Công ty điện không chịu lắp công tơ thì khiếu nại tới đâu? Thủ tục lắp công tơ và đường dây điện sinh hoạt gia đình.
Công ty điện không chịu lắp công tơ thì khiếu nại tới đâu? Thủ tục lắp công tơ và đường dây điện sinh hoạt gia đình.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính thưa luật sư! Tôi có một thắc mắc kính mong luật sư giải đáp giúp! Tôi làm nhà hoàn thành và chuyển đến ở vào tháng 5 năm 2015 và có đề nghị Công ty cổ phần điện Phú Thứ (ở địa phương tôi điện sinh hoạt vẫn qua cai thầu) lắp đặt công tơ điện mới thì được tư vấn là chi phí 3 triệu cho 1 công tơ còn dây điện gia đình tự lo. Tôi thắc mắc thì được giải thích đây là công làm thủ tục giấy tờ và tiền công tơ. Nếu gia đình muốn ít tiền thì tự đi xin giấy của Sở điện lực và Sở công thương, khi nào được cấp công tơ thì họ sẽ lắp. Tôi có gọi điện hỏi Sở điện lực thì họ bảo không quản lý khách hàng doanh nghiệp này nên không thể can thiệp, hỏi Sở công thương thì được trả lời họ chỉ quản lý về giá điện. Đến nay đã hơn 1 năm (tính từ khi tôi đề nghị) mà công ty cổ phần điện Phú Thứ vẫn chưa lắp điện cho gia đình tôi. Vậy kính mong luật sư tư vấn giúp việc này tôi phải khiếu nại lên cơ quan nào để được giải quyết . Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Luật Điện lực sửa đổi, bổ sung năm 2012
2. Nội dung tư vấn:
Theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 39 Luật Điện lực sửa đổi, bổ sung năm 2012:
2. Đơn vị phát điện có các nghĩa vụ sau đây:
i) Đầu tư trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện hoặc bên mua điện bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật.
Theo quy định trên đơn vị phát điện (hoặc đơn vị tải điện, đơn vị phân phối điện nếu có thỏa thuận) có trách nhiệm đầu tư trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua điện. Do đó bạn không phải trả bất kì chi phí gì cho việc đưa điện từ trạm điện về công tơ điện của gia đình.
Bên cạnh đó, tại Điều 11 Nghị định 137/2013/NĐ-CP quy định:
1. Điều kiện ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt
a) Bên mua điện phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật và có giấy đề nghị mua điện kèm theo bản sao của một trong các giấy tờ sau: Hộ khẩu thường trú, hoặc sổ tạm trú; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà; hợp đồng mua bán nhà hợp lệ; hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 01 năm trở lên; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở);
Hợp đồng ủy quyền quản lý và sử dụng nhà được công chứng hoặc chứng thực;b) Bên bán điện có lưới điện phân phối đủ khả năng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu của bên mua điện.
2. Bên bán điện phải ký hợp đồng và cấp điện cho bên mua điện trong thời hạn 07 ngày làm việc khi có đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Trường hợp chưa có lưới điện phân phối hoặc lưới điện phân phối bị quá tải có xác nhận của cơ quan Điều tiết điện lực hoặc cơ quan được ủy quyền, bên bán điện phải trả lời cho bên mua điện trong thời hạn 05 ngày làm việc trong đó nêu rõ thời hạn dự kiến cấp điện được.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy, khi bạn đã đáp ứng đủ các điều kiện tại khoản 1 trên, bên bán điện là Công ty cổ phần điện Phú Thứ phải ký hợp đồng và cấp điện cho bên mua điện trong thời hạn 07 ngày làm việc. Bạn không cần thực hiện bất kì thủ tục nào xin phép Sở điện lực và Sở công thương.
Do đó việc Công ty cổ phần điện lực Phú Thứ yêu cầu bạn nộp 3 triệu để làm thủ tục giấy tờ và tiền công tơ là không đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp này bạn có quyền làm đơn khiếu nại gửi tới Giám đốc công ty cổ phần điện Phú Thứ để được giải quyết.