Theo quy định của pháp luật hiện nay, cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện, nơi cư trú của công dân có thể là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Vậy có thể tra cứu thông tin cư trú của người khác hay không?
Mục lục bài viết
1. Có thể tra cứu thông tin cư trú của người khác không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 của Nghị định 104/2022/NĐ-CP, có quy định cụ thể về vấn đề khai thác và sử dụng thông tin về cư trú. Theo đó, có thể tra cứu thông tin cư trú thông qua những phương thức sau đây:
Thứ nhất, sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử. Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ công an đã giải thích, thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử là một trong những loại giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân và thông tin về nơi cư trú. Thẻ căn cước công dân được xem là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của cá nhân. Khi công dân xuất trình thẻ căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, thì cơ quan có thẩm quyền không được phép yêu cầu công dân xuất trình thêm các loại giấy tờ khác để chứng nhận các thông tin về căn cước công dân. Vì vậy có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử để tra cứu thông tin về cư trú. Đồng thời, có thể sử dụng thiết bị đọc mã QR trên thẻ căn cước công dân có gắn chíp để tra cứu thông tin.
Thứ hai, tra cứu thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý dân cư. Theo đó, người dân có thể tra cứu và khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng cách truy cập vào website của dichvucong.dancuquocgia.gov.vn. Sau đó đăng nhập tài khoản, xác thực mã OTP được hệ thống gửi về điện thoại thông qua tin nhắn. Sau đó, tại trang chủ, người dân có thể lựa chọn chức năng “thông tin công dân”, tìm kiếm các thông tin liên quan đến nơi cư trú hợp pháp. Lúc này, thông tin cơ bản về nơi cư trú của công dân sẽ được hiển thị trên màn hình.
Thứ ba, sử dụng ứng dụng của Bộ công an để hiển thị các thông tin cá nhân. Để có thể sử dụng được ứng dụng của Bộ công an, người dân cần phải đến cơ quan công an để đăng ký tài khoản, thực hiện hoạt động cài ứng dụng VNeID. Sau đó kích hoạt tài khoản trên thiết bị di động.
Thứ tư, sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú. Công dân có thể trực tiếp tới cơ quan đăng ký cư trú để thực hiện thủ tục đề nghị xin cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký cư trú sẽ cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho công dân dưới hình thức văn bản hoặc dưới hình thức điện tử. Giấy xác nhận thông tin về cư trú sẽ có giá trị trong khoảng thời gian 30 ngày được tính kể từ ngày cấp.
Thứ năm, sử dụng thông báo số định danh cá nhân. Bộ công an là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã chỉ đạo quá trình thực hiện thủ tục cấp Thông báo số định danh và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho 100% người dân chưa được cấp căn cước công dân trên địa bàn toàn quốc để người dân có thể sử dụng giải quyết thủ tục hành chính, các giao dịch dân sự cần chứng minh nơi cư trú hợp pháp.
Theo đó thì có thể nói, mỗi cá nhân chỉ có thể thực hiện thủ tục tra cứu thông tin cư trú của chính mình, không thể tra cứu thông tin cư trú của người khác. Vì trong quá trình tra cứu thông tin cư trú, cần phải cung cấp các loại giấy tờ tùy thân như thẻ căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân. Hoặc trong trường hợp tra cứu thông tin cư trú thông qua các ứng dụng điện tử hoặc thông qua hình thức trực tuyến, cũng cần phải có tài khoản truy cập cá nhân thì mới có thể thực hiện hoạt động tra cứu.
Vì vậy về bản chất, không thể tra cứu thông tin cư trú của người khác, ngoại trừ trường hợp được uỷ quyền hợp pháp.
2. Trình tự, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đối với công dân Việt Nam:
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 của Nghị định 59/2022/NĐ-CP Quy định về định danh và xác thực điện tử, có quy định cụ thể về trình tự và thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử đối với công dân Việt Nam. Trong đó có quy định về hoạt động đăng ký tài khoản định danh điện tử ở mức độ 02. Cụ thể như sau:
– Đối với công dân đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, hoạt động đăng ký tài khoản định danh điện tử ở mức độ 02 sẽ được thực hiện như sau:
+ Công dân đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Công an cấp xã hoặc nơi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân để tiến hành hoạt động cấp tài khoản định danh điện tử. Công dân cần phải xuất trình thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử, cung cấp các thông tin liên quan đến số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử, đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử cá nhân;
+ Các cán bộ tiếp nhận thông tin của công dân, nhập thông tin mà công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử. Tiến hành hoạt động chụp ảnh chân dung của công dân, thu nhận vân tay của công dân, làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử của cá nhân;
+ Cơ quan quản lý định danh điện tử sẽ thông báo kết quả đăng ký tài khoản thông qua ứng dụng của Bộ công an hoặc thông qua tin nhắn điện thoại, hoặc thông qua địa chỉ thư điện tử.
– Cơ quan công an sẽ tiến hành hoạt động cấp tài khoản định danh điện tử ở mức độ 02 cùng với hoạt động cấp thẻ căn cước công dân đối với trường hợp công dân chưa được cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử.
Theo điều luật phân tích nêu trên thì có thể nói, trình tự và thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử ở mức độ 02 với công dân Việt Nam sẽ được thực hiện theo các giai đoạn sau:
Bước 1: Công dân có nhu cầu đăng ký tài khoản định danh điện tử sẽ cần đến công an cấp xã/phường hoặc đến nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân trước đó để được cấp tài khoản định danh điện tử.
Bước 2: Công dân sẽ xuất trình thẻ căn cước công dân gắn chíp, cung cấp thông tin và số điện thoại, thông tin về địa chỉ thư điện tử, đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử cá nhân.
Bước 3: Cán bộ tiếp nhận thông tin của công dân đã cung cấp, sau đó cập nhật vào hệ thống định danh và xác thực điện tử. Cán bộ công an sẽ chụp ảnh chân dung của công dân, thu nhận dấu vân tay của công dân, làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử cá nhân.
Bước 4: Cơ quan có thẩm quyền quản lý định danh điện tử sẽ thông báo kết quả đăng ký tài khoản thông qua ứng dụng VNeID, hoặc thông báo thông qua tin nhắn điện thoại hoặc thông báo qua địa chỉ thư điện tử.
3. Tra cứu thông tin cư trú thông qua ứng dụng VNeID như nào?
Có thể nói, ứng dụng của Bộ công an cho phép công dân tra cứu thông tin cư trú của bản thân. Thủ tục tra cứu thông tin cư trú thông qua ứng dụng này sẽ được thực hiện theo các giai đoạn sau:
– Kiểm tra phiên bản của ứng dụng. Trong trường hợp ứng dụng đã có phiên bản mới thì cần phải cập nhật;
– Chọn mục “ví giấy tờ”;
– Chọn mục “thông tin cư trú”, sau đó nhập mật khẩu;
– Xem thông tin cư trú đã hiển thị trên màn hình. Nhìn chung, thông tin cư trú của công dân sẽ bao gồm các vấn đề cơ bản sau:
+ Thông tin hành chính: bao gồm họ và tên, mã số định danh cá nhân, giới tính của công dân, ngày sinh, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, quê quán;
+ Thông tin cư trú của công dân: bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú của công dân, nơi ở hiện tại.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 59/2022/NĐ-CP Quy định về định danh và xác thực điện tử;
– Kế hoạch 865/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc triển khai thi hành Nghị định 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử;
– Nghị định 104/2022/NĐ-CP sửa đổi các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công;
– Nghị định 92/2023/NĐ-CP bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ.
THAM KHẢO THÊM: