Điều kiện làm thẻ căn cước công dân? Công dân đi làm thẻ căn cước công dân mặc áo gì? Khi chụp ảnh làm căn cước công dân được phép mặc áo màu gì?
Thẻ căn cước công dân là “giấy tờ” gắn liền với nhân thân của từng cá nhân, hình ảnh trên thẻ căn cước công dân sẽ được sử dụng là một trong các căn cứ để nhận diện cá nhân đó, do vậy, hình ảnh phải thực sự rõ ràng, chính xác và chân thức. Để đảm bảo được điều đó, thì lúc thực hiện làm thẻ căn cước công dân, công dân phải chú ý trong cách mặc trang phục, đặc biệt là áo.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Thông tư 06/2021/TT-BCA quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân do Bộ Công ban ban hành.
Mục lục bài viết
1. Thẻ căn cước công dân là gì?
Theo giải thích của Luật Căn cước công dân, thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. (Khoản 1, Điều 20), trong đó, căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật căn cước công dân hiện hành.
Thẻ căn cước công dân tiếng Anh là: Citizen identification
Mô tả thẻ căn cước công dân:
– Thẻ Căn cước công dân hình chữ nhật chiều rộng 53,98 mm ± 0,12 mm, chiều dài 85,6 mm ± 0,12 mm, độ dày 0,76 mm ± 0,08 mm, bốn góc được cắt tròn với bán kính r = 3,18 mm ± 0,3 mm. (Khoản 1, Điều 3 Thông tư 06/2021/TT-BCA).
– Nội dung trên thẻ căn cước công dân được ghi nhận ở mặt trước và mặt sau, trong đó: (Khoản 1, Điều 18 Luật Căn cước công dân)
+ Mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh, số thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn;
+ Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.
– Chất liệu: Thẻ Căn cước công dân được sản xuất bằng chất liệu đã được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt.
– Màu sắc của các thông tin trên thẻ Căn cước công dân
+ Dòng chữ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM; Độc lập – Tự do – Hạnh phúc; SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM; Independence – Freedom – Happiness; dòng chữ “Citizen Identity Card”; biểu tượng chíp; Số/No; Họ và tên/Full name; Ngày sinh/Date of birth; Giới tính/Sex; Quốc tịch/Nationality; Quê quán/Place of origin; Nơi thường trú/Place of residence; Có giá trị đến/Date of expiry; Đặc điểm nhân dạng/Personal identification; Ngày, tháng, năm/Date, month, year; CỤC TRƯỞNG CỤC CẢNH SÁT QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ XÃ HỘI/DIRECTOR GENERAL OF THE POLICE DEPARTMENT FOR ADMINISTRATIVE MANAGEMENT OF SOCIAL ORDER; Ngón trỏ trái/Left index finger; Ngón trỏ phải/Right index finger màu xanh;
+ Dòng chữ “CĂN CƯỚC CÔNG DÂN”; dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân màu đỏ;
+ Số Căn cước công dân; các thông tin của người được cấp thẻ Căn cước công dân; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng; ảnh vân tay ngón trỏ trái, ảnh vân tay ngón trỏ phải; thông tin về đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ Căn cước công dân; ngày, tháng, năm được cấp thẻ Căn cước công dân; họ, chữ đệm và tên, chữ ký của người có thẩm quyền cấp thẻ Căn cước công dân; dòng MRZ, mã QR màu đen;
2. Điều kiện làm thẻ căn cước công dân:
Thực tế, làm thẻ căn cước công dân không có bất cứ điều kiện đặc biệt nào, chỉ cần công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân. Công dân phải chủ động thực hiện làm thẻ căn cước công dân.
Theo quy định tại Điều 22 và Điều 24 Luật Căn cước công dân năm 2014 thì thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân là:
Trường hợp cấp thẻ Căn cước công dân:
+ Công dân điền vào tờ khai theo mẫu.
