký kết khác. Khi đó, quốc gia sẽ chỉ tuyên bố bảo lưu trong phạm vi mà điều ước cho phép.
+ Trường hợp điều ước quốc tế không có điều Khoản quy định liên quan đến bảo lưu thì việc bảo lưu phải được tất cả các quốc gia thành viên chấp nhận nếu số quốc gia đàm phán có hạn hoặc việc thi hành toàn bộ điều ước là điều kiện dẫn tới sự chấp nhận ràng buộc của các bên đối với điều ước.
+ Một bảo lưu coi như được một quốc gia chấp nhận nếu quốc gia đó không phản đối trong vòng 12 tháng kể từ ngày nhận được
– Hệ quả pháp lý của bảo lưu và phản đối bảo lưu:
+ Quan hệ giữa quốc gia bảo lưu và quốc gia chấp nhận bảo lưu được điều chỉnh bởi các quy định của điều ước quốc tế, trừ các điều Khoản liên quan đến bảo lưu.
+ Quan hệ giữa quốc gia bảo lưu và quốc gia phản đối bảo lưu vẫn được điểu chỉnh bằng điều ước quốc tế, loại trừ các điều Khoản bảo lưu không được chấp nhận.
Chế định hiệu lực của điều ước quốc tế
– Hiệu lực về thời gian
+ Đối với các điều ước song phương: thời Điểm điều ước có hiệu lực có thể là thời Điểm các bên tiến hành ký đầy đủ hoặc tiến hành trao đổi thư phê chuẩn hoặc phê duyệt.
+ Đối với các điều ước đa phương: thời Điểm có hiệu lực khi các điều kiện về hiệu lực được ghi nhận trong điều ước quốc tế cụ thể được thỏa mãn.
– Hiệu lực về không gian
+ về nguyên tác, điều ước quốc tế có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ của các quốc gia thành viên điều ước.
– Hiệu lực đối với bên thứ ba
+ Một điều ước không tạo ra nghĩa vụ hay quyền hạn cho một quốc gia thứ ba, nếu không có sự đồng ý của quốc gia đó.