Khi thực hiện thủ tục ly hôn, người có yêu cầu ly hôn phải nộp hồ sơ yêu cầu ly hôn tại đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết ly hôn. Vậy có thể nộp đơn xin ly hôn tại UBND xã, phường không?
Mục lục bài viết
1. Có thể nộp đơn xin ly hôn tại UBND xã, phường không?
Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo đúng quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Quy chiếu theo các quy định về thẩm quyền giải quyết của Tòa án tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì:
– Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, bao gồm:
+ Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.
+ Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
+ Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
+ Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
+ Tranh chấp về cấp dưỡng.
+ Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
+ Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà họ không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật.
+ Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
– Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
+ Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
+ Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
+ Yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc yêu cầu công nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
+ Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn.
+ Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
+ Yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
+ Yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân mà đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án.
+ Yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo các quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
+ Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc yêu cầu không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc các cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài hoặc yêu cầu không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc các cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
+ Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
+ Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình, trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi vợ chồng đều yêu cầu ly hôn (thuận tình ly hôn) hay ly hôn theo yêu cầu của một bên (ly hôn đơn phương) thì thẩm quyền giải quyết cho hai vợ chồng ly hôn chính là Tòa án nhân dân và chỉ có Tòa án nhân dân mới có thẩm quyền giải quyết cho vợ chồng ly hôn chứ không có bất kỳ một cơ quan nào khác có thẩm quyền này.
Tuy nhiên, tại Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về khuyến khích hòa giải ở cơ sở, Điều này quy định rằng Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Theo đó, khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn thì vợ hoặc chồng có thể yêu cầu thực hiện hòa giải ở cơ sở và cơ quan, người có thẩm quyền hòa giải ở cơ sở hoàn toàn được quyền thực hiện hòa giải hai vợ chồng khi vợ, chồng có yêu cầu (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác).
Như vậy, có thể khẳng định được rằng vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng khi yêu cầu ly hôn thì không thể nộp đơn xin ly hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã, phường mà phải nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền, còn đối với địa phương (thôn, tổ dân phố) chỉ có quyền hạn và trách nhiệm thực hiện hòa giải hai vợ chồng nếu như họ có yêu cầu.
2. Nguyên tắc tiến hành hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn:
Như đã phân tích ở mục trên, địa phương (thôn, tổ dân phố) chỉ có quyền hạn và trách nhiệm thực hiện hòa giải hai vợ chồng nếu như họ có yêu cầu còn cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho hai vợ chồng ly hôn là Tòa án. Khi vợ hoặc chồng có yêu cầu hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn thì khi tiến hành hòa giải phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
– Tôn trọng sự tự nguyện của hai bên vợ chồng; không bắt buộc, áp đặt hai bên vợ chồng trong hòa giải ở cơ sở;
– Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân;
– Bảo đảm phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư;
– Bảo đảm quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.
– Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình;
– Giữ bí mật thông tin đời tư của hai bên vợ chồng (người khác có liên quan);
– Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của hai bên vợ chồng, quyền và lợi ích hợp pháp của những người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
– Bảo đảm về bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
– Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản những bên có liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc là trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.
3. Quy định về tiến hành hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn:
Tiến hành hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn được thực hiện như sau:
– Hòa giải được tiến hành trực tiếp, bằng lời nói với sự có mặt của hai bên vợ chồng. Trong trường hợp một trong hai bên vợ chồng hoặc cả hai vợ chồng có người khuyết tật thì có sự hỗ trợ phù hợp để có thể tham gia hòa giải.
– Hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai theo ý kiến thống nhất của hai bên vợ chồng.
– Tùy thuộc vào vụ, việc cụ thể, dựa trên cơ sở quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, hòa giải viên sẽ áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm để giúp hai bên vợ chồng hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên để cho các bên thỏa thuận việc giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó. Nếu trong trường hợp không đạt được thỏa thuận thì hòa giải viên hướng dẫn hai bên vợ chồng thực hiện thủ tục ly hôn tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
– Hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở. Trong trường hợp các bên đồng ý thì sẽ lập văn bản hòa giải thành theo quy định của pháp luật.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
– Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.