Trong công tác tham mưu, các cán bộ thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho cơ quan, tổ chức của mình phải thật sự nhạy bén, sáng tạo, nắm bắt rõ tình hình thực tế để tham mưu cho lãnh đạo đơn vị mình. Vậy công tác tham mưu là gì? Vai trò, ý nghĩa, ưu điểm và ví dụ của công tác tham mưu?
Mục lục bài viết
1. Công tác tham mưu là gì?
Hiểu theo nghĩa thông thường thì tham mưu được hiểu chính là hiến kế, kiến nghị hay đưa ra đề xuất, đưa ra các ý tưởng độc đáo, có tính sáng tạo, dựa trên cơ sở khoa học, đưa ra các sáng kiến, các phương án tối ưu, hay đưa ra những chiến lược, sách lược và những giải pháp hữu hiệu cho các thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong vấn đề đặt ra và tổ chức thực hiện những kế hoạch công tác ngắn hạn, trung hạn, dài hạn của các cơ quan, đơn vị nhằm mục đích đạt kết quả cao nhất.
Ta có thể hiểu công tác tham mưu đó chính là một loại nhiệm vụ, công tác tham mưu được hoạt động mang tính chuyên nghiệp, chuyên trách của một cá nhân hay một bộ phận trong một tổ chức. Công tác tham mưu phục vụ cho các lãnh đạo trong những việc như ban hành quyết định, tổ chức thực hiện quyết định. Bộ phận tham mưu được xây dựng theo đúng với chức năng của nó là giúp lãnh đạo ban hành những quyết định một cách chính xác, hợp lý và đạt hiệu quả cao cũng như thực hiện tăng cường hiệu quả của tổ chức thực hiện các quyết định đó.
2. Vai trò của công tác tham mưu:
Công tác tham mưu có một vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của các cơ quan, tổ chức. Công tác tham mưu chính là người tư vấn và giúp cho các cán bộ lãnh đạo nắm được những tình hình để đưa ra những quyết sách đúng đắn trong hoạt động lãnh đạo, quản lý của mình.
Nếu như ngày xưa những người làm tham mưu được gọi là các quân sư hay các mưu sĩ, họ chính là những người hiến kế cho nhà vua hay hiến kế cho các thủ lĩnh trong những trận mạc đề xuất ra các kế hoạch tấn công tác chiến (ví dụ như Gia Cát Lượng – ông chính là nhà tham mưu giúp Lưu Bị gây dựng nên nhà Thục Hán) thì với thời đại ngày nay tham mưu chính là một loại nhiệm vụ mang tính quan trọng và chuyên nghiệp của những cán bộ, công chức thực hiện công việc phục vụ cho lãnh đạo trong những việc ban hành và tổ chức thực hiện các quyết định.
Chính vì vậy mà mỗi cơ quan, đơn vị, ban ngành đều phải có bộ phận, có cán bộ, công chức thực hiện công việc tham mưu cho lãnh đạo, không phân biệt quy mô, lĩnh vực hoạt động.
Công tác tham mưu có hai loại đó chính là tham mưu sự vụ và tham mưu chiến lược. Nói về tham mưu sự vụ, tham mưu sự vụ đó chính là tham mưu giải quyết những công việc hằng ngày, giải quyết những vấn đề mà nảy sinh trong khuôn khổ những chính sách, quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước ta hay của những cơ quan, đơn vị. Còn đối với tham mưu chiến lược, nó chính là tham mưu nhằm mục đích đổi mới nội dung và đổi mới phương thức hoạt động của những cơ quan, đơn vị ngày một chất lượng hơn; hoặc là tham mưu nhằm hoàn thiện chính sách, hoàn thiện pháp luật hiện hành hay xây dựng nên chính sách và pháp luật mới nhằm mục đích đáp ứng ngày một tốt hơn các yêu cầu của thực tiễn và các lợi ích của nhân dân.
