Theo quy định của pháp luật hiện nay, nếu bố mẹ chết không để lại di chúc thì sẽ được chia thừa kế theo pháp luật và chia theo hàng thừa kế nhất định. Nhiều người thắc, con dâu và con rể sẽ thuộc hàng thừa kế thứ mấy theo pháp luật?
Mục lục bài viết
1. Con dâu, con rể thuộc hàng thừa kế thứ mấy theo pháp luật?
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về hàng thừa kế. Hàng thừa kế chính là khái niệm để chỉ một nhóm người thừa kế theo pháp luật có quyền ngang nhau trong việc thừa hưởng di sản mà người chết để lại. Các hàng thừa kế được sắp xếp theo một trật tự nhất định và tuyệt đối trên nguyên tắc những người ở hàng thừa kế trước có mối quan hệ thân thiết gần gũi hơn với những người để lại di sản so với người ở hàng thừa kế sau. Việc hưởng di sản của những người thuộc hàng thừa kế trước sẽ loại trừ quyền hưởng di sản của những người thuộc hàng thừa kế sau. Theo quy định của pháp luật, cụ thể là tại Điều 651 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về những người thừa kế theo pháp luật. Theo đó thì những người thừa kế theo pháp luật sẽ được quy định theo thứ tự sau đây:
– Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của pháp luật hiện nay bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Những người thuộc hàng thừa kế thứ hai theo quy định của pháp luật hiện nay bao gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Những người thuộc hàng thừa kế thứ ba theo quy định của pháp luật hiện nay bao gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Ngoài ra theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì những người ở cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản mà người chết để lại bằng nhau. Bên cạnh đó thì những người ở hàng thừa kế sau chỉ được phép hưởng thừa kế nếu như không còn ai thuộc hàng thừa kế trước đó do họ đã chết hoặc họ không có quyền hưởng di sản thừa kế, Những người thuộc hàng thừa kế trước đó đã bị truất quyền hưởng di sản theo quy định của pháp luật hoặc tự nguyện từ chối nhận di sản không nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ tài sản đối với người khác.
Như vậy theo như phân tích ở trên, con dâu và con rể không thuộc hàng thừa kế nào của bố mẹ chồng hoặc bố mẹ vợ.
2. Con dâu, con rể có được hưởng di sản thừa kế của cha mẹ chồng, cha mẹ vợ không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 609 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về quyền thừa kế, theo đó thì cá nhân sẽ có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình và để lại tài sản của mình cho những người thừa kế theo pháp luật, cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Những người thừa kế không là cá nhân sẽ có quyền hưởng di sản mà người chết để lại theo di chúc. Theo đó thì có thể nói, pháp luật hiện nay có quy định, cá nhân sẽ có quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc hưởng di sản theo pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại Điều 80 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 hiện nay có quy định về một số quyền và nghĩa vụ của con dâu, con rể đối với cha mẹ vợ và cha mẹ chồng. Trong đó thì có trường hợp, nếu Như con dâu và con rể chung sống với cha mẹ chồng hoặc cha mẹ vợ thì các bên sẽ phát sinh nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm và chăm sóc, giúp đỡ nhau theo quy định của pháp luật. Vấn đề này trước hết được xuất phát từ mục đích nhân đạo và mối quan hệ giữa con dâu và con rể với cha mẹ vợ và cha mẹ chồng trong cùng một gia đình với nhau. Về vấn đề thừa hưởng di sản thì cần phải căn cứ vào chế định thừa kế được ghi nhận tại Bộ luật dân sự năm 2015. Để trả lời được câu hỏi: Con dâu và con rể có được hưởng di sản thừa kế của cha mẹ chồng hoặc cha mẹ vợ hay không? Thì cần phải xem xét trường hợp, con dâu và con rể có thuộc những trường hợp được thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật của cha mẹ chồng và cha mẹ vợ hay không.
Thứ nhất, trong trường hợp cha mẹ chồng hoặc cha mẹ vợ chết không có di chúc, hoặc có di chúc, tuy nhiên di chúc đó không hợp pháp và không thỏa mãn đầy đủ các điều kiện có hiệu lực căn cứ theo quy định tại Điều 630 của Bộ luật dân sự năm 2015, thì di sản của người chết để lại sẽ được thừa kế theo pháp luật. Chia thừa kế theo pháp luật thì cần phải tuân thủ theo hàng thừa kế được ghi nhận tại Điều 651 của Bộ luật dân sự năm 2015 như đã phân tích ở trên. Theo đó thì trong trường hợp hưởng thừa kế theo pháp luật, con dâu và con rể sẽ không nằm trong diện được hưởng di sản thừa kế mà cha mẹ chồng hoặc cha mẹ vợ để lại. Do vậy cho nên trong trường hợp này, con dâu và con rể sẽ không được hưởng di sản thừa kế của cha mẹ chồng và cha mẹ vợ.
Thứ hai, mặc dù con dâu và con rể không nằm trong diện được hưởng thừa kế theo hàng thừa kế khi chia thừa kế theo quy định của pháp luật, tuy nhiên trong trường hợp cha mẹ chồng và cha mẹ vợ có để lại di chúc dành phần tài sản của mình cho con dâu hoặc con rể, di chúc đó hợp pháp và thỏa mãn đầy đủ các yếu tố có hiệu lực căn cứ theo quy định tại Điều 630 của Bộ luật dân sự năm 2015, thì trong trường hợp này, con dâu và con rể vẫn sẽ được hưởng thừa kế theo di chúc của cha mẹ vợ và cha mẹ chồng.
3. Quyền và nghĩa vụ của con dâu, con rể đối với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ:
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của con dâu hoặc con rể đối với cha mẹ chồng và cha mẹ vợ. Trước tiên cần phải căn cứ theo quy định tại Điều 80 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, trong đó có ghi nhận, trường hợp con dâu và con rể chung sống với cha mẹ chồng hoặc chung sống với cha mẹ vợ, thì giữa các bên sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ tôn trọng lẫn nhau, chăm sóc và giúp đỡ lẫn nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Theo đó thì có thể kể đến một số quyền và nghĩa vụ của con dâu, con rể đối với cha mẹ chồng và cha mẹ vợ ghi nhận cụ thể tại Điều 70 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
– Có quyền được cha mẹ yêu thương và tôn trọng, thực hiện các lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật, có quyền được học tập và vui chơi giải trí, có quyền được giáo dục và phát triển lành mạnh về trí tuệ và đạo đức, phát triển về thể chất;
– Có nghĩa vụ yêu quý và biết ơn, kính trọng và hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ vợ và cha mẹ chồng, có nghĩa vụ giữ gìn danh dự và truyền thống tốt đẹp của gia đình bên vợ hoặc gia đình bên chồng;
– Có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp và tự do cư trú, tự do học tập và nâng cao trình độ văn hóa, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân, tham gia các hoạt động về chính trị và kinh tế, văn hóa xã hội theo nhu cầu và nguyện vọng của bản thân, phù hợp với khả năng của mình, khi sống cùng với cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng thì con dâu và con rể bà có nghĩa vụ tham gia giúp đỡ các công việc trong gia đình, lao động sản xuất và tạo ra thu nhập nhằm đảm bảo cho đời sống chung của gia đình bên vợ hoặc gia đình bên chồng, cần phải đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu và nguồn sống chung của gia đình phù hợp với khả năng của bản thân;
– Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp mà mình đã bỏ ra vào tài sản của gia đình;
– Có nghĩa vụ chăm sóc và nuôi dưỡng cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng đặc biệt là khi cha mẹ mất đi năng lực hành vi dân sự, khi cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng ốm đau già yếu, khuyết tật, trong trường hợp gia đình có nhiều con thì các con cần phải cùng nhau chăm sóc và nuôi dưỡng cha mẹ của mình.
Mặc dù không thuộc hàng thừa kế theo như phân tích ở trên, tuy trên xuất phát từ mục đích nhân đạo thì pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện nay vẫn quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của con dâu và con rể đối với cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng của mình.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.