Theo cơ chế, chính sách của Nhà nước, có một số đối tượng thuộc diện được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự, trong đó có con của thương binh, bệnh binh.
Mục lục bài viết
1. Con thương binh, bệnh binh có được miễn nghĩa vụ quân sự?
Căn cứ khoản 2 Điều 41 Văn bản hợp nhất số 23/VBHN-VPQH 2019 Luật nghĩa vụ quân sự quy định các đối tượng được miễn nghĩa vụ quân sự bao gồm:
– Con của liệt sĩ.
– Con của thương binh hạng một.
– Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ.
– Một con của thương binh hạng hai.
– Một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
– Một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
– Đối tượng là người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân.
– Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.
Theo quy định trên, trường hợp nếu là con của thương binh hạng một và một con của thương bị hạng hai; con của đối tượng là bệnh binh (phải suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên) thì sẽ được miễn nghĩa vụ quân sự.
2. Hồ sơ, thủ tục xin miễn nghĩa vụ quân sự:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ để được miễn nghĩa vụ quân sự bao gồm:
– Đơn xin miễn nghĩa vụ quân sự.
– Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được miễn gọi nhập ngũ.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Người có yêu cầu tiến hành nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Thẩm quyền quyết định việc miễn nghĩa vụ quân sự: Căn cứ Điều 42 Văn bản hợp nhất số 23/VBHN-VPQH 2019 Luật nghĩa vụ quân sự quy định thẩm quyền quyết định miễn gọi nhập ngũ thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Sau khi nhận được đủ hồ sơ của người yêu cầu, Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, kiểm tra hồ sơ xin miễn nghĩa vụ quân sự, xác minh công dân có thuộc đối tượng được miễn nghĩa vụ quân sự hay không.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ tiến hành thông báo kết quả miễn gọi nhập ngũ với công dân.
3. Danh mục các bệnh được miễn nghĩa vụ quân sự:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP, tiêu chuẩn sức khỏe được tuyển chọn và nhập ngũ bao gồm:
– Tuyển chọn những công dân cơ sức khỏe thuộc loại 1, loại 2, loại 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch
– Đối với các cơ quan, đơn vị, vị trí và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ; lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp thực hiện tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện tuyển chọn bảo đảm tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng.
– Không được gọi những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ) để đi nhập ngũ.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP, cách phân loại về sức khỏe được quy định như sau:
– Căn cứ để phân loại sức khỏe:
Dựa trên cơ sở tại Bảng số 1, Bảng số 2 và Bảng số 3 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP.
– Cách cho điểm sức khỏe:
+ Chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt: điểm 1.
+ Chỉ tình trạng sức khỏe tốt: điểm 2.
+ Chỉ tình trạng sức khỏe khá: điểm 3.
+ Chỉ tình trạng sức khỏe trung bình: điểm 4.
+ Chỉ tình trạng sức khỏe kém: điểm 5.
+ Chỉ tình trạng sức khỏe rất kém: điểm 6.
Như vậy là mỗi chỉ tiêu, sau khi khám bác sỹ cho điểm chẵn từ 1 – 6 vào cột “Điểm”.
– Cách phân loại sức khỏe:
+ 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1: Loại 1.
+ Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2: Loại 2.
+ Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3: Loại 3.
+ Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4: Loại 4.
+ Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5: Loại 5.
+ Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6: Loại 6.
– Cách ghi phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP, cách ghi phiếu sức khỏe cụ thể là:
+ Mỗi chuyên khoa, sau khi khám xét, bác sỹ sẽ cho điểm vào cột “Điểm”.
+ Bác sĩ ghi lý do tại sao cho số điểm đó vào cột “Lý do”.
+ Bác sỹ thực hiện ký và ghi rõ họ tên tại cột “Ký”.
+ Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe căn cứ vào điểm đã cho ở từng chỉ tiêu để kết luận, phân loại sức khỏe theo đúng quy định, ghi bằng số và chữ tại phần kết luận.
+ Sau khi kết luận, Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe có trách nhiệm ký vào phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
+ Chữ ký của Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe được đóng dấu của cơ quan Chủ tịch Hội đồng.
+ Chữ ký của Chủ tịch Hội đồng khám phúc tra sức khỏe được đóng dấu của đơn vị quyết định thành lập Hội đồng khám phúc tra sức khỏe.
Bên cạnh việc đảm về tiêu chuẩn sức khỏe, công dân còn phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn về tuổi đời, trình độ văn hóa, chính trị,…
Dưới đây là danh mục các bệnh miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự bao gồm:
TT | TÊN BỆNH | MÃ BỆNH ICD10 |
1 | Tâm thần: – Tâm thần phân liệt – Rối loạn loại phân liệt – Rối loạn hoang tưởng dai dẳng – Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời – Rối loạn hoang tưởng cảm ứng – Rối loạn phân liệt cảm xúc – Rối loạn loạn thần không thực tổn khác – Loạn thần không thực tổn không biệt định | (F20- F29) |
2 | Động kinh | G40 |
3 | Bệnh Parkinson | G20 |
4 | Mù một mắt | H54.4 |
5 | Điếc | H90 |
6 | Di chứng do lao xương, khớp | B90.2 |
7 | Di chứng do phong | B92 |
8 | Các bệnh lý ác tính – Nhóm bệnh u ác tính – Nhóm bệnh u tân sinh tại chỗ – Bệnh đa hồng cầu – Hội chứng loạn sản tuỷ xương – U tân sinh khác không chắc chắn hoặc không biết sinh chất của mô ulympho, mô tạo huyết và mô liên quan | C00 đến C97; D00 đến D09; D45-D47 |
9 | Người nhiễm HIV – Nhiễm trùng và ký sinh trùng trên người nhiễm HIV – U ác tính trên người nhiễm HIV – Bệnh HIV dẫn đến các bệnh xác định khác – Bệnh HIV dẫn đến bệnh lý khác – Bệnh do HIV không xác định | B20 đến B24, Z21 |
10 | Người khuyết tật mức độ đặc biệt nặng và nặng |
4. Công dân trốn khám nghĩa vụ quân sự bị xử phạt thế nào?
Nếu như công dân nào có hành vi trốn tránh khám sức khỏe sẽ bị xử lý theo quy định. Cụ thể theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP, mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự 2023 như sau:
– Hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự và không đưa ra được lý do chính đáng: mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng.
– Hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo đúng quy định của pháp luật về nghĩa vụ: phạt tiền từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
– Mức phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với những hành vi sau:
+ Hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của chính người được khám sức khỏe với mục đích để trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
+ Có hành vi hối lộ đưa tiền hay các vật chất có giá trị khác trị giá dưới 2 triệu đồng cho đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm đi nghĩa vụ quân sự.
– Đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự: chịu mức phạt tiền từ 25 triệu đồng đến 35 triệu đồng.
5. Mẫu đơn xin miễn nghĩa vụ quân sự:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
_____***_____
ĐƠN XIN TẠM HOÃN/MIỄN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
Kính gửi: Đồng chí Chủ tịch UBND………
Tôi tên là……. sinh ngày…………
Nghề nghiệp………
CMND/CCCD số………ngày cấp………nơi cấp……….
Hộ khẩu thường trú………..
Nay tôi làm đơn này kính mong đồng chí Chủ tịch UBND………xem xét cho tôi được tạm hoãn/miễn nghĩa vụ quân sự.
Lý do: ………theo Điều 41 của Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 (Kèm theo giấy tờ có liên quan).
Tôi cam đoan những gì trình bày ở trên là hoàn toàn đúng sự thật, nếu có gì sai trái tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
………,ngày…../…../….. Người làm đơn (Ký và ghi rõ họ tên) |
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Văn bản hợp nhất số 23/VBHN-VPQH 2019 Luật nghĩa vụ quân sự
Nghị định 37/2022/NĐ-CP của Chính Phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam.
Thông tư 148/2018/TT-BQP quy định về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành.
Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định về việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.