Lẽ công bằng dường như là một khái niệm còn rất mới mẻ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Khi nhắc đến lẽ công bằng, mọi người thường nghĩ đến khái niệm công lý, bởi ở đâu có công lý, ở đó có công bằng và ngược lại.
Việc áp dụng đa dạng các loại nguồn pháp luật sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cá nhân, cộng đồng và nhà nước. Nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong nhà nước pháp quyền không có nghĩa là chỉ sử dụng một mình pháp luật do nhà nước ban hành. Trái lại, chính trong nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự lại rất cần sử dụng đa dạng các loại nguồn pháp luật, đặc biệt là án lệ, lẽ công bằng. Mặc dù đều là những quy định mới được áp dụng tại BLDS 2015, tuy nhiên án lệ đã được phát triển nhanh chóng và trở thành một trong những nguồn luật được áp dụng phổ biến trong thực tiễn xét xử. Trái lại, lẽ công bằng dường như là một khái niệm còn rất mới mẻ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Khi nhắc đến lẽ công bằng, chúng ta thường nghĩ đến khái niệm công lý, bởi ở đâu có công lý, ở đó có công bằng và ngược lại.
Mục lục bài viết
- 1 1. Công lý là gì:
- 2 2. Các quan điểm về công lý và lẽ công bằng:
- 2.1 2.1. Công lý là sự báo thù, ngang bằng:
- 2.2 2.2. Công lý là được hưởng những gì xứng đáng:
- 2.3 2.3. Công lý là nghĩa vụ hoàn lại, trả lại:
- 2.4 2.4. Công lý là sự trung thành với với các cam kết, thỏa thuận tài sản:
- 2.5 2.5. Công lý là quyền bất khả xâm phạm mà tạo hóa ban cho con người và là tiêu chí đánh giá hệ thống pháp luật:
- 2.6 2.6. Công lý là phương thức tối đa hóa lợi ích cho xã hội:
- 2.7 2.7. Công lý là sự tôn trọng quyền tự do phổ quát của con người:
- 2.8 2.8. Công lý là quan niệm về lối sống tốt đẹp:
1. Công lý là gì:
Trên thế giới, khái niệm công lý, lẽ công bằng đã hình thành, xuất hiện tại thời kỳ La Mã cổ đại. Trong quyển Institutes của Justinian đã có định nghĩa về công lý là quyết tâm mang tính thường trực và vĩnh cửu trong việc thừa nhận những quyền vốn có thuộc về mỗi người. Tuy nhiên, khái niệm công lý tại Việt Nam hiện nay chỉ xuất hiện trong các tài liệu ngôn ngữ từ điển, với quan niệm chung nhất của xã hội với lương tri, đạo lý, lẽ phải, lẽ công bằng, sự đúng đắn, hợp tình, hợp lý, thấu đáo, thỏa đáng. Theo từ điển Tiếng Việt, công lý được hiểu là cái lẽ phù hợp với đạo lý và lợi ích chung của xã hội; sự nhận biết đúng đắn và tôn trọng theo lẽ phải các quyền lợi chính đáng của mọi người, hay còn có nghĩa là lẽ phải, lẽ công bằng, phù hợp với pháp luật đương thời, không thiên lệch, không tự vị.
Ngoài ra, dưới góc độ về ngôn ngữ, còn phải kể đến định nghĩa khái niệm của GS Nguyễn Lân trong cuốn Từ và Ngữ Tiếng Việt, Công lý là sự nhận biết đúng đắn và tôn trọng theo lẽ phải các quyền lợi chính đáng của mọi người. Công: không thiên vị, lý: lý lẽ. Công lý là lẽ công bằng mọi người đều công nhận.
Có thể nói, những định nghĩa nêu trên đã phần nào chỉ ra được bản chất và đối tượng nghiên cứu của khái niệm công lý. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những tiếp cận từ góc độ ngôn ngữ chứ chưa thực sự bám sát được đầy đủ, toàn diện những quy luật, dấu hiệu đặc trưng của công lý.
Trong nền khoa học pháp lý thế giới, John Finnis đã từng đưa ra ba thành tố của công lý mà có thể áp dụng với bất kỳ khái niệm công lý nào:
1. Hướng tới người khác, công lý hướng tới mối quan hệ giữa con người
2. Nghĩa vụ và quyền, công lý liên quan đến những gì thuộc về người khác và những gì người khác có quyền xứng đáng được hưởng.