Như vậy, công tác tham mưu không chỉ đơn thuần là giúp việc cho lãnh đạo mà còn là người phụ trách chính một mảng công việc trong cơ quan, đơn vị của mình. Vì thế, bản chất của tham mưu còn là tham dự, hiến kế và đưa ra những ý tưởng sáng tạo và khoa học mang tính chỉ đạo nhằm gợi ý, đề xuất cho các lãnh đạo cơ quan, đơn vị dựa vào đó để đưa ra những quyết định. Đồng thời, công tác tham mưu còn là chỉ đạo thực hiện những quyết định thuộc lĩnh vực của mình đảm trách.
3. Ý nghĩa của công tác tham mưu:
Công tác tham mưu có ý nghĩa rất quan trọng:
– Tổ chức công tác tham mưu tốt và kịp thời sẽ giúp cho việc chỉ đạo, điều hành của cơ quan, đơn vị sâu sát và thống nhất còn ngược lại sẽ làm cho các công tác chỉ đạo, điều hành sẽ bị chậm trễ, hiệu quả hạn chế hơn.
– Công tác tham mưu tốt sẽ góp phần phục vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương
– Nếu công tác tham mưu tốt thì lãnh đạo của cơ quan, đơn vị sẽ nắm bắt được kịp thời, chính xác tình hình và nó có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nếu như không làm tốt công tác tham mưu thì sẽ làm ảnh hưởng lớn đến niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước (ví dụ như nội bộ mất đoàn kết, kết bè kết phái; quan liêu, tham nhũng …).
4. Ưu điểm của công tác tham mưu:
Công tác tham mưu có những ưu điểm sau:
– Công tác tham mưu chiến lược tốt sẽ làm đổi mới nội dung và đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan, đơn vị ngày một tốt hơn và chất lượng hơn;
– Công tác tham mưu tốt sẽ làm cho hoàn thiện chính sách, hoàn thiện pháp luật hiện hành theo chiều hướng phù hợp với thực tiễn hay xây dựng chính sách và xây dựng pháp luật mới nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn những yêu cầu của thực tại xã hội và lợi ích của nhân dân.
– Giúp cho các cán bộ lãnh đạo nắm được những tình hình cụ thể để có những quyết sách, quyết định đúng đắn trong những hoạt động lãnh đạo, quản lý của mình.
5. Ví dụ cụ thể về công tác tham mưu:
Ta lấy ví dụ về công tác tham mưu trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành Kiểm sát nhân dân. Theo quy định của pháp luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của những đơn vị thuộc bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các đơn vị đều có chức năng thực hiện nhiệm vụ tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Hiện nay, Văn phòng của Viện kiểm sát nhân dân được thành lập tại 3 cấp (đó là Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh). Tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thành lập Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và có thành lập Phòng tham mưu tổng hợp trong các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chính là đơn vị trực tiếp chủ trì và thực hiện nhiệm vụ tham mưu với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về các phương hướng, nhiệm vụ công tác hoặc về quản lý, chỉ đạo, điều hành hay kiểm tra, đôn đốc những việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và của ngành Kiểm sát nhân dân. Ngoài ra Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao còn giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức những phiên họp Ủy ban kiểm sát và thực hiện công việc làm thư ký các phiên họp của Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Theo quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Văn phòng Viện kiểm sát các cấp chính là đơn vị chủ trì và là đầu mối thực hiện công tác tham mưu giúp các Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp, giúp Thủ trưởng đơn vị tổ chức thực hiện các chức năng và các nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo phân cấp quản lý; phải thực hiện công tác quản lý, theo dõi và tổng hợp tình hình hoạt động; thực hiện tham mưu tổ chức kiểm tra, sơ kết và tổng kết, triển khai công tác hằng năm; thực hiện xây dựng các báo cáo và phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội; phải thực hiện công tác hành chính tư pháp và công tác lưu trữ, thông tin liên lạc và những nhiệm vụ nhằm bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Như vậy, công tác tham mưu ở trong ngành Kiểm sát nhân dân chính là tổng thể những hoạt động nhằm trợ giúp công tác lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo nguyên tắc tổ chức và nguyên tắc hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, công tác tham mưu nhằm thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ theo các quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; công tác tham mưu nhằm góp phần bảo đảm pháp luật được thực hiện và chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Quyết định số 275/QĐ-VKSTC-VP ngày 19/6/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng VKSND tối cao.