Vật liệu xây dựng không nung được đánh giá là vật liệu có nhiều ưu điểm, với nhiều những chính sách khích lệ, hỗ trợ nhất định, tuy nhiên vật liệu xây dựng không nung hiện vẫn chưa được phát triển rộng rãi. Vậy pháp luật Việt Nam hiện nay quy định những công trình xây dựng nào phải sử dụng vật liêu xây dựng không nung? Không tuân thủ quy định về sử dụng vật liệu xây dựng không nung thì bị xử lý như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Vật liệu xây dựng không nung có những ưu điểm gì?
Vật liệu xây dựng không nung là loại vật liệu được sử trong xây dựng, trong đó việc sản xuất ra chứng không sử dụng nhiệt để nung. Các loại vật liệu xây dựng không nung như: Gạch bê tông, vật liệu nhẹ: Gạch hoặc tấm panel từ bê tông khí chưng áp, bê tông khí không chưng áp, bê tông bọt; các chủng loại trên có khối lượng thể tích nhỏ hơn 1000 kg/m3; tấm 3D (panels), tấm panel nhẹ, thạch cao, gạch khác được sản xuất từ chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp; gạch silicát….
– Vật liệu xây dựng không nung có những ưu điểm sau:
+ Gạch không nung là loại gạch mà sau nguyên công định hình thì tự đóng rắn đạt các chỉ số về cơ học như cường độ nén, uốn, độ hút nước,… mà không cần qua nhiệt độ. Độ bền của viên gạch không nung được gia tăng bởi lực ép hoặc rung lên viên gạch và thành phần kết dính của chúng mà không cần phải sử dụng nhiệt để nung nóng đỏ viên gạch để tăng độ bền của viên gạch.
+ Tại Việt Nam gạch không nung có kích thước phổ biến là 210x100x60mm và có khoảng 300 tiêu chuẩn quốc tế khác nhau với kích cỡ viên gạch khác nhau, sức nén viên gạch không nung tối đa đạt 35MPa.
+ So với gạch nung thì những viên gạch không nung có kích thước lớn hơn khá nhiều, nó gấp 2 đến 11 lần thể tích, điều này giúp giảm đi chi phí cho nhân công, đem lại tiến độ công trình nhanh lẹ. Chưa hết, lượng vữa dùng để xây dựng bằng gạch không nung và trát giảm đến 2.5 lần so với gạch truyền thống.
+ Các vật liệu xây dựng không nung giúp làm giảm ô nhiễm môi trường. Khi sử dụng những vật liệu xây dụng nung thì đồng thời sẽ phải dử dụng nguyên liệu như đất sét, than, củi gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, làm giảm diện tích trồng lúa, ngoài ra, nó cũng không trải qua công đoạn dùng than củi để đốt, do vậy mà tiết kiệm được nguồn nhiên liệu khá lớn, hạn chế nạn chặt phá rừng bừa bãi cũng như không gây hại đến môi trường.
+ Vật liệu xây dựng không nung là những sản phẩm có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt, phóng hóa, chống thấm, chống nước, về mặt hình thức cũng chuẩn xác, quy cách hoàn hảo hơn vật liệu nung. Ngoài ra vật liệu xây dựng không nung cũng được sản xuất theo công nghệ, thiết bị tiên tiến của quốc tế cho nên có hiệu quả rõ ràng hơn trong xây dụng và cũng phù hợp với các tiêu chuẩn xây dựng do bộ xây dựng tại Việt Nam công bố
+ Các nguyên vật liệu để sản xuất vật liệu không nung hết sức phong phú và có sẵn trong nước như mạt cát, cát vàng, xi măng,… do vậy mà tạo ra các sản phẩm gạch papanh, Gạch Block hay gạch xi măng cốt liệu, Gạch xi măng – cát, Gạch bê tông bọt siêu nhẹ, Gạch bê-tông khí chưng áp,…
Với những ưu điểm của vật liệu xây dựng không nung vừa nêu trên thì đây là một sự lựa chọn thích hợp trong quá trình xây dựng, vừa tiết kiệm được thời gian, nguồn tài chính, dễ dàng vận chuyển, đa dạng về màu sắc, chủng loại, kích thước,..