3. Sự bình đẳng, công lý là sự bình đẳng giữa người với người, tuy nhiên có nhiều cơ chế bình đẳng như: sự tương ứng tỷ lệ (như giữa tỷ lệ đóng góp và quyền tương xứng với tỷ lệ đó), sự cân bằng.
Tuy nhiên, để có thể khái quát một cách toàn diện hơn những dấu hiệu cơ bản, phổ quát và đặc trưng chung của công lý trong nền khoa học pháp lý, chúng ta cần lưu ý một số yếu tố cơ bản sau:
Thứ nhất, công lý là một quan hệ xã hội mang tính lịch sử và tính giai cấp sâu sắc. Công lý chỉ xuất hiện khi cơ sở kinh tế – xã hội của loài người phát triển đến một trình độ nhất định với những đặc trưng về quyền tự hữu, sự phân hóa, bất bình đẳng và xung đột xã hội. Mỗi chế độ định trị, giải cấp thống trị sẽ quy định nội hàm cụ thể của công lý trong xã hội đó.
Thứ hai, công lý làm phẩm hạnh thiết yếu của một xã hội văn minh, tiến bộ, trật tự và ổn định, chấm dứt giai đoạn các thành viên xã hội tự ý sử dụng bạo lực để báo thù. Từ khía cạnh luân lý, đạo đức, công lý là phẩm hạnh tự hoàn thiện mình trong mối quan hệ hướng tới người khác, giúp mỗi cá nhân tăng ý thức, tâm thức thận trọng, giảm tâm thức liều lĩnh, tự tiết chế, kiểm soát những hành vi làm phương hại đến các thành viên khác trong xã hội. Từ khía cạnh pháp lý, công lý là nghĩa vụ, bổn phận của một cá nhân đối với người khác khi quyền bị xâm phạm.
Thứ ba, công lý làm một phẩm hạnh xã hội mang tính chính trị sau sắc, nó khẳng định tính hợp pháp, chính đáng, chính nghĩa, chính thống cho sự ra đời và tồn tại của mỗi chính quyền, là giá trị dân chủ quan trọng để nhân dân đấu tranh bảo vệ các quyền tự do và là cơ chế giúp tạo đồng thuận xã hội, sự bình ổn, ổn định, gắn kết, nhân ái, hài hòa. Do đó mọi cộng đồng xã hội đều có nghĩa vụ bảo vệ công lý.
Thứ tư, xét về bản chất, công lý là đại lượng công bằng, để dàn xếp những mâu thuẫn, xung đột không thể tránh khỏi xảy ra giữa các thành viên xã hội. Ở khía cạnh phổ quát, đại lượng này có thể được quan niệm là công bằng trong phân phối cho mọi người những gì họ xứng đáng, trao cho mỗi người cái họ đáng được hưởng, hay đó là nghĩa vụ hoàn lại, trả lại cho mọi người cái mà họ có quyền được hưởng.
2. Các quan điểm về công lý và lẽ công bằng:
2.1. Công lý là sự báo thù, ngang bằng:
Xuất hiện sớm nhất trong lịch sử văn minh nhân loại là quan niệm công lý là sự “báo thù”, “ngang bằng”. Nguyên tắc áp dụng hình phạt ngang bằng với thiệt hại mà kẻ phạm tội gây ra được đưa ra và áp dụng một cách triệt để, tàn khốc, cứng nhắc một cách cực đoan tại Bộ luật Hammurabi. Nguyên tắc “mắt đền mắt, răng đền răng” (luật Talion) này để thể hiện sinh động ở Điều 196 “Kẻ nào làm hỏng mắt của người dân tự do, kẻ đó sẽ bị người ta chọc mù
mắt”, Điều 197 “Kẻ nào đánh gãy tay của một người tự do, người ta sẽ đánh gãy tay của hắn” hay Điều 230 “Người thợ xây xây nhà không cẩn thận làm đổ nhà chết con chủ nhà thì phải giết con người thợ xây”.
