Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp là gì? Thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp?
Sự ra đời và phát triển của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đã mang lại cho nhân loại những biến đổi sâu sắc, kinh tế hàng hóa và dịch vụ được thúc đẩy mạnh mẽ; sự lưu chuyển các dòng vốn, tự do hoá thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, truyền bá thông tin, tri thức, kĩ năng và giao lưu văn hoá cũng như sự hợp tác trong các vấn đề mang tính toán cầu khác… đã được toàn cầu hoá và trở thành xu thế chung lớn nhất của thời đại.
Xu thế toàn cầu hóa đã đặt ra cho các quốc gia yêu cầu cấp thiết là phải hợp tác, phối hợp cùng bảo vệ môi trường. Trong đó, vấn đề buôn bán các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp đang là một trong những vấn đề cấp bách, và việc có những văn bản quy phạm pháp luật, những công ước quốc tế ra đời nhằm điều chỉnh vấn đề này là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với thực tiễn.
– Cơ sở pháp lý: Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)
Mục lục bài viết
1. Công ước quốc tế về buôn bán các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp là gì?
– Để bảo vệ thiên nhiên nói chung và bảo vệ động, thực vật hoang dã khỏi bị tuyệt chủng, đứng trước việc buôn bán các loài động, thực vật hoang dã ngày một gia tăng trên thế giới, năm 1973 tại Washington DC, USA các nước trên thế giới đã trao đổi đi đến thông qua Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (Convention on international trade in dangerous species of wild fauna and flora), viết tắt là CITES. Công ước này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 1975. Cho đến nay đã có 175 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia công ước này trong đó có Việt Nam.
Công ước quản lý buôn bán quốc tế các loài động thực vật bị nguy cấp, Công ước chỉ đơn thuần quản lí việc buôn bán những loài này; nó không cấm việc săn bắn. Công ước cũng không điều chỉnh việc phá hoại nơi cư trú. Các công ước khác mới đây là Công ước đa dạng sinh học, quy định các vấn đề này.
– Những nước thành viên tham gia Công ước thực hiện việc cấm buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng trong một danh sách đã được thoả thuận, điều phối và giám sát buôn bán các loài khác nếu cho buôn bán tự do sẽ trở thành các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Biện pháp mà Công ước CITES vận dụng để thực hiện nhiệm vụ trên bằng cách lập danh sách các loài động thực vật hoang dã theo 3 phụ lục khác nhau:
+ Phụ lục 1: Danh sách các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, do đó cấm buôn bán và trao đổi có tính chất thương mại giữa các nước trên thế giới. Việc trao đổi các loài được ghi trong Phụ lục 1 của Công ước CITES chỉ được phép cho các mục đích không mang tính thương mại và được quản lý thông qua hệ thống giấy phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu cho mục đích phi thương mại.
+ Phụ lục 2: Danh sách các loài có thể trở thành những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng do buôn bán quốc tế quá mức, không được kiểm soát và điều chỉnh kịp thời. Các loài ghi trong Phụ lục 2 này được phép buôn bán quốc tế nhưng phải được quản lý, kiểm soát của các nước thành viên thông qua hệ thống cấp phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu.
+ Phụ lục 3: Danh sách các loài được các nước thành viên sử dụng để kiểm soát các loài động vật, thực vật hoang dã của nước mình mà chưa đưa vào trong Phụ lục 1 và Phụ lục 2.
– Các loài động thực vật ghi trong phụ lục 1, 2 của CITES có thể được bổ sung hoặc chuyển dịch do thoả thuận giữa các nước thành viên tại Hội nghị toàn thể các nước thành viên họp 2 năm 1 lần hoặc bằng cách bỏ phiếu qua bưu điện trong thời gian giữa các cuộc họp.
2. Thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp:
– Để bảo vệ các loài động thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng và cùng cộng đồng quốc tế kiểm soát và điều chỉnh việc buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp, ngày 20 tháng 4 năm 1994 Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 121 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp, gọi tắt là Công ước CITES hay Công ước Washington. Cho tới nay đã có khoảng 140 quốc gia là thành viên của Công ước này.
* Nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia Công ước CITES
– Là một bên tham gia Công ước, Việt Nam có trách nhiệm phải cam kết thực hiện các nghĩa vụ của công ước là bảo vệ các loài động vật, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng thông qua thực hiện việc cấm buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng và điều hoà, giám sát chặt chẽ việc buôn bán các loài khác. Các bên tham gia Công ước cam kết phối hợp các nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu của Công ước, trong đó tập trung vào việc lập danh sách các loài động vật, thực vật hoang dã theo 3 phụ lục để áp dụng các biện pháp quản lí khác nhau. Các nước thành viên tiến hành những biện pháp thích hợp để thi hành có hiệu lực các điều khoản của Công ước và để cấm buôn bán các loài thuộc Phụ lục 1. Các biện pháp đó là:
– Phạt việc buôn bán hoặc lưu giữ các mẫu vật. – Tịch thu hoặc trả lại nước xuất khẩu các mẫu vật bị lưu giữ. Các mẫu vật sau khi bị tịch thu sẽ được giao cho cơ quan có thẩm quyền quản lí. Sau khi trao đổi ý kiến với quốc gia xuất khẩu, cơ quan có thẩm quyền quản lí sẽ trả lại mẫu vật cho quốc gia đó và quốc gia này sẽ chịu toàn bộ phí tổn hoặc mẫu vật sẽ được chuyển cho trung tâm cứu hộ hay một nơi nào đó mà cơ quan thẩm quyền quản lí cho là thích hợp và phù hợp với mục tiêu của công ước. Trung tâm cứu hộ là cơ sở trông nom, chăm sóc các mẫu vật sống bị tịch thu.
