Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tổ chức công đoàn? Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn? Quyền và trách nhiệm của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động? Quy định về đóng đoàn phí công đoàn? Điều kiện, thủ tục thành lập công đoàn trong doanh nghiệp?
Trong mối quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động thì người lao động bao giờ cũng được xem là đối tượng “yếu thế” hơn so với người sử dụng lao động. Trong nhiều trường hợp, người lao động bị thiệt hại về quyền lợi trong lao động như không được đảm bảo các chế độ phúc lợi; bị ép tăng ca, thời gian làm việc; không được trả lương đúng thời gian quy định trong hợp đồng lao động; xử lý kỷ luật lao động sai quy định…nhưng người lao động không đủ khả năng để tự bảo vệ mình trước tổ chức, doanh nghiệp.
Đây chính là lý do ra đời của tổ chức công đoàn. Nói cách khác, công đoàn là một tổ chức của người lao động, được thành lập với mục đích nhằm bảo lợi quyền và lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, có phải tổ chức, doanh nghiệp nào cũng phải thành lập công đoàn hay không? Nếu không thành lập công đoàn thì có bị xử phạt hay không? Mức xử phạt thế nào?
Luật sư
Trước hết, trong hệ thống tổ chức công đoàn hiện nay gồm có Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, sau là công đoàn các cấp. Công đoàn các cấp gồm công đoàn cơ sở; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương. Trong đó, công đoàn cơ sở được hiểu là cấp công đoàn thấp nhất, được tổ chức, thành lập trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến trường hợp thành lập công đoàn cơ sở.
Mục lục bài viết
- 1 1. Trường hợp phải thành lập công đoàn:
- 2 2. Xử phạt vi phạm trong trường hợp không thành lập công đoàn:
- 3 3. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tổ chức công đoàn:
- 4 4. Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn:
- 5 5. Quyền và trách nhiệm của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động:
- 6 6. Điều kiện, thủ tục thành lập công đoàn trong doanh nghiệp:
1. Trường hợp phải thành lập công đoàn:
Việc thành lập công đoàn được quy định tại Luật Công đoàn năm 2012 và Điều lệ công đoàn Việt Nam được Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII thông qua ngày 24 tháng 9 năm 2018 ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ ngày 03/02/2020 (được viết tắt là Điều lệ công đoàn Việt Nam 2020). Về nguyên tắc, công đoàn được thành lập dựa trên cơ sở tự nguyện, được tổ chức và hoạt động tập trung dân chủ, phù hợp với chính sách, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và pháp luật Việt Nam.
Đối với công đoàn cơ sở, có hai hình thức công đoàn cơ sở có thể được thành lập bao gồm công đoàn cơ sở được thành lập tại cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và nghiệp đoàn được thành lập bởi những người lao động tự do hợp pháp có cùng ngành, nghề, thành lập theo địa bàn hoặc theo đơn vị lao động. Trong đó:
+ Công đoàn cơ sở tại cơ quan, tổ chức doanh nghiệp được thành lập khi đảm bảo điều kiện có ít nhất 05 đoàn viên Công đoàn hoặc có 05 người lao động tự nguyện viết đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam.
+ Nghiệp đoàn được thành lập khi có ít nhất là 10 đoàn viên Công đoàn hoặc 10 người lao động có đơn tự nguyên xin gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Cần lưu ý thêm, theo quy định tại Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ năm 2014 đối với công đoàn cơ sở tại cơ quan, tổ chức doanh nghiệp ngoài điều kiện về số lượng đoàn viên thì các đơn vị này còn phải đảm bảo điều kiện là có tư cách pháp nhân. Theo đó, những đơn vị này phải được thành lập một cách hợp pháp dưới một hình thái nhất định như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn…, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập và nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật. Trong các loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, do đó, doanh nghiệp tư nhân không phải thành lập công đoàn. Nếu người lao động làm việc trong doanh nghiệp tư nhân muốn thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn thì có thể thành lập công đoàn cơ sở ghép với những đơn vị có tư cách pháp nhân khác.
Như vậy, nếu đủ điều kiện nêu trên thì cơ quan, tổ chức có thể thành lập công đoàn. Do công đoàn cơ sở được thành lập trên nguyên tắc tự nguyên nên các doanh nghiệp không bắt buộc phải thành lập công đoàn ngay cả khi có đủ điều kiện. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019 thì người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan có quyền được tham gia, thành lập và hoạt động công đoàn nên người sử dụng lao động không có quyền ngăn cản việc gia nhập, thành lập hay hoạt động công đoàn của người lao động. Đồng thời người sử dụng lao động cũng không được ép người lao động thưc hiện việc tham gia, thành lập, hoạt động công đoàn. Hơn nữa, công đoàn là tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động nên người sử dụng lao động cần tôn trọng nếu người lao động có nhu cầu được gia nhập, thành lập,hoạt động công đoàn.