Những “dấu vết” của luật Talion “giết người đền mạng” vẫn còn có thể tìm thấy trong luật hình sự của nhiều quốc gia, đặc biệt là trong những tranh luận về giữ hay bỏ hình phạt tử hình. Thuật ngữ hình phạt tử hình có tên tiếng Anh là “capital punishment”, capital có nguồn gốc từ tiếng Latin là capitalis, trong đó có gốc của từ kaput, có nghĩa là đầu. “Capital punishment” có nghĩa là hình phạt mà khi áp dụng, người bị áp dụng sẽ bị mất đầu, tức là tước bỏ quyền sống của một người. Ngày nay, nhiều dân tộc vẫn coi việc thi hành án tử hình là thực thi công lý nhưng cũng có nhiều dân tộc coi hình phạt tử hình là một hình thức giết người hợp pháp hoặc đơn giản, đó là sự dã man của nguyên tắc báo thù nguyên thủy.
2.2. Công lý là được hưởng những gì xứng đáng:
Công lý còn được quan niệm là “phẩm chất để mỗi người được hưởng những gì mà họ xứng đáng”. Quan niệm này được đưa ra trong tác phẩm Iliad (khoảng năm 750–700 TCN), bản trường ca Hy Lạp cổ nhất trong văn học phương Tây của đại thi hào Homer. Những ý tưởng về công lý, đặc biệt là ý niệm về công lý phân phối, luôn len lỏi, lấp lánh trong suốt quá trình binh lửa giáo gươm và gắn liền với phẩm chất của người chiến binh lúc bấy giờ. Trong khi với nhân vật Agamemnon, công lý luôn đồng nghĩa với báo thù, thì còn đối với người anh hùng Achilles, công lý là sự công bằng trong việc phân chia các phần thưởng một cách xứng đáng tùy theo mức độ đóng góp, cống hiến được ghi nhận mà không nhất thiết phải căn cứ vào thứ bậc xã hội.
Aristoste (384–322 TCN), một trong những người thầy có ảnh hưởng nhất đối với bộ môn triết học chính trị, cho rằng công lý là “cho mọi người những gì họ xứng đáng, trao cho mỗi người cái họ đáng hưởng”. Tuy nhiên, ông lại rất nhấn mạnh về địa vị của các thành viên trong xã hội khi xem xét việc thụ hưởng giá trị công lý, theo đó, công lý là việc đối xử bình đẳng với những người ngang nhau và bất bình đẳng với những người không ngang hàng, tương xứng với sự khác nhau về địa vị của họ. Để áp dụng công lý trong thực tiễn thì phải dựa vào “tính mục đích” và “tính tôn vinh”. Giả sử, khi phân phối một cây sáo, ai sẽ nhận được cây sáo tốt nhất? Câu trả lời là công lý được thực thi nếu cây sáo tốt nhất sẽ dành cho người thổi hay nhất bởi mục đích người ta làm ra cây sáo là để thổi được hay. Từ cách tiếp cận của Aristotle, ngày nay nhiều dàn nhạc thường tiến hành tuyển nhạc công sau màn che để đánh giá chất lượng âm nhạc trong điều kiện loại bỏ mọi sự thiên kiến và phân tâm.
2.3. Công lý là nghĩa vụ hoàn lại, trả lại:
Theo Plato, công lý là “nghĩa vụ hoàn lại, trả lại cho mọi người cái mà họ có quyền được hưởng”, nội dung căn cốt nhất của công lý là “hoàn lại, trả lại cho mọi người cái mà họ có quyền được hưởng”, là mệnh lệnh “để ngăn chặn một người chiếm đoạt thứ mà thuộc về người khác hoặc ngăn chặn việc chiếm đoạt những thứ gì thuộc về mình”. Xuất phát từ quan niệm cho rằng công lý là một phẩm hạnh giúp mỗi người được hưởng những gì mà họ xứng đáng, Thomas Aquinas đã tiếp tục làm sáng tỏ cách tiếp cận này thông qua việc khẳng định “quyền là cái có trước, công lý là điều xuất hiện sau”. Theo ông, khi các quyền được công nhận, thừa nhận thì công lý sẽ xuất hiện nếu các quyền đó bị vi phạm. Do đó xét về bản chất, công lý chính là nghĩa vụ với người khác, nghĩa vụ hoàn lại, trả lại.
