Hiện nay trong công tác dân số tại các ban ngành, địa phương, cộng tác viên dân số không còn là khái niệm mới mẻ bởi đây là mắt xích cũng là một kênh truyền thông hiệu quả góp phần làm nên thành công của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, họ đã hoạt động hiệu quả để đưa các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình đến với nhân dân.
Cộng tác viên dân số là gì? Vai trò cũng như tiêu chuẩn, nhiệm vụ của cộng tác viên dân số được quy định như thế nào? Cùng tìm hiểu những vấn đề trên qua bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Cộng tác viên dân số là gì?
Công tác viên dân số tại Điều 2 Thông tư 02/2021/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ của cộng tác viên dân số do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, được quy định là những người tình nguyện làm công tác dân số ở thôn.
Khi làm cộng tác viên dân số, cá nhân sẽ được hưởng các quyền lợi theo đúng quy định tương xứng với trách nhiệm, công việc mình làm. Cụ thể như:
– Được bố trí phụ trách công việc theo địa bàn thôn tùy thuộc vào đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương nhưng bảo đảm mỗi thôn có tối thiểu 01 cộng tác viên dân số.
– Cộng tác viên dân số được chi bồi dưỡng hằng tháng. Cụ thể mức chi bồi dưỡng hằng tháng này sẽ do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định.
Ví dụ: Mức bồi dưỡng của cộng tác viên dân số được quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 26/2021/NQ-HĐND của tình Tiền Giang, cụ thể là 450.000 đồng/người/tháng. Nguồn kinh phí này được lấy từ mức chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình hàng năm của ngân sách cấp tỉnh. Bên cạnh đó với chi phí khen thưởng các cá nhân trong công tác dân số cũng được lấy từ định mức chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình hàng năm của ngân sách cấp huyện.
– Khi thực hiện nhiệm vụ, mỗi cộng tác viên dân số sẽ được trang bị đầy đủ các dụng cụ làm việc, bao gồm: Túi truyền thông, loa cầm tay, đèn pin, áo mưa và dụng cụ khác phù hợp với điều kiện và khả năng tài chính của địa phương.
– Đối với những cá nhân có đóng góp lớn, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, nhiệt tình trong công tác dân số sẽ được động viên, khen thưởng và được vinh danh. Đồng thời, sẽ được tham dự các cuộc thi, hội nghị, hội thảo trong khu vực, liên khu vực để trao đổi kinh nghiệm công tác.
2. Tiêu chuẩn của một cộng tác viên dân số:
Một cá nhân để được làm cộng tác viên dân số cần phải đáp ứng được các điều kiện bao gồm:
– Về trình độ học vấn: đáp ứng từ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.
Đối với những thôn khó khăn hoặc có đồng bào dân tộc ít người nếu không chọn được người có đủ trình độ học vấn từ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên thì sẽ lựa chọn người hoàn thành chương trình tiểu học và phải được đào tạo cũng như tập huấn về dân số theo nội dung chuyên môn do Bộ Y tế ban hành.
– Đang sinh sống và làm công việc ổn định tại các thôn, nơi cộng tác viên dân số đảm nhiệm.
Cá nhân có tinh thần tự nguyện tham gia làm cộng tác viên dân số; phải có tinh thần trách nhiệm và thật sự nhiệt tình tham gia hoạt động xã hội, có khả năng vận động quần chúng cũng như phải được sự tín nhiệm từ cộng đồng.
– Những đối tượng đang làm công tác y tế tại thôn tham gia kiêm nhiệm cộng tác viên dân số sẽ được ưu tiên.
– Đảm bảo đủ sức khỏe để đảm nhiệm công việc.
3. Nhiệm vụ của cộng tác viên dân số:
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư 02/2021/TT-BYT, công tác viên dân số sẽ có các nhiệm vụ sau đây:
– Trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn về dân số cho người dân trong địa bàn mà mình đảm nhiệm .
– Cộng tác viên dân số có trách nhiệm phối kết hợp cùng với nhân viên y tế thôn và cộng tác viên các chương trình khác trên địa bàn tuyên truyền, vận động về công tác dân số, vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong địa bàn mình quản lý.
– Trách nhiệm cung cấp các phương tiện để giúp phòng tránh thai đến từng hộ gia đình gồm có bao cao su; viên uống thuốc tránh thai theo đúng quy định.
Tiếp thị, tiếp thị xã hội, xã hội hóa các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và dịch vụ về dân số theo quy định.
– Đối với các nội dung về dân số của các hộ gia đình tại địa bàn quản lý, cộng tác viên dân số phải có trách nhiệm kiểm tra và theo dõi việc duy trì thực hiện các nội dung đó.
– Có trách nhiệm thực hiện chế độ ghi chép ban đầu, thu thập số liệu, lập báo cáo định kỳ và đột xuất về dân số theo quy định hiện hành.
Thực hiện việc cung cấp số liệu cho Trạm Y tế cấp xã, lập các sơ đồ và biểu đồ, quản lý số hộ gia đình về dân số tại địa bàn quản lý.
– Có trách nhiệm trong việc bảo quản và giữ gìn khi sử dụng các tài liệu (sổ sách, biểu mẫu báo cáo…) liên quan đến nhiệm vụ được giao.
– Trong các buổi giao ban cộng tác viên dân số hằng tháng do Trạm Y tế cấp xã tổ chức, cộng tác viên dân số phải tham gia để phản ánh tình hình và báo cáo kết quả hoạt động dân số của địa bàn được giao quản lý.
– Các cơ quan có thẩm quyền tổ chức lớp tập huấn thì phải có trách nhiệm tham dự.
– Đối với các vấn đề cần thực hiện về dân số tại các địa bàn mình quản lý, cộng tác viên dân số có trách nhiệm theo dõi sau đó phát hiện và đề xuất với cán bộ theo dõi công tác dân số cấp xã, cán bộ thuộc Trạm Y tế cấp xã.
– Thực hiện nhiệm vụ khác về dân số do Trạm trưởng Trạm Y tế xã hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao.
4. Vai trò của cộng tác viên dân số:
Hiện nay, tại các địa phương việc phát triển đội ngũ cộng tác viên dân số là điều đang được quan tâm rất nhiều. Bởi lẽ, tình hình dân số, đặc biệt là kế hoạch hóa gia đình trong sinh nở cần được tuyên truyền cũng như vận động người dân để tránh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; hay các biện pháp phòng tránh thai để người dân không bị vỡ kế hoạch hóa giá đình,… Do vậy, cùng với cán bộ dân số, cộng tác viên dân số là lực lượng nòng cốt, ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực dân số.
Theo đánh giá chung của các Trung tâm Dân số cấp huyện, nhìn chung các cộng tác viên dân số được coi như là cánh tay phải của ngành dân số bởi có lợi thế là người địa phương, có sự am hiểu địa bàn sinh sống cũng như văn hóa, sinh hoạt tại các vùng, miền nên dễ dàng tiếp cận các gia đình và từ đó xây dựng được cách thức tuyên truyền dân số sao cho phù hợp nhất.
Vai trò của cộng tác viên dân số không chỉ dừng lại ở việc đơn thuần là cung cấp cho đối tượng các kiến thức cơ bản về dân số mà còn theo dõi cũng như giúp đỡ cho các cá nhân, hộ gia đình áp dụng các biện pháp tránh thai nào là phù hợp và cần thiết; thường xuyên đi khám chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục; phòng chống dịch bệnh;… Thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các cộng tác viên dân số đến từng nhà tư vấn, cấp phát thuốc tránh thai, bao cao su…; thuyết phục người dân không sinh con thứ ba; vận động nhiều hội viên tham gia các mô hình, câu lạc bộ truyền thông…
Cách thức tuyên truyền không phải chỉ đơn thuần là qua sách vở, lý thuyết suông mà cần vận dụng có hiệu quả các hình thức dễ nhớ, dễ sử dụng giúp cho các đối tượng thay đổi được nhận thức và phải trải qua thời gian. Các cộng tác viên cũng cần phải nắm vững các danh sách của các cặp vợ, chồng trẻ đang trong độ tuổi sinh đẻ để từ đó vận dụng các biện pháp tuyên truyền sao cho đúng đối tượng và có hiệu quả.
Ngoài ra, để công tác vận động, tuyên truyền của cộng tác viên dân số đạt được hiệu quả thì cần có sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tạo điều kiện tốt nhất để nhằm xây dựng được đội ngũ cộng tác viên có năng lực, trách nhiệm.
Để công tác đạt hiệu quả cao, đặc biệt trong giai đoạn chuyển hướng sang dân số và phát triển, đội ngũ cán bộ dân số, cộng tác viên dân số cần thường xuyên được tập huấn nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng tuyên truyền, vận động.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Thông tư 02/2021/TT-BYT quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ của cộng tác viên dân số