2. Xử phạt vi phạm trong trường hợp không thành lập công đoàn:
Như đã phân tích nêu trên, pháp luật hiện hành không có quy định về việc bắt buộc doanh nghiệp phải thành lập công đoàn. Do đó, xét về phía người sử dụng lao động trong trường hợp liên quan đến việc thành lập, gia nhận công đoàn có thể áp dụng quy định tại Điều 35 Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01/03/2020.
Công đoàn cơ sở là tổ chức của những người lao động với mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Thiết nghĩ, việc thành lập công đoàn cơ sở là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu, giúp người lao động an tâm làm việc và tin tưởng vào cơ quan, tổ chức. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị thành lập công đoàn cơ sở và người lao động tham gia vào việc thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn.
3. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tổ chức công đoàn:
Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và và của người lao động Việt Nam (gọi chung là người lao động) tự nguyện lập ra dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam; là trường học chủ nghĩa xã hội của người lao động. So với
4. Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn:
Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu từ: Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; Ngân sách Nhà nước cấp, hỗ trợ; Nguồn thu khác từ hoạt động văn hoá, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Nguồn tài chính công đoàn được quy định chi tiết tại Điều 26 Luật công đoàn năm 2012 và được hướng dẫn chi tiết tại Chương 2,3 Nghị định 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013.
Tài chính công đoàn được quản lý và sử dụng theo nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Nghị định 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013. Việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn được quy định cụ thể tại Điều 27 Luật công đoàn năm 2012.
5. Quyền và trách nhiệm của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động:
Quyền và trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
Điều 10 Luật công đoàn năm 2012 quy định quyền và trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Bên cạnh quy định trên Nghị định số 43/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Luật công đoàn 2012 về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Việc đóng đoàn phí công đoàn được quy định tại chương IV Nghị định 1908/NĐ-TLĐ ngày 19/12/2016.
6. Điều kiện, thủ tục thành lập công đoàn trong doanh nghiệp:
Tóm tắt câu hỏi:
Chào anh chị, Công ty em có trụ sở ở ngõ 72 Phố Miếu Đầm, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Công ty em muốn thành lập công đoàn cơ sở. Luật sư có thể tư vấn cho em quy trình thủ tục thành lập công đoàn cơ sở và quy chế hoạt động của công đoàn cơ sở được không? Bên em phải xin phép đơn vị nào không? Em cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 6 Luật công đoàn 2012 về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của công đoàn:
“1. Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
2. Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.”
Điều kiện thành lập công đoàn cơ sở được quy định tại khoản 1 Điều 13 Điều lệ công đoàn Việt Nam 2020: “1. Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, được thành lập ở một hoặc một số đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp, khi có từ 05 đoàn viên hoặc 05 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam”
Công đoàn cơ sở được tổ chức dưới các hình thức như:
– Công đoàn cơ sở không có tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên.
– Công đoàn cơ sở có tổ công đoàn.
– Công đoàn cơ sở có công đoàn bộ phận.
– Công đoàn cơ sở có công đoàn cơ sở thành viên.
Trình tự, thủ tục thành lập Công đoàn cơ sở
(được quy định tại Điều 14 Điều lệ công đoàn Việt Nam 2020 và được hướng dẫn tại Mục 12 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020)
Bước 1: Thành lập Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở:
– Nơi chưa có công đoàn cơ sở người lao động là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên công đoàn được vận động người lao động khác gia nhập công đoàn, liên kết thành lập công đoàn cơ sở thông qua hình thức tổ chức ban vận động.
– Trong quá trình ban vận động tiến hành vận động người lao động gia nhập công đoàn, liên kết thành lập công đoàn cơ sở các thành viên ban vận động cử trưởng ban vận động và liên hệ công đoàn cấp trên gần nhất để được hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ.
– Khi có 05 người trở lên (gồm người lao động đang là đoàn viên công đoàn và người lao động có đơn gia nhập công đoàn) tự nguyện liên kết thành lập công đoàn cơ sở trưởng ban vận động liên hệ công đoàn cấp trên để được giúp đỡ công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở.
Bước 2: Tổ chức Đại hội thành lập công đoàn cơ sở:
a) Thành phần dự đại hội gồm:
– Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.
– Người lao động đang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động đã là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam.
– Đại diện công đoàn cấp trên, người sử dụng lao động và các thành phần khác (nếu có) cùng dự, chứng kiến đại hội thành lập công đoàn cơ sở.
b) Việc tổ chức điều hành đại hội thành lập công đoàn cơ sở do ban vận động thực hiện; có thể mời thêm đoàn viên, người lao động ngoài ban vận động, có kinh nghiệm, uy tín tham gia điều hành hoặc làm thư ký đại hội.
c) Nội dung đại hội thành lập công đoàn cơ sở gồm:
– Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
– Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và công tác chuẩn bị tổ chức thành lập công đoàn cơ sở.
– Công bố danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn.
– Tuyên bố thành lập công đoàn cơ sở.
– Đại diện công đoàn cấp trên phát biểu (nếu có).
– Người sử dụng lao động phát biểu (nếu có).
– Bầu cử ban chấp hành công đoàn cơ sở.
– Bầu cử chủ tịch công đoàn cơ sở.
– Thông qua kế hoạch hoạt động của công đoàn cơ sở.
d) Việc bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn cơ sở thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín, theo Mục 8 củaHướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020. Phiếu bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn phải có chữ ký của trưởng ban vận động thành lập công đoàn cơ sở ở góc trái, phía trên phiếu bầu.
đ) Những nơi do điều kiện sản xuất, kinh doanh, không thể triệu tập toàn thể người lao động có đơn xin gia nhập công đoàn dự đại hội thành lập công đoàn cơ sở thì ban vận động tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự và phát phiếu bầu cử ban chấp hành, chủ tịch công đoàn cơ sở cho đoàn viên tại các phòng, ban, tổ, đội, phân xưởng, nhóm công việc; đồng thời thực hiện công tác kiểm phiếu theo quy định và công bố kết quả bầu cử để toàn thể đoàn viên được biết.
e) Kết thúc đại hội thành lập công đoàn cơ sở, ban vận động bàn giao toàn bộ hồ sơ đại hội cho ban chấp hành hoặc đồng chí chủ tịch mới được bầu, gồm cả danh sách ban vận động để lưu hồ sơ, tài liệu thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.
g) Ban vận động chấm dứt nhiệm vụ sau khi tổ chức thành công đại hội thành lập công đoàn cơ sở.
Bước 3: Lập hồ sơ đề nghị công đoàn cấp trên xem xét, công nhận công đoàn cơ sở:
Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đại hội, ban chấp hành phải lập hồ sơ đề nghị công đoàn cấp trên xem xét, công nhận, gồm có:
– Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và kết quả bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra và các chức danh của ban chấp hành, ủy ban kiểm tra công đoàn.
– Danh sách đoàn viên và đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động.
– Danh sách trích ngang lý lịch ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở.
– Biên bản đại hội thành lập công đoàn cơ sở.
– Biên bản kiểm phiếu bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn cơ sở và biên bản bầu cử tại hội nghị ban chấp hành (nếu có).
Bước 4: Thẩm định hồ sơ
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ thành lập công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên có trách nhiệm:
– Thẩm định quá trình thành lập công đoàn cơ sở đảm bảo tính tự nguyện, khách quan; việc bầu cử tại đại hội thành lập và bầu cử tại hội nghị ban chấp hành theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
– Trường hợp công đoàn cơ sở thành lập đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì ban hành quyết định công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở (nghiệp đoàn cơ sở), ban chấp hành và các chức danh của ban chấp hành theo quy định.
– Trường hợp không đủ điều kiện công nhận đoàn viên hoặc công đoàn cơ sở hoặc các chức danh được bầu, công đoàn cấp trên thông báo bằng văn bản để tập thể người lao động được biết; đồng thời hướng dẫn thực hiện đúng quy trình, thủ tục để được công nhận, hoặc tiếp tục tuyên truyền, vận động người lao động tự nguyện liên kết thành lập công đoàn cơ sở theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Bước 5: Tiếp nhận quyết định công nhận công đoàn cơ sở và triển khai hoạt động:
– Tổ chức họp ban chấp hành công đoàn cơ sở trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đại hội thành lập để bầu ban thường vụ, phó chủ tịch, ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra công đoàn (nếu đủ điều kiện). Quá trình chuẩn bị cần liên hệ công đoàn cấp trên để được hướng dẫn.
– Khi được công đoàn cấp trên công nhận, ban chấp hành công đoàn cơ sở thực hiện các thủ tục khắc dấu; đồng thời triển khai tổ chức các hoạt động theo quy định của Điều lệ và Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; hướng dẫn của công đoàn cấp trên và kế hoạch hoạt động đã được thống nhất tại hội nghị thành lập công đoàn cơ sở.
Theo như đã trình bày ở trên thì việc thành lập công đoàn cơ sở ở công ty bạn theo trình tự như trênvà công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để gửi hồ sơ ở trường hợp của bạn sẽ là Liên đoàn lao động quận Nam Từ Liêm.