“Công báo” một cụm ít khi được nhắc đến trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, cụm từ này lại rất quen thuộc đối với việc lưu hành nội bộ trong bộ máy quản lý nhà nước. Bởi lẽ, đây được xem là một phương tiện truyền tải những thông tin, dữ liệu…của cơ quan nhà nước với nhau và sau đó sẽ được phổ biến, truyền đạt đến người dân.
Mục lục bài viết
1. Công báo là gì?
Công báo là ấn phẩm thông tin pháp lí chính thức của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Công báo gồm có Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Văn phòng Chính phủ xuất bản và Công báo cấp tỉnh do Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xuất bản.
“Công báo là ấn phẩm thông tin pháp lí chính thức của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” dịch sang tiếng Anh như sau:
Official Gazette is the official legal information publication of the State of the Socialist Republic of Vietnam.
2. Việc đăng công báo được pháp luật Việt Nam quy định thế nào?
Luật ban hành văn bản pháp luật quy định về đăng công báo văn bản quy phạm pháp luật như sau:
- Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan ở Trung ương phải được đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước.
- Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt phải được đăng Công báo cấp tỉnh.
- Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phải được niêm yết công khai và phải được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương. Thời gian và địa điểm niêm yết công khai do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định.
- Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải gửi văn bản đến cơ quan Công báo để đăng Công báo hoặc niêm yết công khai.
- Cơ quan Công báo có trách nhiệm đăng toàn văn văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo chậm nhất là 15 ngày đối với văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan trung ương ban hành, 07 ngày đối với văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ban hành kể từ ngày nhận được văn bản.
- Văn bản quy phạm pháp luật đăng trên Công báo in và Công báo điện tử là văn bản chính thức và có giá trị như văn bản gốc.
3. Trình tự, thủ tục đăng công báo:
- Trình tự, thủ tục gửi đăng công báo như sau:
Thứ nhất, văn bản gửi đăng Công báo phải gồm 01 bản giấy, ghi rõ “Văn bản gửi đăng Công báo” và bản điện tử.
Bản điện tử phải bảo đảm đúng các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Cơ quan ban hành văn bản chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản giấy và bản điện tử.
Thứ hai, thời hạn gửi văn bản đăng Công báo được quy định như sau:
– Thời hạn gửi văn bản đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
+Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành đối với các văn bản quy định tại Khoản 1, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 85 của Nghị định này, cơ quan ban hành có trách nhiệm gửi Văn phòng Chính phủ để đăng Công báo;
+ Thời hạn gửi Điều ước quốc tế để đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thực hiện theo Luật Điều ước quốc tế.
- Thời hạn gửi văn bản đăng Công báo cấp tỉnh: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với các văn bản quy định tại Điều 86 của Nghị định này, cơ quan ban hành có trách nhiệm gửi Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để đăng Công báo.
Thứ ba, tiếp nhận văn bản, đăng Công báo
- Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tiếp nhận văn bản, đăng Công báo; vào sổ, quản lý, lưu giữ đầy đủ các văn bản gửi đăng Công báo để đối chiếu với văn bản đăng trên Công báo khi cần thiết.
- Trong quá trình tiếp nhận văn bản, nếu phát hiện văn bản có sai sót, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải
thông báo ngay cho cơ quan ban hành văn bản biết để kịp thời xử lý và cơ quan ban hành văn bản phải gửi ngay bản chính thức trong ngày để bảo đảm việc đăng Công báo đúng thời hạn quy định.
Thứ tư, thời hạn đăng văn bản trên Công báo
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm đăng văn bản đó trên Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm đăng văn bản đó trên Công báo cấp tỉnh.
- Việc đăng văn bản trên Công báo điện tử được thực hiện đồng thời với việc đăng văn bản đó trên Công báo in và từ cùng một cơ sở dữ liệu.
Thứ năm, gửi, tiếp nhận, đăng Công báo văn bản quy phạm pháp luật ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn
- Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo quy định tại Khoản 1 Điều 146 của Luật phải được gửi đến Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ngay trong ngày công bố hoặc ký ban hành để đăng Công báo.
- Khi nhận được các văn bản quy định trên, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tiếp nhận, vào sổ, sắp xếp, đăng văn bản trong số Công báo gần nhất, bảo đảm văn bản đó được đăng trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản được công bố hoặc ký ban hành.
