Có nhiều trường hợp, cha mẹ cho người quen vay một số tiền nhưng đến khi cha mẹ qua đời thì người đó không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Vậy con có được quyền đòi nợ thay bố mẹ khi bố mẹ đã mất hay không?
Mục lục bài viết
1. Con có được quyền đòi nợ thay bố mẹ đã mất không?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 463 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về hợp đồng vay tài sản. Theo đó, hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, trong đó, bên cho vay tài sản sẽ giao tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình cho bên vay. Khi đến thời hạn cần phải trả, bên vay sẽ phải có nghĩa vụ và có trách nhiệm hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, đúng chất lượng. Đồng thời, bên vay sẽ chỉ phải trả lãi nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật liên quan có quy định. Như vậy, hợp đồng vay tài sản là một trong những hình thức của hợp đồng dân sự.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 194 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về quyền định đoạt của chủ sở hữu. Theo đó, chủ sở hữu sẽ có quyền mua bán, trao đổi, tặng cho, để thừa kế, cho vay, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác sao cho phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.
Căn cứ theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về tài sản. Tài sản được hiểu như sau:
– Tài sản theo quy định của pháp luật hiện nay bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các loại quyền tài sản;
– Tài sản bao gồm động sản và bất động sản. Động sản và bất động sản theo quy định của pháp luật có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
Căn cứ theo quy định tại Điều 450 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về hoạt động mua bán quyền tài sản. Theo đó, mua bán quyền tài sản được quy định như sau:
– Trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán sẽ phải chuyển đầy đủ các loại giấy tờ, tài liệu cho bên mua, bên bán sẽ phải có trách nhiệm làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua, bên mua sẽ phải trả tiền cho bên bán theo sự thỏa thuận của các bên;
– Trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ, bên bán cam kết đảm bảo khả năng thanh toán của người nợ, thì theo quy định của pháp luật, bên bán sẽ phải có trách nhiệm liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người nợ không có khả năng để trả;
– Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản được xác định là thời điểm bên mua nhận được đầy đủ các loại giấy tờ và tài liệu liên quan đến quyền sở hữu quyền tài sản đó, hoặc từ thời điểm đăng ký việc chuyển quyền sở hữu quyền tài sản tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu pháp luật có quy định cụ thể.
Như vậy có thể nói, theo quy định của pháp luật thì quyền đòi nợ được xác định là một trong những loại quyền tài sản.
Về vấn đề người thừa kế theo pháp luật, căn cứ theo quy định tại Điều 651 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể như sau:
– Những người thừa kế theo pháp luật hiện nay được quy định theo thứ tự như sau:
+ Hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của pháp luật bao gồm các chủ thể sau: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai theo quy định của pháp luật sẽ bao gồm các chủ thể sau: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba theo quy định của pháp luật sẽ bao gồm các chủ thể sau: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
– Những người thừa kế cùng hàng sẽ có quyền hưởng di sản với một phần bằng nhau, tương đương nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được phép hưởng thừa kế nếu như không còn ai ở hàng thừa kế trước, trong trường hợp tất cả những người thuộc hàng thừa kế trước đó đã chết, những người đó không có quyền hưởng di sản thừa kế hoặc bị truất quyền hưởng di sản, tự nguyện từ chối nhận di sản.
Theo đó, trong trường hợp bố mẹ đã qua đời, các đồng thừa kế căn cứ theo quy định tại Điều 651 của Bộ luật dân sự năm 2015 hoàn toàn có quyền yêu cầu bên vay thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho mình. Nếu như bên vay cố tình không trả, thì các đồng thừa kế có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết, bắt buộc bên tay phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Từ đó có thể khẳng định, con cái hoàn toàn có quyền đòi nợ thay khi bố mẹ đã qua đời.
2. Thủ tục khởi kiện đòi nợ của con thay bố mẹ, khi bố mẹ đã mất:
Theo như phân tích ở trên, trong trường hợp bố mẹ đã qua đời, con cái có quyền thực hiện thủ tục đòi nợ thay cho bố mẹ. Trong trường hợp người vay cố tình không trả, các đồng thừa kế có thể thực hiện thủ tục khởi kiện yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Thủ tục đòi nợ trong trường hợp này sẽ được thực hiện theo các giai đoạn như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện. Trong quá trình khởi kiện tại tòa án, cần phải chuẩn bị các loại giấy tờ và tài liệu chứng minh việc cha, mẹ của bạn đã từng cho vay tiền như: giao dịch vay phát sinh giữa các bên được thành lập bằng văn bản hoặc bằng lời nói, lúc
Bước 2: Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cần phải nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này được xác định là tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú. Sau khi nhận được hồ sơ khởi kiện đòi nợ, nếu nhận thấy hồ sơ đáp ứng đầy đủ yêu cầu và vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, đơn khởi kiện làm đúng theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, thì tòa án sẽ thông báo cho người nộp đơn khởi kiện đóng tiền tạm ứng án phí. Trong khoảng thời gian 07 ngày được tính kể từ ngày nhận được thông báo của tòa án, người nộp đơn cần phải thực hiện nghĩa vụ đóng tiền tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Tiến trình thụ lý vụ việc sẽ được diễn ra như sau: Xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm phải xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
3. Thời hiệu khởi kiện của quyền đòi nợ được quy định như thế nào?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 150 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về thời hiệu khởi kiện. Theo đó, thời hiệu khởi kiện mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án giải quyết vụ việc dân sự để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi quyền lợi bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì sẽ bị mất quyền khởi kiện trên thực tế. Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 429 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng. Theo đó, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng hiện nay được xác định là 03 năm phải được tính kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết về quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm phạm bởi chủ thể thứ ba.
Theo đó thì có thể nói, thời hiệu khởi kiện quyền đòi nợ hoặc tranh chấp hợp đồng vay hiện nay đang được xác định là 03 năm được tính kể từ ngày bên vay tiền không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ của mình theo sự thỏa thuận với bên cho vay. Nếu hết thời hạn yêu cầu khởi kiện theo như phân tích nêu trên thì bên cho vay sẽ không còn quyền khởi kiện đòi nợ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.