Con có quyền yêu cầu cha mẹ chia đất cho không? Thủ tục tặng cho, chia đất cho con?
Quyền sử dụng đất là tài sản có giá trị đối với mỗi người dân. Hầu hết hiện nay, khi cha mẹ có tuổi thường sẽ nghĩ đến việc chia đất cho các con để tránh sau này khi mất đi, các con không thể thỏa thuận được việc chia di sản dẫn đến tranh chấp mất đi tình cảm gia đình anh em ruột thịt. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, con cái lại yêu cầu cha mẹ phải chia đất cho mình. Vậy theo quy định hiện hành, con có quyền yêu cầu cha mẹ chia đất cho không?
Căn cứ pháp lý:
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Con có quyền yêu cầu cha mẹ chia đất cho không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi năm nay 30 tuổi. Cha và mẹ tôi đã ly dị lúc tôi còn nhỏ, tôi sống và nhập hộ khẩu với ông bà nội, lúc đó cha tôi có gia đình khác và được ông bà nội cho đất trong ruộng để ở riêng. Khi tôi học lớp 6 thì mẹ tôi cũng lập gia đình khác và xin bà nội cho phép tôi về ở cùng mẹ và cha dượng (hộ khẩu tôi vẫn ở cùng ông bà nội). Vào khoảng 2 năm trước cha tôi cùng dì và 3 đứa em cùng cha khác mẹ của tôi dọn về ở cùng ông bà nội tôi và nhập hộ khẩu tất cả vào cùng. Được 1 năm thì ông nội tôi mất. Năm nay bà nội tôi vẫn còn nhưng bà hơi đãng trí vì quá già! Dì tôi bắt đầu giành quyền, mỗi lần tôi ghé thăm bà thì lại nói chuyện chặn đầu không muốn tôi giành phần. Riêng cha tôi không làm gì cả. Người con trai giữa thì rất quậy mới ra tù, lại nghe theo bà dì, nên cứ tôi ghé thăm bà là kiếm chuyện. Nay tôi không thể chịu được nên muốn hỏi rằng tôi có được quyền yêu cầu cha tôi chia đất đai hay không? Sẽ được chia thế nào?
Luật sư tư vấn:
Việc bạn hay gia đình bố bạn gồm bố, dì, 3 người em cùng cha khác mẹ đang ở chung sổ hộ khẩu với ông bà nội bạn không đồng nghĩa mọi người đều có quyền sở hữu đối với khối tài sản này. Căn cứ vào thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp cho hộ gia đình hay cấp cho cá nhân. Nếu cấp cho hộ gia đình, thì bạn xem xét tại thời điểm cấp hộ gia đình gồm những ai thì những người đó có quyền yêu cầu phân chia tài sản chung.
Nếu đất đai được cấp cho ông bà nội bạn thì đây là tài sản chung của ông bà nội bạn. Bạn chưa nói rõ ông bà nội bạn có mấy người con, ngoài bố bạn còn người con nào nữa không? Ông nội bạn mất, nếu có di chúc để lại thì phân chia tài sản theo di chúc, nếu không có di chúc thì sẽ chia thừa kế theo pháp luật như sau:
+ Tài sản của ông bà nội bạn sẽ chia làm 2 phần bằng nhau, 1 phần của bà nội bạn, không ai có quyền tranh chấp. Phần còn lại của ông nội bạn sẽ chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất quy định tại Khoản 1 Điều 651
” Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;“
Như vậy, bố bạn là một trong những hàng thừa kế được hưởng phần đất là di sản thừa kế để lại của ông bạn. Tuy nhiên, câu hỏi bạn đang thắc mắc là thời điểm hiện tại, bạn có quyền yêu cầu bố bạn đất mà ông được hưởng cho bạn hay không? Câu trả lời là không. Trường hợp bạn nêu ý kiến muốn bố bạn chia đất cho bạn thì xảy ra hai trường hợp sau;
+ Nếu bố bạn không đồng ý thì không ai có quyền yêu cầu bố bạn phải chia. Mọi hành vi ép buộc ý chí tự nguyện của bố bạn thì tùy vào mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự; nếu gây ra thiệt hại cho bố bạn hoặc cho bên thứ ba thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
+ Bố của bạn đồng ý chia đất thì việc chia sẽ do bố bạn quyết định, phù hợp quy định pháp luật.
