Trong xã hội hiện đại ngày này vẫn không ít người có suy nghĩa di sản thừa kế khi chết đi sẽ để lại cho con trai, Vậy theo quy định pháp luật, con trai có quyền hưởng thừa kế cao hơn con gái đúng không? Dưới đây là bài phân tích làm rõ vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về thừa kế:
Thừa kế là hoạt động thừa hưởng của người sống đối với tài sản do người chết để lại. Đây là một trong những hoạt động quan trọng, phổ biến, gắn liền với quyền và lợi ích của người dân, và chịu sự chi phối và điều chỉnh của bộ luật dân sự.
Phân chia di sản thừa kế là vấn đề nằm dưới sự bảo hộ của pháp luật. Cụ thể, theo quy định của bộ luật dân sự 2015, có hai hình thức phân chia di sản thừa kế cơ bản, đó là phân chia di sản thừa kế theo di chúc và phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.
– Phân chia di sản thừa kế theo di chúc:
+ Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
+ Điều 643 cũng đưa ra những quy định cụ thể và rõ ràng về tính hiệu lực của di chúc. Theo đó, di chúc sẽ có hiệu lực tại thời điểm mở thừa kế. Trừ các trường hợp di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế. Trong trường hợp di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
+ Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Theo đó, con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con thành niên mà không có khả năng lao động vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
Như vậy, trong trường hợp người để lại di sản thừa kế để lại di chúc, thì khi người đó mất, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan có thể tiến hành mở thừa kế. Di sản thừa kế sẽ được phân chia theo ý chí, nguyện vọng của người để lại di sản thừa kế. Nếu Nếu con chưa thành niên, vợ, chồng, con thành niên mà không có khả năng lao động, thì kể cả không có tên nhận di sản thừa kế theo di chúc thì họ vẫn được hưởng 2 phần 3 suất của một người thừa kế theo quy định của pháp luật.
– Phân chia di sản thừa kế theo pháp luật:
Trong trường hợp người chết không để lại di chúc, những người có quyền lợi liên quan sẽ tiến hành phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.
+ Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Điều luật này cũng quy định rõ những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
+ Điều 652 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thừa kế thế vị như sau: Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Như vậy, theo quy định của các điều luật này, trong trường hợp người mất không để lại di chúc, di sản thừa kế sẽ được phân chia theo pháp luật. Theo đó, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng di sản thừa kế do người mất để lại.
2. Con trai có quyền hưởng thừa kế cao hơn con gái đúng không?
Theo nội dung phân tích ở phần 1, có hai hình thức phân chia di sản thừa kế. Đó là phân chia di sản thừa kế theo di chúc và phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.
Đối với việc phân chia di sản thừa kế, quyền hưởng thừa kế của các cá nhân dựa vào mong muốn, ý chí của người lập di chúc. Người lập di chúc sẽ quyết định xem những ai được thừa hưởng tài sản của họ, ai được hưởng nhiều hơn, tỷ lệ tài sản được hưởng là như thế nào. Tức, trong trường hợp thừa kế di sản dựa vào nội dung di chúc, con trai có thể hưởng thừa kế cao hơn con gái và ngược lại (dựa vào ý chỉ chủ quan của người lập di chúc).
Đối với việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật, di sản thừa kế sẽ được chia đều cho các chủ thể thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Hàng thừa kế thứ nhất ở đây là cha mẹ ruột, cha mẹ nuôi, vợ, chồng, con ruột, con nuôi của người để lại di sản thừa kế. Nếu không còn ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất, thì phần tài sản mới được xét để phân chia cho những đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ hai, thứ ba,..Những chủ thể hưởng thừa kế theo pháp luật sẽ được hưởng phần tài sản ngang nhau. Pháp luật chỉ quy định các đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai, thứ ba, chứ không đưa ra quy định về việc con trai có quyền hưởng thừa kế cao hơn con gái. Tức, khi tiến hành phân chia di sản thừa kế theo pháp luật, các cá nhân thuộc diện được hưởng di sản thừa kế sẽ được hưởng phần tài sản bằng nhau, không có sự chênh lệch hơn kém (trừ trường hợp các chủ thể này thỏa thuận về việc phân chia, tặng cho khác).
Ví dụ: Ông Phạm Văn K (89 tuổi), thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh. Vợ của ông mất từ năm 2018. Năm 2020, mọi tài sản chung của hai vợ chồng đã được chuyển sang cho ông K đứng tên (có chữ ký của các con- những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà vợ). Tháng 7 năm 2022, ông K mất không để lại di chúc. Người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông K là con gái Phạm Thị L và con trai Trần Văn M. Hai con của ông làm thủ tục yêu cầu mở khai nhận di sản thừa kế. Theo đó, anh M và chị L được hưởng phần tài sản ngang nhau với khối tài sản mà ông K để lại.
3. Ý nghĩa của quy định về các đối tượng được hưởng thừa kế theo hàng thừa kế mà Nhà nước đưa ra:
Bộ luật dân sự 2015 đã quy định hết sức cụ thể và rõ ràng về các đối tượng được hưởng di sản thừa kế, cũng như việc phân chia di sản thừa kế.
Đối với việc hưởng di sản thừa kế theo di chúc, thì việc phân chia di sản thừa kế phụ thuộc vào mong muốn, ý chí của người lập di chúc. Quy định này thể hiện sự tôn trọng ý kiến, quan điểm của chủ sở hữu tài sản đối với phần di sản thừa kế của mình.
Trong trường hợp người để lại di sản thừa kế không để lại di chúc, phần tài sản của họ sẽ được phân chia theo pháp luật. Bộ luật dân sự 2015 quy định về các chủ thể được hưởng di sản thừa kế theo hàng. Các hàng thừa kế dựa trên quan hệ huyết thống của họ đối với người để lại di sản thừa kế. Điều đặc biệt, luật pháp Việt Nam không đưa ra quy định về sự phân biệt nam nữ khi nhận di sản thừa kế. Điều này thể hiện sự công bằng của luật pháp khi điều chỉnh các quan hệ thừa kế. Xa hơn, nó là biểu hiện của yếu tố công bằng giới tính, thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội.
Như vậy, quy định về các đối tượng được hưởng thừa kế theo hàng thừa kế mà Nhà nước đưa ra vừa mang ý nghĩa điều chỉnh hoạt động phân chia tài sản, vừa đảm bảo các giá trị công bằng xoay quanh vấn đề giới tính trong hoạt động thực thi pháp luật, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Bộ luật dân sự 2015.