Bên cạnh công trình dân dụng, công trình công nghiệp cũng là một trong những công trình phổ biến được nhắc đến. Một trong những điều khác biệt lớn nhất giữa công trình dân dụng và công nghiệp là sự có mặt của các yếu tố kỹ thuật, công nghệ trong quá trình tổ chức không gian. Cùng tìm hiểu dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Công trình công nghiệp là gì?
Theo giải thích tại QCVN 03:2012/BXD: “Công trình công nghiệp là nơi mà trong đó diễn ra các quá trình sản xuất công nghiệp và phục vụ sản xuất, nằm trong các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, bao gồm có nhà (xưởng) sản xuất; nhà điều hành sản xuất; công trình phục vụ sản xuất (y tế, ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, giải trí, học tập, văn hóa, dịch vụ, kho tàng, giao thông…) và công trình kỹ thuật (điện, cấp – thoát nước, thông gió, xử lý chất thải, phòng cháy chữa cháy…).“
Trong thực tế, các công trình công nghiệp được bố trí không chỉ trên cơ sở các quy luật thẩm mỹ, mà quan trọng hơn, chúng phải được tổ chức theo các yêu cầu nghiêm ngặt của công nghệ và đặc điểm sản xuất. Điều này thường dẫn đến việc các công trình công nghiệp trong quần thể có vị trí rải rác khắp nơi trong khu đất xí nghiệp công nghiệp, các công trình với nhiều hình thức, khối tích, tỷ lệ, kích thước vô cùng đa dạng khác nhau được tập hợp trên một khu đất theo các trình tự đáp ứng yêu cầu của chức năng sản xuất.
Công trình công nghiệp trong tiếng anh là “Industrial buildings“.
2. Phân cấp công trình công nghiệp:
Quy định về phân cấp công trình công nghiệp được quy định tại Bảng 1.2. Phụ lục I Thông tư 06/2021/TT-BXD, tại Bảng này, phân cấp công trình công nghiệp được chia thành: Loại đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III, cấp IV. Mỗi cấp sẽ có các tiêu chí phân cấp khác nhau, đồng thời còn dựa trên các loại công trình công nghiệp, bao gồm:
– Công trình sản xuất vật liệu xây dựng, sản phẩm xây dựng.
– Công trình luyện kim và cơ khí chế tạo.
– Công trình khai thác mỏ và chế biến khoáng sản.
– Công trình dầu khí.
– Công trình năng lượng.
– Công trình hóa chất.
– Công trình công nghiệp nhẹ.
Đáp ứng cho nhu cầu ứng dụng xác định phân cấp công trình xây dựng, cũng tại Thông tư 06/2021/TT-BXD đã đưa ra các ví dụ về phân cấp, tác giả trích dẫn một ví dụ như sau:
Ví dụ 4: Công trình công nghiệp – Nhà máy xi măng A
Dự án xây dựng “Nhà máy xi măng A” công suất thiết kế 2 triệu tấn xi măng/năm. Các nguồn vật liệu đầu vào: sét, đá vôi, than, phụ gia được cung cấp bởi các công ty khác. Dự án có các công trình sau:
– Các công trình thuộc dây chuyền công nghệ chính (dây chuyền sản xuất xi măng): Nhà nghiền than, Nhà nghiền liệu thô, Si lô bột liệu, Vận chuyển từ si lô bột liệu đến tháp trao đổi nhiệt, Tháp trao đổi nhiệt, các Trụ lò quay, Nhà làm lạnh clinker, Si lô clinker. Vận chuyển từ Si lô clinker đến Nhà nghiền xi măng, Nhà nghiền xi măng, Si lô xi măng…
– Các công trình độc lập khác thuộc dự án: Kho vật tư; Xưởng cơ khí; Nhà điều hành; Trạm Y tế; Kênh thoát nước; Hầm cấp; Trạm cân và các công trình khác.
3. Xác định cấp công trình như sau:
a) Xác định cấp của dây chuyền công nghệ chính:
Dự án Nhà máy xi măng A có dây chuyền công nghệ chính, xác định cấp công trình theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này. Dây chuyền công nghệ này xác định cấp theo quy mô công suất, tương ứng với mục 1.2.1.2 Bảng 1.2 Phụ lục I cho nhà máy xi măng, cấp của dây chuyền công nghệ chính là cấp I.
b) Xác định cấp các công trình thuộc Nhà máy xi măng A:
Các công trình công nghiệp thuộc nhà máy được xác định cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này. Ngoại trừ Nhà nghiền xi măng là công trình có trong Bảng 1.2 Phụ lục I được xác định cấp công trình theo quy mô công suất và quy mô kết cấu, các công trình còn lại không có trong Bảng 1.2 Phụ lục I, vì vậy cấp công trình được xác định theo loại và quy mô kết cấu bằng cách sử dụng Bảng 2 Phụ lục II Thông tư này. Sau đây trình bày một số ví dụ:
– Kho than (dạng kho tròn, mái kín, đường kính 120 m): Công trình tương ứng với mục 2.1.1 Bảng 2 Phụ lục II; xác định cấp theo tổng diện tích sàn 11.300 m2: Cấp II, theo nhịp kết cấu lớn nhất 120 m: Cấp I, theo chiều cao 20 m: Cấp III. Cấp công trình Kho than: Cấp I (cấp cao nhất xác định được).
