Chỉ dẫn địa lý là những dấu hiệu dùng để chỉ các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ một khu vực, lãnh thổ hoặc một quốc gia nhất định. Vậy có thể thực hiện thủ tục chuyển nhượng hoặc chuyển giao chỉ dẫn địa lý hay không?
Mục lục bài viết
1. Có thể chuyển nhượng, chuyển giao chỉ dẫn địa lý không?
Theo quy định của pháp luật hiện nay, chỉ dẫn địa lý là một trong những đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ tại các nước trên thế giới nói chung và theo pháp luật của Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam hiện nay, căn cứ theo quy định tại khoản 22 Điều 4 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022 có đưa ra khái niệm về chỉ dẫn địa lý, theo đó Chỉ dẫn địa lý là khái niệm để chỉ các dấu hiệu được sử dụng để nhắc đến các sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ nhất định. Tại các địa phương đó, các sản phẩm văn hóa mang những đặc trưng riêng biệt mà không có tại các địa phương hoặc tại các khu vực khác. Chỉ dẫn địa lý là một trong những đối tượng sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo hộ, vì vậy thủ tục đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Cục Sở hữu trí tuệ diễn ra vô cùng phổ biến. Như vậy, chỉ dẫn địa lý trước hết phải là một dấu hiệu, đó có thể là hình ảnh hoặc được cả hiện bằng chữ viết hoặc có thể kết hợp giữa hình ảnh và cả chữ viết, nhìn thấy được trên thực tế, dùng để chỉ các loại sản phẩm và hàng hóa có nguồn gốc từ một khu vực, địa phương, vùng lãnh thủ hay bất kỳ một quốc gia cụ thể. Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu thể hiện chất lượng, uy tín, danh tiếng của các hàng hóa và sản phẩm do nguồn gốc địa lý tạo nên, có thể kể đến một số chỉ dẫn địa lý nổi tiếng tại Việt Nam như: Lụa tơ tầm Vạn Phúc, vải thiều Thanh Hà, nước mắm Phú Quốc …
thông thường trên thực tế, hoạt động chuyển quyền sử dụng đối với đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp đó cho phép các tổ chức và cá nhân khác trong xã hội có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình. Việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cần phải được thể hiện dưới hình thức bằng văn bản, hay đó còn được gọi là hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Vì vậy nhiều người đặt ra câu hỏi: Có thể chuyển nhượng hoặc chuyển giao chỉ dẫn địa lý hay không?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 138 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022 có quy định về vấn đề chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp. Một cách khái quát nhất, chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp được quy định như sau:
– Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu tiến hành thủ tục chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp của mình cho các chủ thể khác;
– Quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp cần phải được thể hiện bằng văn bản, hay đó còn được gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 139 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022 có quy định về các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp. Cụ thể như sau:
– Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp sẽ chỉ được phép tiến hành hoạt động chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp của mình trong phạm vi được bảo hộ;
– Các quyền đối với chỉ dẫn địa lý sẽ không được phép tiến hành hoạt động chuyển nhượng;
– Các quyền đối với tên thương mại sẽ chỉ được phép tiến hành hoạt động chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ các cơ sở sản xuất kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó;
– Việc thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu sẽ không được phép gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, không được gây ra sự nhầm lẫn về nguồn gốc của các loại hàng hóa và dịch vụ mang nhãn hiệu;
– Quyền đối với nhãn hiệu sẽ chỉ được phép thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu cho các tổ chức và cá nhân đáp ứng đầy đủ điều kiện của người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó;
– Quyền đối với sáng chế, quyền đối với kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước rất chỉ được phép thực hiện thủ tục chuyển nhượng cho các tổ chức được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân mang quốc tịch Việt Nam và thường trú trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tổ chức và cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sở hữu trong trường hợp này sẽ phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tương ứng của các tổ chức chủ trì theo quy định của luật sở hữu trí tuệ.
Theo điều luật phân tích nêu trên thì có thể nói, chỉ dẫn địa lý là một quyền sở hữu công nghiệp đặc biệt, vì vậy cho nên chỉ dẫn địa lý sẽ không được phép thực hiện thủ tục chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng.