2.4. Công lý là sự trung thành với với các cam kết, thỏa thuận tài sản:
Theo David Hume, công lý luôn gắn liền với vấn đề tài sản, không có tài sản thì không có công lý, công lý không có chỗ tồn tại. Sự hình thành tài sản cá nhân, trao đổi hàng hóa và thỏa thuận hợp đồng chính là nền tảng của các giá trị công lý. Căn cốt của phẩm hạnh công lý là sự trung thành với các thiết chế đó. Điều này có vẻ như cường điệu bởi có thể có những cư xử được cho là bất công mà không liên quan đến tài sản. Nhưng Hume lập luận rằng mọi quyền đều có những yếu tố về quyền sở hữu nội tại bên trong chúng, ví dụ như khi tôi hứa đưa bạn đến một rạp hát, tôi đã cam kết thời gian của tôi khi đưa bạn đi là của bạn.
2.5. Công lý là quyền bất khả xâm phạm mà tạo hóa ban cho con người và là tiêu chí đánh giá hệ thống pháp luật:
Truyền thống pháp luật tự nhiên quan niệm công lý là quyền mà tạo hoá ban cho con người, là yêu cầu, đòi hỏi mỗi cá nhân hoặc tổ chức được hưởng những gì mà họ xứng đáng. Lý thuyết về luật tự nhiên cho rằng công lý và bất công không phụ thuộc vào luật thực định (human/positive law). Augustine cho rằng công lý cao hơn nhà nước và là vĩnh cửu. Công lý tự nhiên cao hơn luật pháp. Luật pháp không công bằng thì không phải là luật pháp (Unjust laws are not laws). Thomas Aquinas cho rằng trong thực tế những đạo luật nhân định có thể công bằng hay không công bằng. Công lý là khái niệm cơ sở, có nội hàm rộng hơn khái niệm luật pháp. Những giá trị của công lý cung cấp những tiêu chí quan trọng cơ bản để đánh giá, thẩm định các đạo luật thực định. Một đạo luật công bằng là một đạo luật dựa trên và không đối lập với các quyền tự nhiên. Bất công chính là những hành vi liên quan đến việc vi phạm các quyền tự nhiên như các tội giết người, hành hung, trộm cắp, bắt cóc, nô lệ, hiếp dâm, gian lận hoặc các hành vi gây ảnh hưởng sai lệch nhất định đến sự phân phối thịnh vượng, thu nhập. Không có cách phân phối cụ thể nào được coi là công bằng hoặc không công bằng từ sự lựa chọn của các cá nhân. Sự phân phối lợi ích và chi phí chỉ được coi là công bằng nếu người đó được tự do lựa chọn trao đổi với người khác.
2.6. Công lý là phương thức tối đa hóa lợi ích cho xã hội:
Chủ nghĩa vị lợi của Jeremy Bentham (1748–1832) là một học thuyết lý giải sâu sắc việc tại sao và bằng cách nào chúng ta nên tối đa hóa phúc lợi, hay tìm kiếm hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất. Công lý là làm tăng lợi ích tối đa, hay tổng hạnh phúc của toàn thể xã hội. Một ví dụ điển hình của cách tiếp cận này là đề xuất của Bentham về cơ chế thu gom và quản lý người ăn xin vào các trại tế bần. Với lập luận cho rằng việc gặp người ăn xin trên đường phố sẽ làm giảm hạnh phúc của người qua đường bởi nó gây ra nỗi đau cảm thông hay cảm giác ghê tởm, vì vậy, việc gặp người ăn xin sẽ làm giảm lợi ích của xã hội. Bất kỳ công dân nào gặp người ăn xin có quyền thông báo cho chính quyền sở tại và được thưởng 20 shilling/người. Để đảm bảo tự chủ tài chính cho cơ chế này, Bentham đề xuất mở tài khoản tự do”. Người ăn xin sẽ phải làm việc trong trại tế bần để trả phí tổn sinh sống của họ trong đó có cả khoản tiền của người đã thông báo cho chính quyền sở tại, và sẽ được tự do cho đến khi trang trải đủ kinh phí cho “tài khoản tự do” của mình.
Tại Việt Nam, mô hình TP. Đà Nẵng từ năm 2005–2012 đã thu gom gần 1.000 lượt người ăn xin, lang thang, trong đó khoảng 40% đưa về quản lý, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng, người thông báo cho chính quyền được thưởng 500.000 đồng, chính là “bản sao” của học thuyết công lý theo chủ nghĩa vị lợi.
Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu, cách tiếp cận này còn thiếu vắng những hướng dẫn đạo đức chặt chẽ, nghiêm ngặt, thậm chí còn có phần không tôn trọng phẩm giá con người và quyền cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ “bạo hành” của đa số với thiểu số, cá nhân. Bên cạnh đó, việc triển khai học thuyết này còn gặp nhiều khó khăn trong việc quy đổi thang đo những giá trị hạnh phúc. J.S.Mill (1806–1873), nhà triết học thực chứng người Anh đã góp phần quan trọng trong việc đưa những giá trị nhân văn hơn vào học thuyết, đồng thời khắc phục tính đơn giản và trực quan cố hữu trong việc so đo tính toán thiệt hơn của học thuyết này thông qua yêu cầu bảo đảm thực hiện các quyền cá nhân. Mill đã phát triển công lý theo hướng cho phép con người được làm những gì mà họ có quyền. Ví dụ như nếu tôi là người ăn xin và bạn không cho tôi thức ăn, tôi phải chấp nhận bởi vì tôi không có quyền gì đối với thức ăn đó, bạn có thể là không tốt bụng nhưng bạn không vi phạm quyền của tôi. Theo Mill, thuyết vị lợi không chấp nhận việc cực đại hóa phúc lợi mà quá trình đó vi phạm các quyền cá nhân, không chấp nhận hi sinh cá nhân cho phúc lợi nói chung. Tuy nhiên, trong những trường hợp thực sự cấp thiết như khi nạn đói xảy ra, việc mở kho lương thực cứu tế là cần thiết, quyền tài sản của chủ sở hữu là vô nghĩa. Trong trường hợp như vậy, sẽ là công bằng nếu vượt qua quyền của chủ sở hữu kho lương thực,
2.7. Công lý là sự tôn trọng quyền tự do phổ quát của con người:
Theo Immanuel Kant (1724–1804), công lý cũng bắt nguồn từ khế ước xã hội và con người là một thực thể có lý trí, có phẩm giá và xứng đáng được tôn trọng. Công lý được quan niệm là sự tôn trọng tự do và các quyền cá nhân, sự tôn trọng con người và phẩm giá con người như những mục đích tự thân. Tôn trọng phẩm giá con người có nghĩa là đối xử với con người như một mục đích tự thân. Công lý đòi hỏi chúng ta bảo vệ quyền con người của tất cả mọi người, bất kể họ sống ở đâu hay mức độ chúng ta quen biết họ, đơn giản chỉ vì họ là con người, có lý trí và vì vì thế đáng được tôn trọng.
Công lý là cho mọi người những gì họ xứng đáng được nhận về đạo đức, là thứ để tưởng thưởng và thúc đẩy đạo đức. Kant nhấn mạnh đến tự do và phẩm giá của con người, từ đó nỗ lực kết nối công lý và đạo đức với tự do. Sự nhấn mạnh phẩm giá con người của Kant đã truyền cảm hứng cho các quan niệm về các quyền con người phổ quát ngày nay. Từ khía cạnh tiếp cận này, chúng ta thấy rằng quyền được xét xử công bằng và quyền bình đẳng trước pháp luật là những quyền cơ bản của con người. Xét xử công bằng và bình đẳng trước pháp luật do đó được hiểu chính là sự thi hành công lý.
2.8. Công lý là quan niệm về lối sống tốt đẹp:
Công lý phải gắn liền với những đức tính và quan niệm về lối sống tốt đẹp. Mục sư Martin Luther King đã đưa ra quan điểm về công lý về xóa bỏ chế độ nô lệ từ các tư tưởng đạo đức và tôn giáo là một ví dụ điển hình. Tại Việt Nam, đề xuất “nộp tiền thay nghĩa vụ quân sự năm 2013 khi sửa đổi
Luật Nghĩa vụ quân sự cũng giúp chúng ta hình dung ra quan niệm về công lý, lẽ công bằng trong trường hợp này. Nhà lý luận chính trị thời kỳ khai sáng Jean–Jacques Rouseau (1712–1778) lập luận việc biến một nghĩa vụ công dân thành loại hàng hóa trên thị trường là một sai lầm. Khi trách nhiệm xã hội không còn là việc chính của các công dân thì họ sẽ làm việc chung bằng tiền chứ không phải bằng chính con người họ, và ngày sụp đổ của nhà nước không còn xa.