Điều 194 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, để thừa kế, cho vay; từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.
Điều kiện định đoạt được quy định tại Điều 193 Bộ luật dân sự 2015 như sau :
– Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện và không trái quy định của pháp luật. Người chỉ được coi là mất năng lực hành vi dân sự nếu có đủ các điều kiện sau: Người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi; Có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan và phải được
– Việc định đoạt tài sản phải phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định pháp luật trong trường hợp pháp luật có quy định trình tự, thủ tục định đoạt tài sản.
Như vậy, việc chia cho mỗi người bao nhiêu đất sẽ phụ thuộc vào ý chí của bố bạn trong trường hợp này đối với phần đất mà bố bạn được hưởng thừa kế từ ông nội của bạn. Bố bạn quyết định chia cho mỗi người bao nhiêu thì người được nhận sẽ được hưởng số tài sản trong phạm vi được tặng, cho, trừ trường hợp người nhận từ chối phần tài sản được tặng, cho.
Ngoài ra, để tặng cho được đất cho bạn, cần thực hiện khai nhận di sản thừa kế đối với phần đất là di sản mà ông nội bạn để lại. Sau khi hoàn tất thủ tục trên, trường hợp bố bạn được nhận suất thừa kế, bố bạn thực hiện thủ tục tặng cho đất nếu đề nghị nhận đất của bạn được bố bạn đồng ý. Việc cho đất bạn không liên quan đến người dì của bạn bởi tài sản được nhận thừa kế được coi là tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân và dì bạn không chứng minh được công sức đóng góp gì với phần đất này.
2. Thủ tục tặng cho, chia đất cho con:
2.1. Điều kiện tặng cho quyền sử dụng đất:
Người sử dụng đất được thực hiện quyền tặng cho quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
– Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai 2013;
– Đất không có tranh chấp;
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
– Trong thời hạn sử dụng đất.
2.2. Thủ tục tặng cho đất cho con:
Trường hợp đất đủ điều kiện tặng cho theo quy định trên, thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất được thực hiện như sau:
Bước 1: Lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất
Bạn cần chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu sau đây:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
– Giấy tờ nhân thân bên tặng cho, bên nhận tặng cho: CMND/CCCD, hộ khẩu của bạn và bố bạn;
– Giấy khai sinh của bạn: Đây là giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân để áp dụng quy định miễn thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ trong trường hợp tặng cho đất giữa người có quan hệ huyết thống. Trường hợp bị thất lạc giấy khai sinh, bạn có thể liên hệ UBND xã/ phường nơi bạn đã đăng ký khai sinh để xin cấp bản trích lục khai sinh.
– Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu tại Văn phòng công chứng.
Bước 2: Công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất
Việc công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất được thực hiện tại văn phòng công chứng thuộc tỉnh nơi có đất. Ví dụ: Đất của bạn tại Quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội thì văn phòng công chứng có được phép công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là những văn phòng công chứng có trụ sở tại thành phố Hà Nội (lưu ý: không nhất thiết phải là văn phòng công chứng tại Quận Hoàn Kiếm)
Sau khi nộp đầy đủ hồ sơ tại bước 1 đến Văn phòng công chứng, văn phòng công chứng có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, khi xác định có đầy đủ tính chất pháp lý thì sẽ thực hiện công chứng hợp đồng.
Bạn và bố bạn phải có mặt trước mặt công chứng viên, được công chứng viên giải thích rõ về quyền và lợi ích của mình khi ký vào văn bản công chứng, ký và điểm chỉ vào hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất trước sự làm chứng của công chứng viên.
Bước 3: Sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bạn nộp bộ hồ sơ sang tên đến Văn phòng đăng ký đất đai cấp quận/ huyện nơi có đất hoặc bộ phận một cửa Ủy ban nhân dân quận/huyện để thực hiện sang tên. Hồ sơ bao gồm:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
– Hợp đồng tặng cho đã công chứng;
– Giấy tờ nhân thân các bên (bản sao y);
– Giấy khai sinh (bản sao y);
– Và các tờ khai, mẫu đơn đăng ký sang tên quyền sử dụng đất theo mẫu quy định.