2. Tại sao chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng, chuyển giao quyền sử dụng?
Theo như phân tích nêu trên, chỉ dẫn địa lý là một quyền sở hữu công nghiệp đặc biệt, chỉ dẫn địa lý không được phép chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng. Căn cứ theo quy định tại Điều 88 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022 có quy định về quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Cụ thể như sau:
– Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam sẽ thuộc về cơ quan nhà nước. Nhà nước sẽ cho phép các tổ chức và cá nhân sản xuất các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức và cá nhân đó, hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý để thực hiện hoạt động đăng ký chỉ dẫn địa lý. Tổ chức và cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý theo sự đồng ý của nhà nước sẽ không trở thành chủ sở hữu của chỉ dẫn địa lý đó;
– Tổ chức và cá nhân nước ngoài là chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo pháp luật của nước xuất xứ sẽ có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý đó trên lãnh thổ của Việt Nam.
Theo điều luật phân tích nêu trên thì có thể nói, người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam sẽ không đương nhiên trở thành chủ sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý đó, bởi vì chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật Việt Nam chỉ là nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một trong những lý do tiêu biểu để lý giải cho câu hỏi tại sao chỉ dẫn địa lý lại không được phép chuyển nhượng và chuyển giao quyền sử dụng trên thực tế. Theo điều luật phân tích nêu trên, nhà nước sẽ chỉ trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các tổ chức và cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại các địa phương tương ứng và đồng thời đưa sản phẩm đó ra lưu thông trên thị trường. Nhà nước cũng chính là chủ thể trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý, nhà nước là cơ quan có thẩm quyền duy nhất trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho các tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý trên thực tế. Vì vậy cho nên, chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý Việt Nam là nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phải bất kỳ các cá nhân và tổ chức nào khác trong xã hội.
Đồng thời, chỉ dẫn địa lý là cơ sở để chỉ đích danh ra một địa chỉ nhất định, một vùng miền nhất định, một địa phương hoặc một quốc gia với những đặc trưng nổi bật, với sự nổi tiếng nhất định, với các đặc điểm riêng biệt để nhận biết các loại sản phẩm và hàng hóa, các địa điểm đó mang những đặc điểm tích cực, có tính thu hút khách hàng, có sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng. Với bản chất để phát huy và duy trì đặc tính đặc biệt, giữ cho địa danh của mình có điều kiện phát triển, thu hút lợi nhuận, thu hút đầu tư, giữ nguyên tính ưu điểm sẵn có, giữ nguyên đặc điểm tự nhiên như văn hóa, sự nổi tiếng, địa hình và khí hậu … thì tốt nhất không thể đưa các đối tượng là chỉ dẫn địa lý ra trao đổi giữa đối tượng này với đối tượng khác, giữa cá nhân này với cá nhân khác, giữa địa phương này với địa phương khác. Một khi chỉ dẫn địa lý được chuyển giao trên thực tế, đem ra quảng bá thì bản chất của chỉ dẫn địa lý đó sẽ không được bảo toàn một cách nguyên vẹn, không có nền tảng để chỉ dẫn địa lý có thể phát huy vai trò của mình đối với vùng miền nguyên bản của nó. Vì vậy, tổng hợp nhiều lý do lại, pháp luật về sở hữu trí tuệ không cho phép chuyển nhượng hoặc chuyển giao chỉ dẫn địa lý, vì đó là những dấu hiệu chỉ gắn liền với một vùng miền nhất định, các vùng miền khác không thể đạt được yêu cầu đó.
3. Các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý bị cấm:
Căn cứ theo quy định tại Điều 129 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022 có quy định về các hành vi bị coi là xâm phạm đến quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Cụ thể như sau:
– Sử dụng các chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ cho các sản phẩm, mặc dù sản phẩm đó có nguồn gốc xuất xứ từ các khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, tuy nhiên các sản phẩm đó không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về tính chất và chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
– Sử dụng chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ cho các loại sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, hành vi đó nhằm mục đích trục lợi cá nhân, lợi dụng danh tiếng và uy tín của chỉ dẫn địa lý đã bảo hộ;
– Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào tương tự hoặc chung với chỉ dẫn địa lý đã thực hiện thủ tục bảo hộ cho các loại sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ từ các khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó, hành vi đó đã làm cho người tiêu dùng hiểu lầm rằng sản phẩm đó có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý đó.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ;
– Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan;
– Nghị định 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.