Công ty con vi phạm công ty mẹ có phải chịu trách nhiệm pháp lý gì không? Trách nhiệm pháp lý khi có hành vi vi phạm của tổ chức.
Công ty con vi phạm công ty mẹ có phải chịu trách nhiệm pháp lý gì không? Trách nhiệm pháp lý khi có hành vi vi phạm của tổ chức.
Tóm tắt câu hỏi:
Cho tôi hỏi những trách nhiệm pháp lý mà công mẹ phải chịu khi công ty con vi phạm? Và thủ tục cũng như nội dung để tôi thành lập đươc chi nhánh mà chỉ cho công ty mẹ góp 10% cố phần??
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
* Cơ sở pháp luật:
– Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
* Nội dung:
Điều 190 Luật doanh nghiệp 2014 về Quyền và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con quy định:
“1. Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập.
3. Trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.
4. Người quản lý của công ty mẹ chịu trách nhiệm về việc can thiệp buộc công ty con thực hiện hoạt động kinh doanh quy định tại khoản 3 Điều này phải liên đới cùng công ty mẹ chịu trách nhiệm về các thiệt hại đó.
5. Trường hợp công ty mẹ không đền bù cho công ty con theo quy định tại khoản 3 Điều này thì chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 1% vốn điều lệ của công ty con có quyền nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty con đòi công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con.
6. Trường hợp hoạt động kinh doanh như quy định tại khoản 3 Điều này do công ty con thực hiện đem lại lợi ích cho công ty con khác của cùng một công ty mẹ thì công ty con được hưởng lợi đó phải liên đới cùng công ty mẹ hoàn trả khoản lợi được hưởng đó cho công ty con bị thiệt hại.”
Về mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con, trước tiên bạn cần hiểu bản chất của mô hình này. Mô hình công ty mẹ – công ty con là mô hình ngày càng trở lên phổ biến trong nền kinh tế hiện đại, đó là sự tập hợp của các công ty có tư cách pháp nhân, độc lập về mặt pháp lý và có những ràng buộc nhất định về cơ cấu tổ chức, cách thức quản lý vận hành và sử hữu tư liệu sản xuất.
Trong mối quan hệ đó, công ty mẹ luôn phải có được sự giám sát, quản lý nhất định đối với hoạt động của công ty con để đảm bảo những lợi ích của mình. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, dù luôn có sự can thiệp, tác động từ phía công ty mẹ nhưng mọi hoạt động công ty con thực hiện trên danh nghĩa của chính nó, với tư cách là một chủ thể hoàn toàn độc lập với công ty mẹ. Vậy nên, việc công ty con vi phạm pháp luật dẫn đến phải gánh chịu những trách nhiệm pháp lý không thể dẫn đến việc công ty mẹ cũng phải chịu những hậu quả đó.
Trong trường hợp này, trên cơ sở những thông tin bạn cung cấp thì bạn muốn thành lập một công ty cổ phần và chỉ cho phép công ty mẹ được góp vốn không quá 10% cổ phần. Vậy nên, trong quá trình thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp bạn cần chú ý những vấn đề sau:
Khoản 1 Điều 189 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:
“1. Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp
quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.”
Theo đó, vì yêu cầu hạn chế trong tỉ lệ vốn góp vào công ty của bạn nên để đảm bảo công ty khác có thể trở thành công ty mẹ của công ty bạn định thành lập, bạn cần phải quy định rõ trong điều lệ những vấn đề sau:
+ Thứ nhất, tỉ lệ vốn góp của các công ty khác vào doanh nghiệp không được vượt quá 10% cố cổ phần của công ty.
+ Thứ hai: công ty góp vốn vào doanh nghiệp có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty hoặc quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty.
>>> Luật sư tư vấn pháp
Sau đó, bạn có thể chuẩn bị bộ hồ sơ để thành lập theo đúng quy định của pháp luật được quy định tại Điều 22 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp:
“Điều 22. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần và công ty hợp danh
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều lệ công ty.
3. Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần. Danh sách người đại diện theo ủy quyền đối với cổ đông nước ngoài là tổ chức.
4. Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:
a) Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định này đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là cá nhân;
b) Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định này của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức;
c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.”