+ Cán bộ làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước công dân; trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong tờ khai theo mẫu. Đối với người đang ở trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thì xuất trình giấy chứng minh do Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân cấp kèm theo giấy giới thiệu của thủ trưởng đơn vị;
+ Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay của người đến làm thủ tục;
+ Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục;
+ Trả thẻ Căn cước công dân theo thời gian và địa điểm trong giấy hẹn theo quy định tại Điều 26 Luật Căn cước công dân; trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước công dân trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu của công dân và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
Trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:
+ Thực hiện như trường hợp cấp thẻ Căn cước công dân;
+ Trường hợp đổi thẻ Căn cước công dân do thay đổi thông tin: về họ, chữ đệm, tên, đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân mà chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân nộp bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi các thông tin trên. Đối với các trường hợp đổi thẻ Căn cước công dân thì sẽ thu lại thẻ cũ. Cụ thể hóa Điều 26 Luật Căn cước công dân thì công dân có thể tới bất kỳ một trong các cơ quan Công an sau: Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an cấp huyện; Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an tỉnh, thành phố; Trung tâm Căn cước công dân quốc gia để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân mà không cần phải tới đúng Công an nơi công dân đăng ký hộ khẩu thường trú (như Chứng minh nhân dân như trước đây).
Đây là một quy định thể hiện sự tiến bộ, là một bước cải cách hành chính quan trọng nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân. Bởi trên thực tế có nhiều người đi học tập, làm việc, du lịch xa quê hương, xa nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú, nếu để quay về làm thủ tục cấp Chứng minh nhân nhân (thẻ Căn cước công dân) thì rất bất tiện, mất thời gian và tốn tiền bạc, công sức. Nhưng giờ đây công dân có thể đến bất kỳ cơ quan Công an nào có thẩm quyền cấp thẻ Căn cước công dân đều có thể được làm thủ tục cấp và thậm chí công dân chỉ cần đi một lần khi làm thủ tục, còn khi nhận thẻ
Căn cước công dân có thể yêu cầu chuyển phát đến tận địa chỉ công dân yêu cầu.
3. Công dân đi làm thẻ căn cước công dân mặc áo gì? Màu gì?
Theo Thông tư 07/2016/TT-BCA, cụ thể tại Điểm d, Khoản 1, Điều 12 quy định rằng: “Ảnh chân dung của công dân là ảnh chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính; trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự, không được sử dụng trang phục chuyên ngành khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân; riêng đối với trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được phép mặc lễ phục tôn giáo, dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân nhưng phải bảo đảm rõ mặt;” Theo quy định này cũng như qua quá trình tìm hiểu các văn bản pháp luật khác, tác giả nhận thấy không có bất cứ quy định nào về trang phục của công dân khi đi làm thẻ căn cước công dân, điều này có nghĩa là trừ việc sử dụng trang phục chuyên ngành (công an, bộ đội, bác sĩ,..) thì công dân có quyền mặc bất cứ trang phục gì (tương đối), đặc biệt là áo khi đi làm thẻ căn cước công dân.
Tuy nhiên, ảnh chân dung trên thẻ căn cước công dân gắn liền với cá nhân trong một thời gian dài nên hầu hết mọi người khá chú trọng, do đó việc lựa chọn cho mình một chiếc áo phù hợp là cần thiết, thông thường người ta sử dụng áo trắng có cổ, tuy nhiên do phong nền ảnh chân dung cũng là màu trắng nên công dân có thể sử dụng một màu áo khác nổi hơn. Nên hạn chế mang áo có độ bóng bởi lúc có ánh sáng sẽ làm cho chất lượng ảnh rất thấp và xấu. Những chiếc áo được lựa chọn nên đơn giản, thanh lịch, lịch sự và có tính chất trưởng thành.
Việc cho phép các công dân theo tôn giáo, dân tộc được phép mặc lễ phục tôn giáo, dân tộc là quy định khá tiến bộ và đặc sắc, thể hiện rõ được nhân thân và lai lịch của công dân trong chính hình ảnh được phản ánh trong căn cước công dân.
Việc không cho phép sử dụng trang phục chuyên ngành là đúng đắn để tạo nền sự đồng đều và thống nhất, không phân biệt nghề nghiệp trong khi xác định nhân thân hay lai lịch của công dân.