Theo quy định hiện nay, trong những trường hợp người lập di chúc già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng thì có thể mời công chứng viên về nhà để công chứng di chúc cho mình.
Mục lục bài viết
1. Có thể yêu cầu thực hiện công chứng di chúc tại nhà không?
1.1. Di chúc có bắt buộc phải công chứng hay không?
Di chúc là văn bản thể hiện ý chí của một người để lại di sản thừa kế cho người khác. Vậy, khi lập di chúc thì người lập có cần thực hiện thủ tục công chứng di chúc hay không. Trước hết, ta căn cứ theo quy định tại điều 627 Bộ luật Dân sự 2015. Theo quy định này thì ta có thể thấy rằng hiện tại pháp luật quy định di chúc có hai hình thức là di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
Bên cạnh đó, liên quan đến di chúc bằng văn bản, tại Điều 628 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng di chúc bằng văn bản bao gồm các loại như là: di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có công chứng, di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Tóm lại, theo các quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì không có quy định nào bắt buộc di chúc phải được công chứng. Theo đó, di chúc có thể được lập dưới nhiều hình thức khác nhau như di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, có người làm chứng, có công chứng hoặc chứng thực. Ngoài ra, còn có thể lập di chúc bằng miệng theo quy định của pháp luật.
1.2. Có thể yêu cầu thực hiện công chứng di chúc tại nhà không?
Thông thường khi thực hiện bất kỳ thủ tục hành chính nào thì người dân đều đến trực tiếp tại các trụ sở cơ quan nhà nước, do vậy, trên thực tế khi có nhu cầu công chứng di chúc mọi người đều đến trực tiếp tại các tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp người lập di chúc không thể đến trực tiếp tại các tổ chức hành nghề công chứng để công chứng di chúc của mình có thể là do bị bại liệt, ốm đau,…. Vậy, khi người lập di chúc có nhu cầu công chứng di chúc nhưng không thể đến được các tổ chức hành nghề công chứng thì có thể mời công chứng viên về nhà để công chứng di chúc cho mình hay không?
Về vấn đề này, hiện tại Bộ luật dân sự 2015 đã có quy định rõ rang tại điều 639. Theo quy định tại điều luật này ta có thể hiểu rằng người lập di chúc hoàn toàn có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ ở của mình để lập di chúc và thủ tục lập di chúc tại chỗ ở được tiến hành như thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng theo quy định.
Bên cạnh đó, Luật công chứng năm 2014 cũng có quy định tại Điều 44 về địa điểm công chứng. Theo đó, có thể cầu công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Tóm lại, từ những quy định trên ta có thể khẳng định được rằng trong những trường hợp người lập di chúc già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng thì có thể mời công chứng viên về nhà để công chứng di chúc cho mình.
1.3. Thủ tục công chứng di chúc tại nhà:
Để thực hiện thủ tục công chứng di chúc tại nhà, người lập di chúc cần thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người có yêu cầu công chứng di chúc cần chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu sau đấy:
– Phiếu yêu cầu công chứng;
– Bản sao Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu;
– Bản di chúc dự thảo (nếu có);
– Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản: sổ đỏ, hợp đồng mua bán nhà đất, giấy tờ xe,…
Bước 2: Mời công chứng viên về nhà
Bạn có thể liên hệ với Phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng trong huyện, tỉnh mình để được cử công chứng viên về tại nhà công chứng di chúc cho mình.
Khi Công chứng viên về nhà làm việc thì công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng.
Bên cạnh đó, công chứng viên phải giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của di chúc.
Sau khi hồ sơ đã hợp lệ thì Công chứng viên kiểm tra dự thảo di chúc. Nếu trong dự thảo di chúc có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của di chúc không phù hợp với quy định của pháp luật thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.
Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo di chúc hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe theo đề nghị của người yêu cầu công chứng.
Nếu đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo di chúc thì người yêu cầu công chứng ký vào từng trang của di chúc. Công chứng viên yêu ghi lời chứng, ký vào từng trang của di chúc.
Bước 3: Trả kết quả công chứng
Thời hạn công chứng di chúc theo quy định của luật công chứng 2014 là không quá 02 ngày làm việc; trường hợp có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.
2. Nếu di chúc đã được công chứng thì có được sửa đổi, bổ sung nội dung di chúc không?
Trên thực tế, không ít những trường hợp sau khi công chứng di chúc, người lập di chúc lại có nhu cầu thay đổi nội dung di chúc vì nhiều lý do, có thể là muốn bổ sung thêm tài sản để lại hoặc cũng có thể là thay đôi người thừa kế. Vậy, đối với những trường hợp trước đó đã lập di chúc có công chứng rồi thì có thể sửa đổi, bổ sung nội dung di chúc nữa hay không.
Ta căn cứ theo quy định tại khoản 3, điều 56 Luật Công chứng 2014 quy định về việc công chứng di chúc thì ta có thể xác định như sau:
Khi đã công chứng di chúc nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó.
Di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng nào thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.
Tóm lại, từ quy định trên của luật công chứng thì di chúc đã được công chứng vẫn có thể được sửa đổi, bổ sung nội dung di chúc như bình thường.
3. Di chúc bằng văn bản nhưng không có công chứng, chứng thực được coi là hợp pháp khi nào?
Như đã nêu ở trên thì ta có thể thấy rằng hiện tại pháp luật dân sự không bắt buộc di chúc phải tiến hành công chứng thì mới hợp pháp. Tức là, di chúc được lập bằng văn bản thì có thể công chứng tùy theo nhu cầu của người lập, còn chuyện di chúc đó có hợp pháp hay không thì lại là một câu chuyện khác. Để một di chúc hợp pháp thì nó phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
Một là, người lập di chúc phải còn minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
Hai là, nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Ba là, người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Bốn là, người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ muốn lập di chúc thì phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
Năm là, di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép và nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Luật Công chứng 2014.