Có xử phạt hành chính khi người thực hiện hành vi đã chết. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Có xử phạt hành chính khi người thực hiện hành vi đã chết. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Tóm tắt câu hỏi:
Công ty A có quyết định giao đất do công ty quản lý cho ông B là cán bộ công nhân viên vào năm 2000 (giao đất trái thẩm quyền) nhưng khi tiến hành giao đất thì phát hiện mảnh đất trên bị ông C lấn chiếm. Công ty A gửi đơn đề nghị chính quyền xử lý. Trong quá trình lập hồ sơ thì ông C mất, nhưng trước đó ông C đã bán phần đất lấn chiếm cho tôi, hiện tôi đang quản lý và sử dụng. Chính quyền lập biên bản vi phạm hành chính yêu cầu tôi trả lại đất do ông C lấn chiếm và cho rằng việc mua bán chuyển nhượng giữa tôi và ông C là bất hợp pháp, tôi không chấp thuận. Vậy tôi xin hỏi việc chính quyền địa phương lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu đối với tôi là đúng hay sai? Hiện nay Tôi đang khởi kiện quyết định hành chính tại Tòa án thì có cơ sở để thắng kiện hay không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Ông C là người có hành vi lấn chiếm đất trước năm 2000 (thời điểm phát hiện hành vi vi phạm), đây là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 6 Luật Đất đai 1993: "Nghiêm cấm việc lấn chiếm đất đai, chuyển quyền sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích được giao, huỷ hoại đất." Theo đó, hành vi của ông C được xác định là hành vi trái với quy định pháp luật, đồng thời quyền sử đất của ông C cũng không được công nhận. Do đó, ông C cũng không có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất này cho bạn. Khi này hợp đồng chuyển nhượng giữa ông C và bạn được xác định là hợp đồng vô hiệu, Điều 146 Bộ luật Dân sự 1995 quy định về Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
1- Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên từ thời điểm xác lập.
2- Khi giao dịch dân sự vô hiệu, thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải hoàn trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
Tuỳ từng trường hợp, xét theo tính chất của giao dịch vô hiệu, tài sản giao dịch và hoa lợi, lợi tức thu được có thể bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
Về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn chiếm đất của chính quyền đối với bạn phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể Nguyên tắc Xử lý vi phạm hành chính được quy định thống nhất trong các văn bản bao gồm Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 1995, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002, Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012 là "Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt hành chính khi có vi phạm hành chính do pháp luật quy định."
Như vậy, người bị xử phạt vi phạm hành chính và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm phải là người đã thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trong trường hợp này, ông C đã chết ở thời điểm chính quyền lập biên bản vi phạm và ra quyết định hành chính, nên việc ra quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của Chính quyền đối với bạn là sai đối tượng áp dụng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Bên cạnh đó, đối với hành vi lấn chiếm đất đai, quy định thống nhất của Luật Đất đai 1993, “Luật đất đai 2013”, Luật đất đai 2013 đều xác định là trường hợp mà Nhà nước có quyền thu hồi đất cụ thể như sau:
– Điều 26 Luật Đất đai 1993 Nhà nước thu hồi toàn bộ hoặc một phần đất đã giao sử dụng trong những trường hợp sau đây:
1- Tổ chức sử dụng đất bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm nhu cầu sử dụng đất mà không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 30 của Luật này; cá nhân sử dụng đất đã chết mà không có người được quyền tiếp tục sử dụng đất đó;
2- Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất được giao;
3- Đất không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất đó cho phép;
4- Người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước;
5- Đất sử dụng không đúng mục đích được giao;
6- Đất được giao không theo đúng thẩm quyền quy định tại Điều 23 và Điều 24 của Luật này.
– Điều 38 “Luật đất đai 2013” Các trường hợp thu hồi đất. Nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
1. Nhà nước sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế;
2. Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;
3. Sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không có hiệu quả;
4. Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;
5. Đất được giao không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;
6. Đất bị lấn, chiếm trong các trường hợp sau đây:
a) Đất chưa sử dụng bị lấn, chiếm;
b) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;
7. Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;
8. Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất;
9. Người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước;
10. Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn khi hết thời hạn;
11. Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn mười tám tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn hai mươi bốn tháng liền;
12. Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép.
– Điều 64 Luật đất đai 2013 Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:
a) Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;
b) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;
c) Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;
d) Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;
đ) Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;
e) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;
g) Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;
h) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;
i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.