– Bên cạnh những ưu điểm vừa nêu ở trên thì gạch không nung cũng có một vài nhược điểm như:
+ Đầu tiên là do chúng sử dụng cát, đá làm nguyên liệu khiến cho nhu cầu khai thác cát, đá tăng cao.
+ Sẽ gây ô nhiễm môi trường ở một mức độ nhất định vì trong quá trình sản xuất và thi công các nguyên liệu thứ phẩm của nó cũng gây ô nhiễm cao như xi măng, bột nhôm… Tuy nhiên cũng không gây ô nhiễm môi trường bằng vật liệu truyền thống
2. Công trình xây dựng nào phải sử dụng vật liệu xây không nung?
Nhà nước ta luôn khuyến khích sử dụng vật liệu không nung vào các công trình xây dựng bởi các lợi ích mà nó mang lại là rất lớn. Hơn nữa việc phát triển công trình xanh và sử dụng gạch không nung chính là xu thế tất yếu, con đường không thể khác của ngành xây dựng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tại Điều 3 thông tư số 13/2017/TT-BXD có quy định về các công trình xây dựng phải sử dụng vật liệu xây dựng như sau:
+ Thứ nhất: Các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên sẽ phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây.
+ Thứ hai:
Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây với tỷ lệ như sau:
+ Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: sử dụng 100% vật liệu xây dựng không nung
+ Các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc bộ và các tỉnh vùng Đông Nam bộ: Tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%;
+ Các tỉnh còn lại: Tại các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70%, tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%.
+ Với các công trình mà có yêu cầu đặc thù không sử dụng được vật liệu xây dựng không nung thì phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.
Lưu ý: Đô thị được phân thành 6 loại gồm loại đặc biệt, loại I, II, III, IV và V theo các tiêu chí cơ bản sau đây:
+ Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội của đô thị;
+ Quy mô dân số;
+ Mật độ dân số;
+ Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp;
+ Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng.
3. Không tuân thủ quy định về sử dụng vật liệu xây dựng không nung thì bị xử lý như thế nào?
3.1. Mức xử phạt:
Theo quy định tại Điểm c, Khoản 2 Điều 35 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm quy định về giám sát thi công xây dựng công trình như sau:
Đối với hành vi để nhà thầu thi công không sử dụng vật liệu xây dựng không nung theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP thì mức phạt trên đây được áp dụng xử phạt đối với tổ chức vi phạm; trong trường hợp cá nhân vi phạm thì bị phạt tiền bằng 1/2 so với mức phạt đối với tổ chức vi phạm.
Như vậy, mức phạt tiền đối với hành vi không tuân thủ quy định về sử dụng vật liệu xây không nung theo quy định cụ thể như sau:
– Mức phạt tiền đối với tổ chức thực hiện hành vi không tuân thủ quy định về sử dụng vật liệu xây không nung là từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng.
– Mức phạt tiền đối với cá nhân thực hiện hành vi không tuân thủ quy định về sử dụng vật liệu xây không nung là từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Tại điểm d Khoản 3 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định với hành vi vi phạm để nhà thầu thi công không sử dụng vật liệu xây dựng không nung theo quy định sẽ phải có biện pháp khắc phục hậu quả buộc sử dụng vật liệu xây không nung phù hợp theo quy định đối với phần còn lại của công trình
3.2. Thẩm quyền xử phạt:
– Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng trên phạm vi toàn quốc.
– Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn.
– Công chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính về xây dựng quy địnhcó thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.
3.3. Thời hiệu xử phạt:
Tại Điều 5 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, sản xuất vật liệu xây dựng.
Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về sản xuất vật liệu xây dựng được quy định như sau:
+ Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được căn cứ vào thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm
+ Đối với nhà ở riêng lẻ, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày hoàn thành công trình được ghi hợp đồng thi công xây dựng công trình (nếu có) hoặc ngày đưa công trình vào sử dụng
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 16/2022/NĐ-CP của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng
– Thông tư số 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng