Trong thực tiễn đời sống, ta thường nghe đến cụm từ "công chức dự bị". Vậy công chức dự bị là gì? Còn chế độ công chức dự bị không?
Mục lục bài viết
1. Hiểu thế nào là công chức dự bị?
Công chức dự bị là công dân Việt Nam, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, được tuyển dụng để bổ sung cho đội ngũ cán bộ, công chức. Công chức dự bị được phân công làm việc có thời hạn tại các cơ quan, tổ chức sau đây: Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Tòa án nhân dân các cấp; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Bộ máy giúp việc thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Tuyển dụng công chức dự bị là việc tuyển người vào làm việc theo chế độ công chức dự bị thông qua thi hoặc xét tuyển. Theo quy định chung, Cơ quan sử dụng công chức dự bị là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý hành chính, chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức dự bị. Ngoài ra, Cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức là cơ quan được giao thẩm quyền tuyển dụng và quản lý công chức bao gồm cả công chức dự bị.
2. Còn chế độ công chức dự bị không?
Nghị định 115/2003/NĐ-CP quy định rõ về chế độ công chức dự bị do Chính phủ ban hàng. Tuy nhiên, hiện nay, Nghị định này đã hết hiệu lực toàn phần. Đồng thời, các thông tư, nghị định khác cũng không còn hiệu lực. Nên ta có thể hiểu, hiện nay, Nhà nước Việt Nam không còn áp dụng chế động công chức dự bị nữa.
Xét trong thực tiễn, các chương trình tuyển dụng công chức dự bị cũng không còn được tổ chức. Trước đây, khi nghị định liên quan đến việc điều chỉnh chế độ công chức dự bị còn hiệu lực, khi muốn tuyển dụng công chức dự bị, cơ quan sự nghiệp công lập cùng các cơ quan, tổ chức có quyền và nghĩa vụ liên quan khác sẽ tiến hành tuyển dụng. Hiện nay, các hoạt động tuyển dụng này không được tổ chức. Đồng nghĩa với việc các chính sách liên quan đến việc áp dụng chế độ công chức dự bị không được đảm bảo thực hiện.
Từ nội dung phân tích nêu trên, ta có thể trả lời cho câu hỏi “Còn chế độ công chức dự bị không” như sau: Hiện nay, Nhà nước Việt Nam không còn áp dụng chế độ công chức dự bị.
3. Một số thông tin liên quan đến chế độ công chức dự bị:
Để người đọc nắm bắt được những thông tin cụ thể hơn liên quan đến chế độ công chức dự bị, người viết sẽ đưa ra những thông tin liên quan đến chế độ này dựa trên quy định của Nghị định 115/2003/NĐ-CP. Những nội dung, thông tin dưới đây chỉ mang tính phân tích, cập nhật để bạn đọc hiểu rõ hơn về chế độ công chức dự bị. Bởi hiện tại, Nghị định này đã hết hiệu lực toàn bộ.
3.1. Thông tin về việc tuyển dụng công chức dự bị:
– Hoạt động tuyển dụng công chức dự bị được quy định như sau:
+ Việc tuyển dụng công chức dự bị phải thông qua thi tuyển.
+ Người tình nguyện làm việc từ năm năm trở lên ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo hoặc để đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở vùng dân tộc ít người thì việc tuyển dụng có thể được thực hiện thông qua xét tuyển.
– Người đăng ký dự tuyển công chức dự bị phải có đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của ngạch đăng ký dự tuyển và có đủ các điều kiện sau đây:
+ Điều kiện 1: Người đăng ký tuyển dụng công chức dự bị phải là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam;
+ Điều kiện 2: Muốn trở thành công chức dự bị, công dân phải có phẩm chất đạo đức tốt;
+ Điều kiện 3: Tuổi đời của công chức dự bị phải từ đủ 18 tuổi đến 40 tuổi;
+ Điều kiện 4: Muốn trở thành công chức dự bị, các cá nhân đăng ký tuyển dụng phải có đơn xin dự tuyển và lý lịch rõ ràng; có đủ văn bằng, chứng chỉ theo quy định của ngạch đăng ký dự tuyển;
+ Điều kiện 5: Để trở thành công chức dự bị, công dân phải có đủ sức khỏe để đảm nhận nhiệm vụ;
+ Điều kiện 6: Người đăng ký tham gia tuyển dụng phải đang không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
Căn cứ vào tính chất và đặc điểm chuyên môn nghiệp vụ, cơ quan tuyển dụng có thể bổ sung thêm một số điều kiện đối với người dự tuyển.
3.2. Thông tin về ưu tiên trong xét tuyển công chức dự bị:
Những người cam kết tình nguyện làm việc từ năm năm trở lên ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được xét tuyển theo thứ tự ưu tiên sau đây:
– Người dân tộc thiểu số, người cư trú tại nơi tình nguyện làm việc;
– Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động;
– Thương binh;
– Con liệt sĩ;
– Con thương binh, con bệnh binh;
– Người có học vị tiến sĩ đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng;
– Người có học vị thạc sĩ đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; người tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc ở các bậc đào tạo chuyên môn, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện phục vụ nông thôn, miền núi từ hai năm trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.
3.3. Thông tin về chế độ, chính sách đối với công chức dự bị và người hướng dẫn công chức dự bị:
– Công chức dự bị được hưởng 85% bậc lương khởi điểm của ngạch được tuyển dụng; trường hợp công chức dự bị có học vị thạc sĩ phù hợp với yêu cầu tuyển dụng thì được hưởng 85% lương bậc 2 của ngạch được tuyển dụng; công chức dự bị có học vị tiến sĩ phù hợp với yêu cầu tuyển dụng thì được hưởng 85% lương bậc 3 của ngạch được tuyển dụng.
– Những công chức dự bị sau đây được hưởng 100% lương và phụ cấp (nếu có) của ngạch tuyển dụng và các chính sách theo quy định:
+ Làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
+ Làm việc trong các ngành, nghề độc hại nguy hiểm;
+ Là người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện phục vụ nông thôn, miền núi từ hai năm trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.
– Công chức dự bị được hưởng 100% mức lương đang hưởng của ngạch tuyển dụng và kể từ thời điểm này được tính vào thời gian để xét nâng lương theo thâm niên khi đủ thời gian bằng thời gian tập sự quy định, ứng với ngạch tuyển dụng.
– Công chức được cơ quan phân công hướng dẫn công chức dự bị được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 30% mức lương tối thiểu trong thời gian hướng dẫn công chức dự bị.
3.4. Thông tin về việc kỷ luật công chức dự bị:
– Công chức dự bị vi phạm các quy định của pháp luật, nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: Khiển trách; Cảnh cáo; Buộc thôi việc.
– Việc xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo đối với công chức dự bị do người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức dự bị quyết định. Việc xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với công chức dự bị do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức quyết định.
– Công chức dự bị vi phạm pháp luật mà có dấu hiệu của tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Công chức dự bị nếu bị tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì bị buộc thôi việc, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
– Công chức dự bị làm mất mát, hư hỏng trang bị, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
– Công chức dự bị có hành vi vi phạm pháp luật trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ mà có lỗi gây thiệt hại cho người khác thì phải hoàn trả cho cơ quan, tổ chức khoản tiền mà cơ quan, tổ chức đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến công chức dự bị để bạn đọc nắm bắt và tham khảo.
Văn bản tham khảo trong bài viết:
Nghị định 115/2003/NĐ-CP về chế độ công chức dự bị (đã hết hiệu lực, được sử dụng trong bài viết mang tính cung cấp thông tin).