Cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật là doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã, hoặc các tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp khác. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì cơ sở sản xuất có được thực hiện hoạt động xuất khẩu nhập khẩu hay không?
Mục lục bài viết
1. Cơ sở sản xuất có được xuất khẩu nhập khẩu không?
Trước hết, quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân Việt Nam là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật quản lý ngoại thương năm 2017 có quy định về quyền tự do kinh doanh xuất nhập khẩu đối với thương nhân Việt Nam. Theo đó, quyền tự do kinh doanh xuất nhập khẩu đối với thương nhân Việt Nam không phải là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được thực hiện cụ thể như sau:
– Thương nhân được quyền thực hiện hoạt động kinh doanh xuất khẩu, kinh doanh nhập khẩu, và thực hiện các hoạt động khác có liên quan không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh, ngoại trừ các loại hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu và Danh mục hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu/tạm ngừng nhập khẩu;
– Thương nhân khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa theo giấy phép, theo điều kiện thì cần phải đáp ứng các yêu cầu về giấy phép và điều kiện;
– Chi nhánh của thương nhân Việt Nam được thực hiện hoạt động ngoại thương theo ủy quyền của thương nhân.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Nghị định 69/2018/NĐ-CP, có quy định cụ thể về quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, kinh doanh nhập khẩu. Theo đó:
– Thương nhân Việt Nam không phải là các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật sẽ được quyền thực hiện hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, và thực hiện các hoạt động khác có liên quan không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền, ngoại trừ các loại hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP, và các loại hàng hóa cấm xuất nhập khẩu khác theo quy định của pháp luật có liên quan, các loại hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu/hàng hóa tạm ngừng nhập khẩu;
– Chi nhánh của thương nhân Việt Nam theo quy định của pháp luật sẽ có quyền thực hiện hoạt động ngoại thương theo ủy quyền của các thương nhân;
– Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, các chi nhánh của thương nhân nước ngoài đặt trên lãnh thổ của Việt Nam khi tiến hành hoạt động xuất nhập khẩu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 69/2018/NĐ-CP, thì cần phải thực hiện đầy đủ cam kết của Việt Nam ghi nhận trong các điều ước quốc tế mà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, tuân thủ theo danh mục hàng hóa và lộ trình do cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ công thương công bố, đồng thời cần phải thực hiện đầy đủ theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
– Hoạt động xuất nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không hiện diện trực tiếp trên lãnh thổ của Việt Nam, các tổ chức và cá nhân khác có liên quan của các nước/vùng lãnh thổ được xác định là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và các nước có thỏa thuận song phương với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện theo quy định cụ thể của Chính phủ.
Theo đó thì có thể nói, theo điều luật phân tích nêu trên thì cơ sở sản xuất kinh doanh hoàn toàn có quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
2. Thành phần hồ sơ xin giấy phép xuất khẩu của cơ sở sản xuất:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Nghị định 69/2018/NĐ-CP, có quy định cụ thể về thành phần hồ sơ xin giấy phép xuất khẩu của cơ sở sản xuất. Theo đó, hồ sơ xin giấy phép xuất khẩu của cơ sở sản xuất sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu sau đây:
– Văn bản đề nghị xin cấp giấy phép của thương nhân;
– Giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
– Các loại giấy tờ và tài liệu có liên quan theo quy định của pháp luật.
3. Thủ tục xin giấy phép xuất khẩu của cơ sở sản xuất:
Căn cứ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 9 của Nghị định 69/2018/NĐ-CP, có quy định cụ thể về quy trình cấp giấy phép xuất khẩu của cơ sở sản xuất. Theo đó:
– Thương nhân cần phải gửi một bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật (thành phần hồ sơ được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Nghị định 69/2018/NĐ-CP) tới cơ quan có thẩm quyền, có thể gửi trực tiếp/gửi thông qua dịch vụ bưu điện/gửi trực tuyến online;
– Trong trường hợp thành phần hồ sơ chưa đầy đủ, chưa đúng quy định của pháp luật hoặc cần phải bổ sung tài liệu, cần phải giải trình thì trong khoảng thời gian 03 ngày làm việc được tính bắt đầu kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ/cơ quan ngang bộ cần phải thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật;
– Ngoại trừ trường hợp pháp luật có quy định khác về thời hạn cấp giấy phép, trong khoảng thời gian tối đa 10 ngày làm việc được tính bắt đầu kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định của pháp luật, Bộ/cơ quan ngang bộ cần phải có văn bản trả lời gửi về thương nhân nộp hồ sơ. Trong trường hợp pháp luật có quy định về việc Bộ/cơ quan ngang bộ có thẩm quyền cấp giấy phép trao đổi ý kiến với các cơ quan nhà nước khác có liên quan, thời hạn sử lý hồ sơ sẽ được tính bắt đầu kể từ thời điểm nhận được ý kiến trả lời của các cơ quan có liên quan;
– Việc cấp sửa đổi, bổ sung đối với giấy phép, cấp lại giấy phép do bị mất/do bị thất lạc sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc sau: Thương nhân chỉ phải nộp các loại giấy tờ tài liệu liên quan đến nội dung cần phải sửa đổi bổ sung, thời gian cấp sửa đổi/bổ sung hoặc cấp lại sẽ không được phép kéo dài hơn thời gian cấp giấy phép xuất nhập khẩu, trong trường hợp từ chối sửa đổi/bổ sung/cấp lại giấy phép thì cần phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do chính đáng.
Theo đó, quy trình xin giấy phép xuất khẩu của cơ sở sản xuất được thực hiện như sau:
Bước 1: Cơ sở sản xuất có nhu cầu xin cấp giấy phép nhập khẩu/xuất khẩu cần phải chuẩn bị các loại giấy tờ để nộp tới cơ quan có thẩm quyền. Thành phần hồ sơ bao gồm: Văn bản đề nghị cấp giấy phép của thương nhân, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các loại giấy tờ khác có liên quan.
Bước 2: Nộp hồ sơ đến bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền để xin cấp giấy phép xuất khẩu của cơ sở sản xuất.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa đúng quy định, cần phải bổ sung tài liệu, cần phải giải trình thì trong khoảng thời gian ba ngày làm việc được tính bắt đầu kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cần phải thông báo bằng văn bản để hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ. Theo quy định của pháp luật hiện nay, thời hạn giải quyết hồ sơ xin cấp phép tối đa là 10 ngày làm việc được tính bắt đầu kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ hợp lệ, đầy đủ và đúng theo quy định của pháp luật. Trong thời gian này, cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét việc cấp giấy phép và có văn bản trả lời cho thương nhân. Tuy nhiên, thời hạn này không áp dụng đối với trường hợp pháp luật có quy định khác về thời hạn cấp giấy phép. Đồng thời, trong trường hợp pháp luật có quy định về việc Bộ/cơ quan ngang bộ có thẩm quyền cấp giấy phép cần phải tiến hành thủ tục trao đổi ý kiến với các cơ quan có liên quan, thời hạn sử lý hồ sơ sẽ được tính bắt đầu kể từ thời điểm nhận được ý kiến trả lời của các cơ quan có liên quan đó.
Bước 4: Trả kết quả. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính là văn bản cho phép xuất khẩu đối với các cơ sở sản xuất.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Quản lý ngoại thương 2017 ;
– Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương;
– Thông tư 173/2018/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc công bố danh mục cụ thể hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Quốc phòng theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ;
– Thông tư 12/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.
THAM KHẢO THÊM: