Có những trường hợp sau khi vợ chồng ly hôn thì người vợ mới biết mình đã có thai và sinh con sau khi vợ chồng ly hôn. Vậy con sinh ra sau khi ly hôn là con chung hay con riêng?
Mục lục bài viết
1. Con sinh ra sau khi ly hôn là con chung hay con riêng?
Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về xác định cha, mẹ như sau:
– Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
– Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do chính người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
– Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
– Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Theo đó, pháp luật quy định con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do chính người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Thời điểm chấm dứt hôn nhân được xác định trong hai trường hợp sau:
– Chấm dứt hôn nhân do ly hôn: thời điểm chấm dứt hôn nhân do ly hôn kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
– Chấm dứt hôn nhân do vợ hoặc chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết: thời điểm chấm dứt hôn nhân do vợ hoặc chồng chết chính là thời điểm mà vợ hoặc chồng chết, còn nếu trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân sẽ được chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án.
Như vậy, con sinh ra sau khi ly hôn trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân (tức kể từ thời điểm bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật) được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân, theo quy định của pháp luật, con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Còn nếu trong trường hợp con được sinh ra trong thời gian đã vượt quá 300 ngày kể từ thời điểm bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì đó không phải con chung của vợ chồng (đã ly hôn) mà là con riêng của người vợ.
Ngoài ra, để xác định con chung hay còn riêng còn phải xét về mối quan hệ huyết thống. Nếu như con sinh ra sau khi ly hôn trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật nhưng người con đó không phải con đẻ của người chồng cũ thì khi đó người chồng cũ hoặc người mẹ (vợ cũ) có thể thực hiện thủ tục yêu cầu ra Tòa án để xác định cha con và từ thời điểm quyết định/bản án của Tòa án có hiệu lực quyết định về việc người con sinh ra sau khi ly hôn trong thời hạn 300 ngày ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân không phải con đẻ của người chồng cũ thì người con được sinh ra sau khi ly hôn chính là con riêng của hai người.
2. Con sinh ra sau khi ly hôn có được hưởng thừa kế từ người cha:
Căn cứ phân tích ở mục trên, có 03 trường hợp xảy ra để xác định con sinh ra sau khi ly hôn là con chung hay con riêng:
– Trường hợp 1: Con sinh ra sau khi ly hôn trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân
Ở trường hợp này, con sinh ra sau khi ly hôn là con chung của vợ chồng (đã ly hôn).
– Trường hợp 2: Con sinh ra sau khi ly hôn trong thời gian đã vượt quá 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân
Ở trường hợp này, con sinh ra sau khi ly hôn không phải là con chung của vợ chồng (đã ly hôn), trừ khi người con này là con đẻ của người chồng (cũ), khi đó các bên phải thực hiện thủ tục xác nhận cha con thông qua thủ tục hành chính theo Luật Hộ tịch hoặc yêu cầu Tòa án xác định theo quy định của pháp luật Tố tụng dân sự.
– Trường hợp 3: Con sinh ra sau khi ly hôn trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân nhưng không phải con đẻ của người chồng (cũ)
Ở trường hợp này, người con được xác định là con riêng của người vợ (cũ), tương tự như trường hợp 2, các bên phải thực hiện thủ tục xác nhận cha con thông qua thủ tục hành chính theo Luật Hộ tịch hoặc yêu cầu Tòa án xác định theo quy định của pháp luật Tố tụng dân sự.
Con sinh ra sau khi ly hôn có được hưởng thừa kế từ người cha (chính là người chồng đã ly hôn trước khi người con ra đời) sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp đã nêu trên. Nếu người cha (người chồng cũ đã ly hôn trước khi người con ra đời) để lại di chúc (di chúc hợp pháp) chỉ định người con sinh ra sau khi ly hôn này được thừa kế tài sản của mình thì sẽ thực hiện theo di chúc. Còn nếu như tài sản được chia theo pháp luật thì tùy từng trường hợp sau:
– Nếu thuộc trường hợp 1: con được xác định là con đẻ của người chồng cũ đã ly hôn trước khi người con ra đời, thế nên vẫn được quyền hưởng thừa kế (kể cả thừa kế theo pháp luật hoặc thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc).
– Nếu thuộc trường hợp 2: con được xác định không phải là con đẻ của người chồng cũ đã ly hôn trước khi người con ra đời, nên người con này không được hưởng thừa kế, trừ khi người chồng cũ đã ly hôn trước khi người con ra đời thực hiện thủ tục xác nhận cha con (nếu là con đẻ) thì người con được quyền hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật.
– Nếu thuộc trường hợp 3: Sau khi người chồng cũ đã ly hôn trước khi người con ra đời đã làm thủ tục yêu cầu xác định cha con, sau khi quyết định của Tòa án có hiệu lực thì con được xác định là con riêng của người vợ cũ, nên người con này không được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật.
3. Con sinh ra sau khi ly hôn người cha có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con:
Theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, căn cứ quy định này thì một trong các quyền và nghĩa vụ của người cha đối với con sinh ra sau khi ly hôn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân (người con đó là con đẻ của người này) đó là cấp dưỡng cho con. Còn nếu như người con sinh ra sau khi ly hôn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân, nhưng không phải con đẻ và đã thực hiện thủ tục xác định cha con theo thủ tục hành chính hoặc theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc con sinh ra sau khi ly hôn trong thời gian đã vượt quá 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân (không phải con đẻ) thì người này không có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho người con đó.
Nếu trong những trường hợp người cha có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sinh ra sau khi ly hôn, mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng sẽ do người cha (người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn) và người đang trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn (thông thường là người mẹ) thỏa thuận với nhau, nếu như các bên không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Căn cứ yêu cầu mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng phụ thuộc vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng (người cha không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn) và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng (người con được sinh ra sau khi ly hôn).
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
– Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.