Con bị tâm thần thì cha mẹ có được thay mặt xin ly hôn? Đây là câu hỏi được đặt ra rất nhiều của các bậc cha, mẹ khi có con bị tâm thần và bị hành hạ trong cuộc sống hôn nhân.
Mục lục bài viết
1. Con bị tâm thần thì cha mẹ có được thay mặt xin ly hôn?
Theo quy định của pháp luật về dân sự, người tâm thần được hiểu là người bị mất năng lực hành vi dân sự, họ vì những bệnh lý về tâm thần mà dẫn đến việc không làm chủ được hành vi cũng như nhận thức của mình. Trên cơ sở yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan và căn cứ vào kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự.
Căn cứ Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn sẽ thuộc về:
– Vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng đều có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn.
– Nếu như một bên vợ hoặc chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình và là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần thì khi đó người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn là cha, mẹ, người thân thích của họ.
Như vậy theo quy định trên không phải trường hợp nào cũng có thể nộp đơn, mà chỉ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
+ Tình trạng của người bệnh phải đến mức không còn khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Việc này sẽ phải có tài liệu, giấy tờ do cơ sở y tế cấp trong đó có kết luận về tình trạng bệnh lý của người đó.
Trường hợp đối tượng bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì sẽ căn cứ dựa vào quyết định của Tòa án.
+ Người con bị bệnh tâm thần đó phải là nạn nhân của bạo lực gia đình do vợ, chồng của họ gây ra dẫn đến hậu quả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tinh thần của chính người đó. Cụ thể những hành vi bạo lực gia đình có thể kể đến như sau:
Hành vi đánh đập, ngược đãi, hành hạ hoặc những hành vi cố ý khác xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của đối phương.
Hành vi lăng mạ; hoặc hành vi cố ý khác nhằm mục đích làm nhục đối phương, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của họ.
Hành vi xua đuổi, cô lập, gây áp lực thường xuyên đến tinh thần của họ.
Hành vi cưỡng ép để quan hệ tình dục.
Hành vi cưỡng ép tảo hôn.
Hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc cưỡng ép ly hôn trái phép.
Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền cũng như nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông bà và cháu; giữa cha mẹ và con cái; giữa vợ chồng; anh chị em với nhau.
Hành vi hủy hoại, chiếm đoạt, đập phá hoặc những hành vi khác với mục đích cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của các thành viên trong gia đình.
Hành vi cưỡng ép vợ hoặc chồng lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ.
Hành vi buộc thành viên của gia đình ra khỏi chỗ ở một cách trái pháp luật.
Luật Hôn nhân và gia đình đã mở rộng các đối tượng có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, thay vì chỉ có vợ, chồng là người trong cuộc thì cha, mẹ cũng như người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình. Đồng thời họ là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Quy định này trên thực tế đã góp phần tháo gỡ tình trạng nhiều trường hợp cuộc sống quá khổ và bị hành hạ những do hạn chế về tinh thần, mất năng lực hành vi mà không thể làm thủ tục ly hôn được.
2. Hồ sơ, thủ tục cha mẹ yêu cầu ly hôn khi con bị tâm thần:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu ly hôn đơn phương:
Hồ sơ bao gồm:
– Đơn xin ly hôn đơn phương.
– Giấy tờ, hồ sơ chứng minh con bị tâm thần: giám định của bác sĩ; quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự của Tòa án.
– Bản gốc giấy chứng nhận đăng kí kết hôn.
– Giấy xác nhận nơi cư trú của bị đơn.
– Bản sao chứng thực chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân của nguyên đơn.
– Bản sao chứng thực giấy khai sinh của các con (nếu có).
– Các tài liệu chứng minh về tài sản chung hoặc tài sản riêng vợ chồng (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ như trên, cha, mẹ nộp hồ sơ đến Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi bị đơn đang cư trú (căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết:
Tòa án thông báo cho người khởi kiện nộp tạm ứng án phí sau khi nhận đơn ly hôn đơn phương. Nguyên đơn phải thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí.
Mức án phí phải nộp như sau:
Án phí dân sự, hôn nhân gia đình sơ thẩm không có giá ngạch là: 300.000 đồng
Án phí trong trường hợp giải quyết thủ tục ly hôn có xảy ra tranh chấp về tài sản, sẽ áp dụng như sau:
– Từ 6.000.000 đồng trở xuống: Mức án phí là 300.000 đồng;
– Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: Mức án phí là 5% giá trị tài sản có tranh chấp;
– Từ 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: Mức án phí là 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng;
– Từ 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: Mức án phí là 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng;
– Từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: Mức án phí là 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng;
– Trên 4.000.000.000 đồng: Mức án phí là 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.
Thẩm phán sẽ thông báo thụ lý vụ án bằng văn bản cho nguyên đơn và bị đơn trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án. Và sau đó phân công thẩm phán thụ lý vụ án.
Tiến hành buổi hòa giải và công khai chứng cứ tại Tòa án.
Tiến hành xét xử sơ thẩm giải quyết ly hôn đơn phương và ban hành bản án/quyết định.
Theo quy định, thời gian để giải quyết một vụ án yêu cầu đơn phương ly hôn rơi vào khoảng từ 4-6 tháng.
3. Trường hợp nào hạn chế quyền yêu cầu ly hôn:
Căn cứ khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng khi vợ đang trong tình trạng có thai hoặc sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Việc pháp luật quy định giới hạn quyền ly hôn của người chồng này xuất phát từ việc bảo vệ quyền và lợi ích tối đa của người phụ nữ cũng như của con nhỏ, bởi họ là những người yếu thế trong xã hội cần được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Thực tế, khi người phụ nữ mang thai, đang nuôi con nhỏ gần như không có thời gian để làm việc kiếm thu nhập do đó rất cần người chồng ở bên để hỗ trợ về mặt tài chính và chăm sóc.
Tuy nhiên trường hợp chính người vợ yêu cầu ly hôn đơn phương hoặc hai vợ chồng thuận tình ly hôn trong trường hợp vợ có thai hoặc sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì pháp luật vẫn thụ lý và giải quyết.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.