4. Một số quy định khác về đăng công báo:
Một, hình thức
- Công báo gồm có Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Văn phòng Chính phủ xuất bản và Công báo cấp tỉnh do Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xuất bản.
- Công báo được xuất bản dưới hình thức Công báo in và Công báo điện tử.
- Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về hình thức, thể thức, kỹ thuật trình bày ấn phẩm Công báo.
Hai, nguyên tắc đăng văn bản trên Công báo
- Văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo theo quy định tại Điều 150 của Ban hành văn bản pháp luật.
- Công báo đăng toàn văn, đầy đủ, kịp thời, chính xác các văn bản do cơ quan ban hành gửi đăng Công báo.
- Công báo không đăng văn bản thuộc danh Mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật, Điều ước quốc tế mà các bên thỏa thuận không đăng Công báo.
Ba, trách nhiệm của cơ quan quản lý Công báo và cơ quan ban hành văn bản trong việc gửi đăng Công báo
- Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm xuất bản Công báo in nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quản lý Công báo điện tử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm xuất bản Công báo in cấp tỉnh và quản lý Công báo điện tử cấp tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm về việc không đăng Công báo, đăng chậm, đăng không toàn văn, đầy đủ, chính xác văn bản trên Công báo.
- Cơ quan ban hành văn bản chịu trách nhiệm về việc không gửi hoặc gửi chậm, gửi không đầy đủ, chính xác văn bản để đăng Công báo.
Năm, văn bản đăng trên Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành.
- Điều ước quốc tế đã có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.
- Văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật.
- Quyết định đình chỉ việc thi hành, quyết định xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật.
- Văn bản đính chính văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành.
- Danh Mục văn bản, quy định hết hiệu lực thi hành do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương lập, gửi đăng Công báo.
- Văn bản pháp luật khác do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành.Việc đăng văn bản quy định tại Khoản này do cơ quan ban hành quyết định.
Sáu, văn bản đăng trên Công báo cấp tỉnh
- Văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ban hành.
- Văn bản do cơ quan, người có thẩm quyền ở cấp tỉnh xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật.
- Văn bản đính chính văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ban hành.
- Danh Mục văn bản, quy định hết hiệu lực thi hành do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở cấp tỉnh lập, gửi đăng Công báo.
- Văn bản pháp luật khác do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
- Việc đăng văn bản quy định tại Khoản này do cơ quan ban hành quyết định.
Bảy, giá trị pháp lý của văn bản đăng trên Công báo
Văn bản đăng trên Công báo là văn bản chính thức và có giá trị như bản gốc. Trường hợp có sự khác nhau giữa Công báo in và Công báo điện tử thì sử dụng Công báo in làm căn cứ chính thức.
Tám, mục lục Công báo
Mục lục Công báo là ấn phẩm được xuất bản vào cuối mỗi năm, tập hợp tên các văn bản đã đăng Công báo theo cơ quan ban hành và sắp xếp theo thứ tự thời gian, phục vụ cho việc tra cứu văn bản đăng Công báo.
Chín, Văn bản gửi đăng Công báo
Văn bản pháp luật gửi đăng Công báo phải là bản chính; Điều ước quốc tế gửi đăng Công báo phải là bản sao lục.
Mười, đính chính văn bản đăng Công báo
- Văn bản sau khi đăng Công báo, nếu phát hiện có sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày thì phải được đính chính.
- Trách nhiệmđính chính:
+ Cơ quan ban hành có văn bản đính chính đối với những sai sót do lỗi trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản;
+ Văn phòng Chính phủ có văn bản đính chính đối với những sai sót do lỗi trong quá trình xuất bản Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn bản đính chính đối với những sai sót do lỗi trong quá trình xuất bản Công báo cấp tỉnh trên cơ sở đối chiếu với bản gửi đăng Công báo.
- Văn bản đính chính phải được đăng trên số Công báo gần nhất.
– Việc xuất bản, phát hành Công báo in sẽ được thực hiện như sau:
+ Công báo được xuất bản, phát hành rộng rãi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
+ Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được cấp phát miễn phí cho xã, phường, thị trấn với số lượng 01 cuốn/số/xã, phường, thị trấn theo nhu cầu đăng ký của từng địa phương.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập danh sách xã, phường, thị trấn có nhu cầu nhận Công báo in miễn phí của địa phương mình và gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 01 tháng 12 hằng năm.
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc cấp phát Công báo cấp tỉnh miễn phí ở địa phương.