Các nước thành viên đảm bảo hoàn tất các thủ tục xuất nhập một cách nhanh chóng cho các loài động thực vật hoang dã được phép xuất khẩu. Các quốc gia thành viên phải đảm bảo cho mọi mẫu vật sống phải được chăm sóc thích hợp nhằm hạn chế tối đa các tổn thương về sức khoẻ hay cách đối xử thô bạo trong quá trình vận chuyển hoặc quá cảnh.
* Thực thi Công ước CITES ở Việt Nam
* Về tổ chức
– Bộ lâm nghiệp (nay thuộc Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn) là cơ quan quản lý nhà nước thống nhất chịu trách nhiệm liên hệ với ban thư kí công ước và các nước thành viên của công ước, được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ về các hoạt động buôn bán động thực vật hoang dã. Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (IEBR) thuộc Viện khoa học và công nghệ Việt Nam và Trung tâm tài nguyên và môi trường thuộc Đại học quốc gia Hà Nội (CRES) là 2 cơ quan thẩm quyền khoa học làm tư vấn khoa học cho cơ quan thẩm quyền quản lý. Văn phòng CITES Việt Nam đặt tại Cục kiểm lâm thuộc Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn.
– Lực lượng chủ chốt trong việc tổ chức thực thi Công ước CITES và các văn bản pháp luật có liên quan ở Việt Nam là lực lượng kiểm lâm. Bên cạnh đó, các cơ quan có liên quan như công an, hải quan, quản lý thị trường, môi trường đã có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ động vật, thực vật hoang dã.
* Xây dựng chính sách, pháp luật: Trong những năm qua, hành lang pháp lý cho việc bảo vệ các loài động thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng đã có những bước phát triển rất đáng ghi nhận.
– Tuy nhiên, pháp luật về bảo vệ các loài động vật mới chỉ giới hạn trong việc bảo vệ các loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng mà thiếu các quy định pháp luật về bảo vệ các loài khác. Hiện tại, các loài động vật khác nhau được phân chia theo môi trường sống khác nhau của chúng (trên cạn hoặc dưới nước) và việc quản lí các loại động vật này thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác nhau, cũng như việc bảo vệ chúng được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác nhau. Chưa có sự thống nhất pháp lí việc quản lý và bảo vệ các loài trên đất liền cũng như ở dưới nước. Pháp luật về bảo vệ và phát triển các loài thực vật mới tập trung vào việc điều chỉnh một nhóm các sản phẩm thực vật rừng mà chưa có các quy định mang tính tổng thể.
Nhìn chung, khung pháp lý cho việc kiểm soát hoạt động buôn bán động thực vật hoang dã ở nước ta hiện còn nhiều bất cập và chồng chéo. Ngành kiểm lâm, quản lý thị trường, hải quan… đều ban hành những văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này mà thiếu sự phối hợp thống nhất.
* Các hoạt động cụ thể khác:
– Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã. Đây sẽ là cơ sở nhằm kết hợp sức mạnh tổng hợp trên toàn quốc để kiểm soát và tiến tới chấm dứt tình trạng buôn bán bất hợp pháp và không bền vững các loài động thực vật hoang dã.
– Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ các loài động thực vật hoang dã, trong đó chú trọng việc khơi dậy truyền thống yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên của người dân Việt Nam. Ngoài ra, các tập tục, tín ngưỡng của người dân trong việc bảo vệ các loài cây, các loài động vật cũng đóng vai trò quan trọng.
– Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ bảo vệ động thực vật hoang dã, đặc biệt là năng lực về nhận dạng, đánh giá các loài thú, loài cây quý hiếm.
– Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động săn bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động thực vật hoang dã trên thị trường.
Các chi cục Kiểm lâm đã kết hợp với công an, hải quan, quản lí thị trường kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển, động thực vật hoang dã trái phép, đặc biệt là các loài động vật hoang dã. Theo báo cáo của các chi cục Kiểm lâm thì số lượng động vật hoang dã thường được chở từ các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc về các tỉnh đồng bằng, từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc. Trong thời gian qua, chúng ta đã có những bước tiến dài về kiểm soát và ngăn chặn việc buôn bán bất hợp pháp động thực vật quý hiếm qua biên giới. Tuy nhiên, việc khai thác, săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép và các sản phẩm của chúng vẫn chưa được ngăn chặn, có chỗ có nơi còn nghiêm trọng. Việc khai thác và săn bắn bừa bãi trong rừng đã làm giảm đáng kể tính đa dạng sinh học của các vùng rừng Việt Nam. Hàng loạt các loài động vật quý hiếm bị săn bắt, bẫy được thị trường nội địa tiêu thụ do nhu cầu rất cao.