– Băng tải CC (chuyển than từ Kho than tới Nhà nghiền than: Dạng, dàn hộp đặt trên các trụ đỡ; kích thước tiết diện dàn hộp: 3 m x 3 m; chiều cao của trụ đỡ so với mặt đất: từ 9 m đến 24 m; nhịp vượt lớn nhất giữa 2 tim trụ đỡ: 30 m): Công trình tương ứng với mục 2.1.3 Bảng 2 Phụ lục II; xác định cấp theo chiều cao H = 12÷27 m (tổng chiều cao trụ đỡ và băng tải): Cấp III, theo nhịp L = 30 m: Cấp III. Cấp công trình Băng tải than: Cấp III (cấp cao nhất xác định được).
– Si lô Xi măng 1 (Dung tích chứa V = 10.000 m3; chiều cao H = 45 m; đường kính D = 20 m): Công trình tương ứng với nhóm 2.4 Bảng 2 Phụ lục II: xác định cấp theo dung tích chứa: Cấp II, theo chiều cao: Cấp II. Cấp công trình Si lô xi măng 1: Cấp II (cấp cao nhất xác định được).
– Tháp trao đổi nhiệt (cao 8 tầng; chiều cao 82 m; tổng diện tích sàn 5.400 m2): Công trình tương ứng với mục 2.1.2 Bảng 2 Phụ lục II; xác định cấp theo chiều cao; Cấp I, theo số tầng cao; Cấp II, theo tổng diện tích sàn: Cấp III. Cấp công trình Tháp trao đổi nhiệt: Cấp I (cấp cao nhất xác định được).
– Trụ đỡ lò quay (Trụ bê tông cốt thép dưới móng cọc, đỡ hệ thống lò quay đường kính 5 m. Chiều cao bản thân trụ: H1 = 9 m; chiều cao kể cả thiết bị: H = 9 m + 5 m = 14 m): Công trình tương ứng mục 2.2.1 Bảng 2 Phụ lục II, cấp công trình xác định được theo chiều cao của kết cấu là cấp III.
– Ống khói (ống khói bê tông cốt thép cao 120 m): Công trình tương ứng với mục 2.2.1 Bảng 2 Phụ lục II, cấp công trình xác định được theo chiều cao là cấp I.
– Trạm cân (cân xe ô tô): Cấu tạo dạng bể bê tông cốt thép đặt ngầm, thiết bị cần đặt trong lòng bể: kích thước thông thủy bể (Dài x Rộng x Sâu) = (5 m x 14 m x 4,5 m). Theo Bảng 2 Phụ lục II, công trình tương ứng với mục 2.4; xác định cấp theo độ sâu ngầm: Cấp III, theo dung tích chứa (V = 315 m3): Cấp IV. Cấp công trình Trạm cân: Cấp III (cấp cao nhất xác định được).
– Cách xác định cấp các công trình loại dân dụng như Nhà điều hành, Trạm Y tế và các công trình khác xem Ví dụ 1 của Phụ lục này.
– Cách xác định cấp các công trình loại hạ tầng kỹ thuật như Sân bãi để máy móc thiết bị, Trạm xử lý nước thải, Hệ thống cấp nước và các công trình khác xem Ví dụ 2 của Phụ lục này.
c) Áp dụng cấp công trình trong quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng:
– Áp dụng cấp công trình để xác định thẩm quyền được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư này: Dự án Nhà máy xi măng A có dây chuyền công nghệ chính, theo điểm c khoản 2 Điều 3 Thông tư này, áp dụng cấp của dây chuyền công nghệ chính (đã xác định tại mục a Ví dụ này) là cấp I.
– Áp dụng cấp công trình để quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng được quy định từ điểm b đến điểm n khoản 1 Điều 3 Thông tư này: Ví dụ phân hạng năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng như sau:
+ Trường hợp phạm vi thực hiện cho toàn bộ dây chuyền công nghệ chính: Theo điểm c khoản 3 Điều 3 Thông tư này, áp dụng cấp của dây chuyền công nghệ chính (đã xác định tại mục a Ví dụ này) là Cấp I;
+ Trường hợp phạm vi thực hiện cho một công trình độc lập (thuộc dây chuyền chính hoặc công trình độc lập khác thuộc dự án) hoặc cho một số công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình: Cách xác định xem Ví dụ 1 của Phụ lục này.
Việc phân cấp công trình công nghiệp là điều cần thiết và hoàn toàn hợp lý, xuất phát từ việc quản lý, tính quan trọng của công trình. Điều này sẽ giúp cho việc đặt ra các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, thẩm mỹ trở nên chặt chẽ hơn, nguyên tắc hơn, đúng đắn hơn, đảm bảo các công trình công nghiệp phải an toàn, có khả năng sử dụng lâu dài, phù hợp với điều kiện tại nơi xây dựng.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Thông tư 06/2021/TT-BXD quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.
– Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2012/BXD về nguyên tắc phân loại, phân cấp công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị do Bộ Xây dựng ban hành.