Điện thoại di động là thiết bị cá nhân có khả năng lưu giữ những thông tin. Vừa qua xuất hiện nhiều trường hợp công dân bị cơ quan công an mời về trụ sở làm việc, sau đó thu giữ điện thoại và yêu cầu cung cấp mật khẩu. Vậy theo quy định của pháp luật thì công an có quyền thu giữ và kiểm tra điện thoại của công dân hay không?
Mục lục bài viết
1. Công an có quyền thu giữ, kiểm tra điện thoại không?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định:
-
Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là quyền của công dân, là một trong những vấn đề bất khả xâm phạm và được pháp luật Việt Nam bảo vệ;
-
Quá trình thu thập, sử dụng, lưu giữ, công khai các thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được sự đồng ý của cá nhân đó; quá trình thu thập, lưu giữ, công khai và sử dụng các thông tin liên quan đến bí mật gia đình bắt buộc phải được các thành viên trong gia đình đồng ý, ngoại trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác.
Tiếp tục căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định thêm: Không ai được quyền xâm phạm trái phép đến chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật gia đình, bí mật cá nhân, bí mật thư tín, bí mật điện tín, điện thoại và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Theo đó, cá nhân được pháp luật bảo vệ về bí mật đời tư, được đảm bảo an toàn về thư tín, điện tín và điện thoại. Do đó quá trình thu thập, sử dụng và công khai các thông tin liên quan đến bí mật cá nhân, thư tín và điện tín, điện thoại cần phải được cá nhân đó đồng ý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn có thể tiến hành thủ tục khám xét, tịch thu, kiểm tra điện thoại của công dân. Cụ thể:
Trường hợp thứ nhất: Khi nhận thấy điện thoại của công dân chứa tang vật về vụ việc vi phạm hành chính:
Căn cứ theo quy định tại Điều 119 Văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022 có quy định về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, trong trường hợp nhận thấy cần thiết phải ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính hoặc hướng tới mục tiêu đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể đưa ra quyết định áp dụng các biện pháp sau đây theo thủ tục hành chính:
-
Tạm giữ người;
-
Áp giải người vi phạm;
-
Khám người;
-
Tạm giữ tang vật, tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép và các loại chứng chỉ hành nghề;
-
Khám phương tiện vận tải và đồ vật;
-
Khám nơi cất giấu tang vật, nơi cất giấu phương tiện vi phạm hành chính;
-
Quản lý người nước ngoài vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trong thời gian thực hiện thủ tục trục xuất;
-
Giao cho gia đình hoặc cho tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong khoảng thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
-
Truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dưỡng bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp đối tượng đó bỏ trốn.
Như vậy, người có thẩm quyền sẽ có quyền khám đồ vật (trong đó có điện thoại di động) trong trường hợp nhận thấy cần phải ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc nhằm mục đích đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 128 của Văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022 có quy định: Việc khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính chỉ được phép tiến hành khi có đầy đủ căn cứ cho rằng trong phương tiện vận tải hoặc trong đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính.
Vì vậy, việc khám xét điện thoại di động theo thủ tục hành chính sẽ chỉ được tiến hành khi có đầy đủ căn cứ cho rằng trong điện thoại di động đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính.
Trường hợp thứ hai: Khi điện thoại di động được xác định là vật chứng trong vụ án hình sự:
Căn cứ theo quy định tại Điều 87 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về nguồn chứng cứ. Theo đó, chứng cứ được thu thập và xác định từ các nguồn sau đây:
-
Vật chứng;
-
Dữ liệu điện tử;
-
Lời khai hoặc lời trình bày;
-
Kết luận giám định, kết luận định giá tài sản;
-
Biên bản trong hoạt động khởi tố, truy tố, điều tra, xét xử hoặc hoạt động thi hành án;
-
Kết quả thực hiện hoạt động ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế;
-
Các loại tài liệu và đồ vật khác.
Tiếp tục căn cứ theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về dữ liệu điện tử. Theo đó, dữ liệu điện tử được xác định là các ký hiệu, chữ số, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc được thể hiện dưới các dạng tương tự khác; được tạo ra, lưu giữ, chuyển đi hoặc nhận được bởi các phương tiện điện tử. Dữ liệu điện tử được thu thập từ mạng máy tính, mạng viễn thông, thu thập từ phương tiện điện tử, trên đường truyền hoặc các nguồn điện tử khác.
Như vậy, theo điều luật nêu trên thì điện thoại di động cũng được xem là một nguồn chứng cứ dưới hình thức dữ liệu điện tử vì điện thoại di động là phương tiện để lưu giữ chữ viết, chữ số, âm thanh, hình ảnh… Hơn thế, dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm và các hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Cơ quan công an có quyền thu giữ dữ liệu điện tử (thu giữ điện thoại di động) căn cứ theo Điều 88, Điều 89, Điều 90, Điều 107 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhằm mục đích:
-
Phát hiện và ngăn chặn hành vi phạm tội xảy ra trên thực tế;
-
Thu thập, cùng cố tài liệu, giấy tờ, chứng cứ chứng minh tội phạm và chứng minh người phạm tội;
-
Thu thập các loại giấy tờ, tài liệu liên quan trực tiếp đến quá trình giải quyết vụ án hoặc đảm bảo cho quá trình thi hành án, xét xử của cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, Điều 196 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định thêm về vấn đề thu giữ phương tiện điện tử và dữ liệu điện tử. Theo đó:
-
Việc thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện và có thể mời các cá nhân có chuyên môn tham gia;
-
Trong trường hợp không thể thực hiện thủ tục thu giữ đối với phương tiện điện tử và dữ liệu điện tử thì cần phải tiến hành hoạt động sao lưu;
-
Khi thu giữ các phương tiện điện tử thì có thể thu kèm theo các thiết bị ngoại vi và các tài liệu, giấy tờ khác có liên quan.
Như vậy, quá trình thu giữ dữ liệu điện tử (điện thoại di động) thì có thể thu giữ kèm theo các thiết bị ngoại vi và các tài liệu có liên quan, nên việc yêu cầu chủ thiết bị điện tử cung cấp mật khẩu là hoàn toàn hợp pháp để giúp cho các cán bộ điều tra có thể khai thác, kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, dữ liệu có liên quan đến vụ án mà mình đang giải quyết.
Nói tóm lại, cơ quan công an có quyền thu giữ và kiểm tra điện thoại của công dân khi thuộc một trong những trường hợp sau:
-
Nếu điện thoại đó là tang vật của vụ việc vi phạm hành chính;
-
Hoặc điện thoại là vật chứng của vụ án hình sự, liên quan đến việc vi phạm pháp luật (hành chính, hình sự).
2. Phải làm gì khi bị công an thu giữ, kiểm tra điện thoại trái pháp luật?
Theo phân tích nêu trên, công an có quyền thu giữ và kiểm tra điện thoại của cá nhân khi thuộc một trong những trường hợp pháp luật cho phép. Hay nói cách khác, công an cũng có quyền thu giữ điện thoại của người vi phạm hành chính hoặc cá nhân vi phạm hình sự khi có đầy đủ bằng chứng, căn cứ chứng minh điện thoại đó là công cụ, phương tiện phạm tội hoặc đó là đồ vật thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Khi thu giữ điện thoại di động của cá nhân hay mở niêm phong kiểm tra điện thoại bắt buộc phải được lập thành biên bản, biên bản đó có đầy đủ chữ ký của các bên có liên quan và người làm chứng, thông tin ghi nhận trong điện thoại cũng cần phải được lập thành biên bản và giao cho người bị thu giữ 01 bản. Sau khi cơ quan chức năng kiểm tra điện thoại di động, nếu xác định điện thoại di động đó không phải là công cụ phương tiện phạm tội hoặc không thể hiện thông tin vi phạm pháp luật thì điện thoại sẽ được bàn giao lại cho người quản lý.
Việc thu giữ, tạm giữ điện thoại di động của cá nhân cần phải có căn cứ và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Công dân hoàn toàn có quyền khiếu nại, tố cáo nếu việc tạm giữ, thu giữ điện thoại của công an không đúng quy định pháp luật. Như vậy, khi bị cơ quan công an ra quyết định thu giữ, kiểm tra điện thoại trái quy định pháp luật, nếu không đồng tình với quyết định đó thì bạn hoàn toàn có thể thực hiện một số quyền như sau:
-
Khiếu nại trực tiếp đến người ra quyết định;
-
Khiếu nại đến cấp trên trực tiếp của người ra quyết định;
-
Khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của pháp luật.
3. Cần lưu ý những gì khi bị công an thu giữ, kiểm tra điện thoại?
Khi bị công an thu giữ và kiểm tra điện thoại thì cần phải lưu ý một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, cần phải lưu ý về thời gian tạm giữ tang vật. Việc tạm giữ tang vật sẽ được chấm dứt khi có một trong số lý do sau:
-
Đã xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt;
-
Hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội;
-
Hoặc quyết định xử phạt đã được thi hành trên thực tế.
Thứ hai, về thẩm quyền tạm giữ. Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật sẽ có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật. Thẩm quyền ra quyết định tạm giữ không phụ thuộc vào giá trị của tang vật vi phạm hành chính.
Thứ ba, người lập biên bản tạm giữ điện thoại và người ra quyết định tạm giữ cần phải có trách nhiệm bảo quản điện thoại đó. Trong trường hợp điện thoại bị mất hoặc bị bán trái quy định của pháp luật, bị đánh tráo hoặc hư hỏng trong quá trình tạm giữ, bị mất linh kiện hoặc thay thế… thì người ra quyết định tạm giữ cần phải có trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật có liên quan.
Trong trường hợp điện thoại vi phạm hành chính bị tạm giữ được niêm phong thì cần phải tiến hành hoạt động niêm phong ngay trước mặt người vi phạm, nếu người vi phạm đó vắng mặt thì cần phải tiến hành hoạt động niêm phong trước mặt đại diện gia đình người vi phạm, đại diện tổ chức hoặc đại diện chính quyền cấp xã hoặc ít nhất 01 người làm chứng. Hoạt động niêm phong điện thoại trong trường hợp điện thoại di động bị thu giữ, kiểm tra cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết, đặc biệt là trong quá trình xác thực và bảo vệ tính toàn vẹn của tài sản trong quá trình thu giữ, chống lại sự can thiệp trái phép từ bên ngoài, tăng cường tính bảo mật và đảm bảo tính vô tư khách quan trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
THAM KHẢO THÊM: